Mùa Xuân thực hiện ‘Tết trồng cây’ theo lời Bác dạy
Ngày 6 tháng Giêng hàng năm là ngày “Tết trồng cây” được Bác Hồ đích thân phát động từ 62 năm trước. Từ đó đến nay, Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc mỗi dịp đầu xuân.
Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày “Tết trồng cây” với mong muốn: Trong 10 năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Từ đó, ngày Tết trồng cây được ấn định là ngày mùng 6 Tết Nguyên đán, và nó đã thành “Ngày của cây xanh Việt Nam” trong hơn 60 năm qua.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường gia tăng, việc trồng cây xanh không chỉ trở thành một nét đẹp truyền thống trong văn hóa Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc "Làm cho đất nước càng ngày càng xuân"...
Từ đó đến nay, hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, trong không khí rộn ràng, phấn khởi những ngày đầu năm mới, nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc lại tổ chức "Tết trồng cây". Ðây là một phong trào đầy ý nghĩa được nhân dân cả nước đồng lòng hưởng ứng và trở thành một phong tục tốt đẹp, một hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa của dân tộc ta.
"Tết trồng cây" không chỉ đơn thuần để có thêm cây xanh, phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải tạo môi trường sống của con người… mà "Tết trồng cây" còn góp phần giáo dục cho mỗi người, nhất là lớp trẻ lòng yêu quý, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái nói chung và cây xanh nói riêng, nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân đối với cộng đồng.
Tuy nhiên, ở một số nơi, việc tổ chức Tết trồng cây vẫn còn hiện tượng phô trương, nặng về hình thức, làm chiếu lệ. Việc trồng cây chưa gắn với chăm sóc, bảo vệ, nên tỉ lệ cây trồng sống đạt thấp; tình trạng phá rừng, cháy rừng còn diễn ra phức tạp.
Từ thực trạng trên, ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về việc tổ chức phong trào Tết trồng cây và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, xuân Tân Sửu năm 2021 với chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn 1,5 lần và từ năm 2022 đến 2025 cao gấp hai lần so với kết quả thực hiện năm 2020. Thủ tướng lưu ý việc tổ chức Tết trồng cây phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, bảo đảm cây sau khi trồng đạt tỉ lệ sống cao, sinh trưởng và phát triển tốt...
Hòa chung không khí đó, nhiều địa phương trên cả nước đã tích cực hưởng ứng phong trào Tết trồng cây năm 2021, góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thời điểm hiện tại, 100% quận, huyện, thị xã đã sẵn sàng cho Tết trồng cây Xuân Tân Sửu 2021. Các địa phương, đơn vị sẽ phát động Tết trồng cây từ ngày 17 đến 23/2. Trong đợt ra quân đầu xuân, toàn thành phố sẽ trồng từ 100.000 đến 120.000 cây xanh các loại.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên, phong trào trồng cây và bảo vệ cây, trồng rừng và bảo vệ rừng đã được các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, đoàn thể và người dân trên địa bàn Thủ đô tích cực hưởng ứng, góp phần hạn chế tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Cùng với việc bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp hiện có, Hà Nội đã trồng mới hàng trăm héc ta rừng.
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2021 thành phố đặt mục tiêu bảo vệ, quy hoạch lại diện tích đất rừng hiện có (27.159,53 ha); phát triển mô hình nông - lâm kết hợp; khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng có chứng chỉ, trồng cây gỗ bản địa và lâm sản ngoài gỗ…
Ngày 15/2, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk tổ chức phát động Tết trồng cây. Cán bộ, chiến sĩ đã tham gia trồng hơn 1.000 cây xanh, gồm các loại cây ăn trái, cây bóng mát chung quanh doanh trại, thao trường huấn luyện...
Mục tiêu trong năm 2021, tỉnh Nghệ An sẽ trồng mới hơn 18.000 ha rừng nguyên liệu để đáp ứng cho các nhà máy sản xuất gỗ ép, cơ sở gỗ dăm trên địa bàn. Riêng vụ xuân năm nay sẽ triển khai trồng hơn 5.000 ha tập trung ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn...
Giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Gia Lai trồng mới gần 25.300 ha rừng, góp phần duy trì và nâng độ che phủ rừng đạt 46,7%. Để hoàn thành chỉ tiêu trồng mới 40.000 ha rừng trong giai đoạn 2020 - 2025, nâng tỉ lệ che phủ rừng đạt 47,75%, tỉnh đã nhân rộng các mô hình trồng mới, giữ rừng nhằm phát triển ngành lâm nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững.
Để trồng cây hiệu quả và nâng cao chất lượng cây trồng, các ngành, địa phương, các tổ chức cần tiếp tục phổ biến, tuyên truyền và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, bảo đảm phát huy hiệu quả trên thực tiễn, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng. Một mặt, phải tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp, ưu tiên lựa chọn các loài cây bản địa, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt và tăng tỉ lệ sử dụng giống mô, hom; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; mặt khác phải quản lý suốt quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ để cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Hà Linh