Thứ ba, 23/04/2024 13:12 (GMT+7)
Chủ nhật, 10/01/2021 06:00 (GMT+7)

Nan giải trong thu hồi xe cũ nát

Theo dõi KTMT trên

Những chiếc xe máy cũ nát chở cồng kềnh và xả khói mù mịt gây không ít khó chịu đối với người tham gia giao thông, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn. Tuy nhiên, việc thu hồi xe cơ giới cũ nát vẫn là câu chuyện nan giải.

Bộ TN&MT vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải nhất là ở các đô thị lớn Hà Nội, TP.HCM... Đáng chú ý, trong các giải pháp, Bộ TN&MT đề nghị các thành phố lớn nhất cần thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường.

Trên thực tế, việc thu hồi phương tiện cũ nát, gây ô nhiễm môi trường không phải bây giờ mới được nêu lên. Trong những năm qua, hầu như năm nào câu chuyện kiểm soát khí thải đối với phương tiện giao thông cũng được nói đến. Thế nhưng, “cuộc chiến” làm sạch không khí từ kiểm soát khí thải phương tiện giao thông mới chỉ thật sự được triển khai đối với ô tô. Nhưng đó mới chỉ là chế tài để kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trong phân khúc tương đối hẹp.

Nan giải trong thu hồi xe cũ nát - Ảnh 1
Việc thu hồi xe cơ giới cũ nát vẫn là vấn đề nan giải, vướng mắc.

Còn riêng đối với xe máy, gần như chưa có một chế tài thật sự nào để kiểm soát khí thải đối với loại phương tiện này dù thực tế cho thấy, đây là phương tiện giao thông chiếm đại đa số hiện nay ở Việt Nam. Do đó, ngay khi Bộ TN&MT đưa ra đề nghị hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM thu hồi, loại bỏ xe cũ nát đã nhận được nhiều ý kiến tán thành.

Tuy nhiên, đề xuất này cũng đang vướng phải không ít khó khăn, vướng mắc bởi các phương tiện này liên quan đến quyền tài sản của mỗi công dân. Trao đổi với Lao Động, thiếu tá Phạm Văn Chiến - Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội) cho biết, căn cứ theo Luật Giao thông đường bộ, hiện nay các đơn vị chức năng vẫn tăng cường ra quân, xử lý người điều khiển xe môtô, xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định nào yêu cầu niên hạn sử dụng đối với mô tô, xe gắn máy. Vì vậy, không có căn cứ, cơ sở pháp lý để xử lý, thu hồi phương tiện.

Thiếu tá Chiến thông tin, ngoài các biện pháp mạnh như xử phạt, thu hồi xe về bãi xe vi phạm khi xe không có giấy tờ, lực lượng cảnh sát giao thông còn tập trung nhắc nhở, tuyên truyền để người tham gia giao thông không sử dụng xe cũ nát để bảo đảm an toàn giao thông cho bản thân và người đi đường; đồng thời tránh gây ô nhiễm môi trường.

Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch tại Việt Nam cho rằng, Hà Nội và TPHCM đều đông dân cư, nhiều xe cộ. việc kiểm soát tiêu chuẩn khí thải của các loại phương tiện chính là nhằm mục đích cải thiện môi trường, hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm. Ðầu tiên nhà nước phải có những quy định cụ thể, xe máy niên hạn bao nhiêu năm mới được lưu thông trên đường. Tiếp đến cần có quy định chế độ bảo dưỡng định kỳ, quy chuẩn của xe máy lưu hành.

Còn thiếu tá Nguyễn Minh Đức - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 7 (CATP.Hà Nội) cho hay, lực lượng chức năng vẫn thường xuyên tăng cường kiểm tra, xử lý và thu hồi các xe máy cũ nát, không có giấy tờ xe, đăng ký. Tuy nhiên, với những xe máy cũ nát lưu thông trên đường vẫn có giấy tờ xe đầy đủ thì lực lượng chức năng khó xử lý. Bởi hiện nay, chỉ có xe ô tô mới có hạn đăng kiểm, kiểm định định kỳ.

Đặc biệt hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về niên hạn sử dụng với xe mô tô, xe gắn máy. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần ban hành văn bản quy định cụ thể về thời hạn sử dụng hoặc gây ô nhiễm môi trường đến mức độ nào sẽ bị thu hồi.

“Xe máy không quy định phải có thời hạn đăng kiểm, không kiểm tra an toàn kỹ thuật. Về môi trường thì cần có cơ quan chức năng, các nhà chuyên môn thì mới có thể kiểm tra chứ lực lượng CSGT không thể kiểm tra được. Nếu muốn thu hồi xe máy cũ nát thì cần phải có văn bản chính thức về niên hạn sử dụng xe, những xe nào bị thu hồi thì chúng tôi mới có thể xử lý được” – Thiếu tá Đức thông tin.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, việc quản lý xe máy cũ nát liên quan đến quyền sở hữu tài sản nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý khi thu hồi. Giải pháp để loại bỏ xe máy cũ nát trong giai đoạn hiện nay là nhà nước, nhà sản xuất và người dân cùng vào cuộc. Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để nhà sản xuất thu hồi xe cũ và đổi xe máy mới cho người dân.

Bên cạnh đó, nhà nước cần kiểm soát chặt điều kiện lưu hành của phương tiện, như: tăng cường kiểm tra, xử lý xe cũ nát vi phạm điều kiện tham gia giao thông sẽ góp phần ngăn ngừa xe cũ nát không an toàn, gây ô nhiễm môi trường.

Như thế nào là xe cũ?

Theo PGS-TS Phạm Thị Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và giao thông, Trường ĐH GTVT TP.HCM, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu môi trường và giao thông của nhà trường đã có nghiên cứu, đánh giá tác động tiêu cực của việc sử dụng xe máy cũ tại TP.HCM.

Kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết những người tham gia khảo sát ý thức được việc sử dụng xe máy hư, cũ sẽ gây hậu quả xấu đối với môi trường. Hầu hết những người tham gia khảo sát đồng ý rằng nên căn cứ vào thời gian sử dụng và số kilomet đoạn đường đi được để xác định xe máy cũ, xe máy được sử dụng trên 10 hoặc 15 năm hay đã chạy được trên 100.000 km được xem là xe máy cũ.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Nan giải trong thu hồi xe cũ nát. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới