Mỹ: Biến loại nhựa khó tái chế nhất thành các khối xây dựng
Công ty khởi nghiệp ByFusion tại Los Angeles của Mỹ đang thực hiện sứ mệnh sản xuất các khối ByBlock từ rác thải nhựa có thể dùng để xây dựng tường rào, sân công cộng, bến xe buýt, đến các tòa nhà.
Mỗi năm, người Mỹ tạo ra khoảng 42 triệu tấn nhựa dùng một lần, nhưng chỉ 9% trong số đó được tái chế. Một phần là do các cơ sở xử lý rác hiện tại không thể theo kịp tốc độ sản xuất nhựa của đất nước. Một lý do khác đơn giản là vì một số loại nhựa không thể tái chế. Công ty khởi nghiệp ByFusion có trụ sở tại Los Angeles đang thực hiện sứ mệnh thay đổi điều đó.
ByFusion sử dụng lực nén kết hợp với hơi nước để tạo hình tất cả các loại nhựa, bao gồm cả những loại khó tái chế nhất, thành các khối xây dựng.
Để tạo ra chúng, ByFusion sử dụng những cỗ máy được cấp bằng sáng chế có tên là Blocker. Blocker có thể xử lý trực tiếp rác thải nhựa mà không cần phân loại hay làm sạch, nhờ đó tiết kiệm đáng kể thời gian và nguồn lực.
Mỗi khối ByBlock nhẹ hơn 10 pound (4,5 kg) và bền hơn các khối xi măng rỗng. Chúng có thể để ngoài trời, nhưng vì nhựa dễ bị tác động bởi ánh nắng, các dự án ngoài trời cần được phủ một lớp sơn trong, hoặc kết hợp với một vật liệu chịu thời tiết khác.
Sau nhiều năm nghiên cứu và phát triển, ByFusion đã xây dựng được một cơ sở sản xuất đầy đủ ở Los Angeles, nơi có thể xử lý 450 tấn nhựa mỗi năm. Bên cạnh đó, công ty đang cung cấp 12 máy Blocker khác trên khắp đất nước.
Đến nay, ByFusion đã tái chế 103 tấn nhựa và đặt mục tiêu 100 triệu tấn vào năm 2030. Công ty hy vọng có thể lắp đặt ít nhất một máy Blocker ở mỗi thành phố để thu gom và xử lý rác thải.
Trung bình mỗi người Mỹ thải ra 130kg rác thải nhựa mỗi năm. Người Anh đứng thứ hai trong danh sách với 99kg/người/năm. Sau đó là Hàn Quốc với 88kg/người/năm.
Theo Hãng tin AFP, báo cáo được Quốc hội Mỹ ủy nhiệm thực hiện như một phần của Đạo luật Save Our Seas 2.0. Đạo luật này có hiệu lực từ tháng 12/2020, có mục tiêu giảm rác thải nhựa.
"Nhựa là phát minh kỳ diệu của thế kỷ 20 và sự thành công của nó đã tạo ra một lượng lớn rác thải nhựa trên quy mô toàn cầu", Margaret Spring, người chủ trì ủy ban các chuyên gia biên soạn báo cáo, cho biết.
Bà Spring nói thêm rằng ô nhiễm rác thải nhựa là "một cuộc khủng hoảng môi trường và xã hội", nó làm ô nhiễm sông, hồ và bãi biển, gia tăng gánh nặng kinh tế lên cộng đồng, đe dọa động vật hoang dã nguy cấp và các vùng nước mà con người phụ thuộc.
Báo cáo cho biết sản lượng nhựa toàn cầu đã tăng từ 20 triệu tấn vào năm 1966 lên 381 triệu tấn vào năm 2015, tăng gấp 20 lần trong nửa thế kỷ. Ngày nay, hầu hết nhựa trên đất liền đều có khả năng xả ra đại dương thông qua sông và suối. Báo cáo chỉ ra rằng gần một nghìn loài sinh vật biển dễ bị vướng vào hoặc ăn phải các mảnh nhựa hay hạt vi nhựa. Sau đó chúng trở thành thức ăn cho con người, khiến nhựa đi vào cơ thể chúng ta.
Với tốc độ xả thải hiện tại, lượng nhựa thải ra đại dương có thể lên tới 53 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030.
Nguyên nhân được cho là đến từ chất thải nhựa phát sinh khi các đô thị mọc lên, đặc biệt là từ những năm 1980. Quy mô tái chế nhựa không theo kịp, dẫn đến ngày càng nhiều nhựa kết thúc vòng đời ở các bãi chôn lấp.
Nguyễn Linh (T/h)