Nam Úc dự kiến đạt mục tiêu 100% năng lượng tái tạo ròng vào năm 2025
Theo một báo cáo mới của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA ), thành công của Nam Úc (một bang của Úc) mang đến nhiều bài học thiết thực cho nhiều nơi.
Tác giả của báo cáo Johanna Bowyer cho biết: “Từ mức 0%, chỉ sau 14 năm, sản lượng điện tái tạo cả quy mô nhỏ và quy mô lớn đã đáp ứng được 60% nhu cầu điện Nam Úc. Than đá đã bị loại bỏ từ năm 2016. Hiện nay, điện gió và điện mặt trời là nguồn chủ chốt trong lưới điện, được hỗ trợ bởi pin lưu trữ và sự kết nối lưới điện giữa các tiểu bang. Trong khi đó, các nhà máy khí đốt dự phòng được sử dụng như một công nghệ phát điện tạm thời cho đến khi Nam Úc chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo”.
Nam Úc là nơi có tỉ lệ năng lượng mặt trời mái nhà đáp ứng nhu cầu điện lớn nhất trong số tất cả các bang của thị trường điện quốc gia của Úc, với 13% nhu cầu lưới điện được cung cấp bởi năng lượng mặt trời mái nhà vào năm 2020. 40% các gia đình tại khu vực này có lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà, đưa Nam Úc lên vị trí dẫn đầu toàn cầu.
Đồng tác giả và là chuyên gia về nguồn năng lượng phân phối, Tiến sĩ Gabrielle Kuiper cho biết: "Nam Úc đã chứng minh rằng sản xuất 100% năng lượng mặt trời vào ban ngày để đáp ứng nhu cầu điện của người dùng là điều khả thi".
Điện tái tạo giá rẻ chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong lưới điện Nam Úc đang khiến giá điện giảm. Giá bán buôn điện đã giảm 65% ở Nam Úc (tính từ năm 2017 - 2021).
Các chính sách của chính phủ có ý nghĩa quan trọng, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sang lưới điện dùng năng lượng tái tạo là nguồn chính. Những chính sách này bao gồm: mục tiêu năng lượng tái tạo quốc gia, biểu giá điện mặt trời mái nhà của Nam Úc và gần đây là chương trình pin gia đình.
Nam Úc hiện dự kiến sẽ đạt được mục tiêu 100% năng lượng tái tạo ròng vào năm 2025, trước thời hạn 5 năm.
Chính phủ Nam Úc cũng đang đặt mục tiêu đạt 500% năng lượng tái tạo vào năm 2050 và trở thành “siêu cường” năng lượng tái tạo, xuất khẩu năng lượng tái tạo thặng dư sang các bang khác, sang các nước khác thông qua hydro xanh và các sản phẩm phát thải thấp khác. Kế hoạch này đang thúc đẩy các khoản đầu tư mới, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế cho bang.
Vào cuối tháng 5 vừa qua, đường dây truyền tải điện trị giá 2 tỉ Đô la kết nối giữa Nam Úc và New South Wales đã được phê duyệt theo quy định. Đây sẽ là công trình kết nối lớn nhất được xây dựng cho đến nay trong thị trường điện quốc gia. Đường dây dự kiến sẽ giúp phát triển các dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 1.800 MW nằm dọc tuyến lắp đặt, tạo ra hơn 2.600 việc làm trong khu vực và tạo ra khoản tiết kiệm năng lượng ròng hàng năm là 100 Đô la cho mỗi hộ gia đình Nam Úc và 60 Đô la cho mỗi hộ gia đình New South Wales.
Hệ thống kết nối mới sẽ mở ra thêm khả năng cân bằng nhu cầu cung cấp năng lượng giữa Nam Úc và New South Wales, mang lại lợi ích cho cả hai bang. Nó cũng được kỳ vọng sẽ làm giảm nguy cơ Nam Úc bị ngắt kết nối với phần còn lại của thị trường điện quốc gia, tăng cường an ninh lưới điện.
Các cơ chế khác cũng đang được nghiên cứu ở Nam Úc để tăng cường an ninh lưới điện khi lưới điện chuyển từ sử dụng điện do các nhà máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Pin là một giải pháp công nghệ quan trọng đang được sử dụng để giúp kiểm soát độ tin cậy cung cấp điện và an ninh của lưới điện. Là địa phương đầu tiên áp dụng công nghệ này, Nam Úc đã lắp đặt hệ thống lưu trữ năng lượng pin lớn nhất trên thế giới tại thời điểm vận hành (2017).
Hệ thống lưu trữ năng lượng nối lưới Hornsdale có thể phản ứng nhanh với các biến động của lưới điện, giúp duy trì an ninh năng lượng. Đây là một thành công về tài chính và kỹ thuật, tiết kiệm cho người tiêu dùng 150 triệu Đô la trong 2 năm đầu vận hành và giúp duy trì độ tin cậy, an ninh lưới điện.
Để đạt được mục tiêu sản xuất 500% năng lượng tái tạo, Nam Úc sẽ tiếp tục đi đầu, làm hình mẫu cho các khu vực khác về cách quản lý lượng lớn điện gió và mặt trời trong lưới điện.
Tác giả Johanna Bowyer nói: “Hiện nay vẫn chưa có nơi nào trên thế giới có khả năng chuyển đổi sang lưới điện không phát thải, không quán tính với chế độ đáp ứng nhu cầu toàn diện và tối ưu hóa cả nguồn năng lượng quy mô lớn và phân tán. Nam Úc có tiềm năng đạt được mục tiêu này trong vòng một thập kỷ với kế hoạch và chính sách thận trọng”.
Lan Anh