Mưa axit có thực sự góp phần ngăn chặn Trái Đất nóng lên?
Theo các nhà khoa học, mưa axit là một trong những hiện tượng tự nhiên đáng sợ nhất trên Trái Đất. Tuy nhiên, thành phần sunphua có trong các cơn mưa axit có thể ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.
Mưa axit được xem như là một trong những thảm họa thiên nhiên, gây tác động xấu đến con người, sinh vật cũng như môi trường tự nhiên. Đây không chỉ là những cơn mưa thông thường mà nó còn có chứa các thành phần mang tính axit độc hại, như axit sunfuric (H2SO4) hoặc axit nitric (HNO3).
Nguyên nhân gây ra mưa axit là do sự gia tăng lượng oxit của lưu huỳnh và nitơ trong khí quyển bởi các hoạt động của con người. Ô tô, các nhà máy nhiệt điện cùng một số nhà máy khác khi đốt nhiên liệu đã xả ra khí SO2 vào trong khí quyển. Nhà máy luyện kim, lọc dầu cũng góp phần vào việc tăng lượng khí SO2. Trong khí xả, ngoài SO2 còn có khí NO được không khí tạo ra ở nhiệt độ cao từ phản ứng đốt nhiên liệu. Các nhiên liệu như than đá, dầu khí đều có chứa S và N. Khi cháy tại môi trường không khí có thành phần O2, sẽ chuyển thành SO2 và NO2 với đặc tính dễ tan trong nước.
Theo đó, khi trời mưa, dưới tác động của bức xạ môi trường, các oxit sẽ phản ứng với hơi nước trong khí quyển và tạo thành các axit như H2SO4, HNO3. Sau đó chúng sẽ rơi xuống mặt đất cùng với các hạt mưa hoặc lưu lại trong khí quyển cùng với mây trên trời. Chính các axit này đã tạo cho nước mưa có tính axit.
Do có độ chua khá lớn, nước mưa có thể hoà tan được một số bụi kim loại và oxit kim loại có trong không khí như oxit chì... làm cho nước mưa trở nên độc hơn đối với cây cối, vật nuôi và con người.
Nguy hiểm hơn, khi con người sử dụng mưa axit để chế biến thức ăn thì sẽ rất dễ gây ảnh hưởng đến đường ruột và hệ tiêu hóa. Vì trong mưa axit có rất nhiều loại chất gây hại đến sức khỏe con người, chúng cũng rất dễ thẩm thấu vào bên trong thức ăn hoặc nước uống. Các chuyên gia khoa học cũng đã nghiên cứu và chứng minh rằng các chất kim loại có bên trong mưa axit sẽ gây ra bệnh Alzheimer.
Mưa axit tác động xấu tới đất do nước mưa ngấm xuống đất làm tăng độ chua của đất, hoà tan các nguyên tố trong đất cần thiết cho cây như canxi (Ca), Magie (Mg)... làm suy thoái đất, cây cối kém phát triển. Mưa axit còn phá huỷ các vật liệu làm bằng kim loại như sắt, đồng, kẽm,... làm giảm tuổi thọ các công trình xây dựng.
Đáng chú ý, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, thành phần sunphua có trong các cơn mưa axit có thể ngăn chặn nhiệt độ Trái Đất nóng lên. Việc này có thể thực hiện được nhờ vào tác động vào quá trình sản xuất khí metan tự nhiên của các vi khuẩn trong đầm lầy.
Trong các yếu tố gây ra hiệu ứng nhà kính thì metan chiếm tới 22% và các vi khuẩn ở đầm lầy là thủ phạm sản xuất chính. Chúng tiêu thụ chất nền có trong than bùn và giải phóng khí metan vào khí quyển.
Bên trong đầm lầy, ngoài vi khuẩn sinh ra metan còn có vi khuẩn ăn sunphua, cạnh tranh thức ăn với chúng. Khi có mưa axit đổ xuống, nhóm vi khuẩn này sẽ sử dụng sunphua. Đồng thời, cũng tiêu thụ luôn phần chất nền dành cho vi khuẩn sinh metan. Vì vậy, các vi khuẩn metan bị “đói” và sẽ sản xuất ra ít khí nhà kính hơn. Nhiều thí nghiệm đã cho thấy, phần sunphua lắng đọng có khả năng giảm quá trình sinh metan lên tới 30%.
Tại Việt Nam, mưa axit ở một số nơi đã có biểu hiện rõ rệt, vượt ngưỡng cho phép. Theo các chuyên gia, sự gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí bởi các hoạt động phát triển đô thị, giao thông,… đang khiến cho hiện tượng mưa axit xuất hiện ngày một nhiều hơn.
Tại một số khu vực phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai dù không có nguồn phát thải đáng kể nhưng vẫn xảy ra các trận mưa có nồng độ axit cao. Điều này chứng tỏ, mưa axit ở Việt Nam ngoài chịu ảnh hưởng từ nguồn phát thải nội địa còn có cả nguồn phát lan truyền xuyên biên giới.
Thùy Linh (T/h)