Thứ năm, 25/04/2024 06:34 (GMT+7)
Thứ ba, 24/09/2019 07:15 (GMT+7)

'Ma trận' dự án kiểu siêu lừa Alibaba, nhà đầu tư hám lợi dễ trắng tay

Theo dõi KTMT trên

Vụ việc các lãnh đạo Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 18/9 vì cáo buộc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền tạm tính lên tới 2.500 tỉ đồng, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng người dân thiếu hiểu biết pháp luật, hám lợi, bị mất tiền khi mua đất "trên giấy".

Nhà đầu tư hám lợi, liên tục bị lừa bởi các dự án "ma"

Theo báo Công an nhân dân, kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện cùng hai anh em đã lập ra hàng loạt công ty, tiến hành thu gom, mua số lượng lớn đất nông nghiệp, trong đó chỉ có một số rất ít đất ở tại nông thôn để "tự vẽ" dự án phân lô bán nền. Nhóm công ty này đã gom tổng diện tích 600ha đất, giao cho các cá nhân đứng tên và lập ra 40 “dự án” không có thật và không được cơ quan có thầm quyền cấp phép. Trong đó, tỉnh Đồng Nai 29 dự án, Bà Rịa- Vũng Tàu 9 dự án, và tỉnh Bình Thuận 2 dự án.

Đến khi Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn bị bắt, hàng nghìn khách hàng mới ngã ngửa khi phát hiện toàn bộ các “dự án” mà Alibaba rao bán, thu tới 2.500 tỉ đồng đều chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án...

'Ma trận' dự án kiểu siêu lừa Alibaba, nhà đầu tư hám lợi dễ trắng tay - Ảnh 1
Tính đến 30/6/2019, Công ty Alibaba đã ký hợp đồng bán nền đất cho khoảng 6.700 khách hàng, thu số tiền hơn 2.560 tỉ đồng.

Điều đáng nói là Công ty Địa ốc Alibaba đã sử dụng thủ đoạn phân lô bán nền các dự án "ma" theo mô hình bán hàng đa cấp, tức dụ dỗ lôi kéo khách hàng mua đất kèm cam kết trả lãi tới 28%/năm. Với cam kết lợi nhuận hấp dẫn, Alibaba đã dùng chính tiền của người mua hàng sau để trả lãi cho người mua trước bởi thực tế người góp vốn vào dự án sẽ không có đất mà được trả lãi.

Kiểu kinh doanh này đánh vào lòng tham nên Công ty Alibaba đã thu hút được đội ngũ hơn 2.600 nhân viên, thực hiện kí kết hàng nghìn hợp đồng giao dịch mua đất "ma" trong suốt thời gian dài, thu 2.560 tỉ đồng (tính đến ngày 30/6/2019) mà không bị ai tố cáo. Chỉ đến khi các lãnh đạo cấp cao bị khởi tố, bắt giam thì hàng trăm khách hàng đã hốt hoảng đến cơ quan công an kêu cứu.

Vụ việc Công ty Alibaba tung hoàng lừa bán đất dự án "ma" ở khắp các tỉnh phía Nam đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng người dân thiếu hiểu biết pháp luật, hám lợi nhuận cao, dễ dàng bị đối tượng lừa đảo dụ dỗ, chiếm đoạt tiền.

Chia sẻ với báo chí sau vụ việc khởi tố các lãnh đạo Công ty Alibaba lừa đảo, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VnREA) cho rằng: “Việc khách hàng ham lợi là điều không lạ. Bài học ở Phú Quốc còn nguyên vẹn. Ở Phú Quốc cũng có khác gì Alibaba, không biết bao nhiêu tiền đổ vào". Theo ông Đính, các dự án có thể không “ma”, nhưng đều thực hiện trái quy định của pháp luật khi san xẻ đất rừng, vườn, bán đất nông nghiệp... không được chấp thuận đầu tư và không có quy hoạch của cơ quan có thẩm quyền địa phương. Thế nhưng, hàng nghìn khách hàng vẫn lao vào mua đất.

Trên thực tế, tình trạng tự vẽ dự án phân lô bán nền diễn ra ở nhiều địa phương, huy động lượng vốn lớn của người dân. Điển hình như Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TST lập dự án "ma" lừa đảo hơn 265 tỉ đồng của người dân. Theo đó, năm 2010, lợi dụng việc đang thi công một số dự án tại khu vực xã Vân Canh - huyện Hoài Đức (Hà Nội) và hợp tác với Công ty Bất động sản Việt thực hiện dự án Viet Inc cũng tại địa bàn trên, Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Công ty TST) và Nguyễn Thị Minh Thương (cựu Trưởng Ban quản lý dự án Công ty TST) đã “vẽ” ra “Dự án thuộc Khu đô thị Đại học Vân Canh mở rộng”, bán nhà liền kề, chiếm đoạt tiền của 148 khách hàng. Nhiều người đã phải nộp trước 50% giá trị hợp đồng và trả số tiền chênh ngoài hợp đồng cho các sàn môi giới mà không có giấy tờ, đều bị chiếm đoạt. Suốt nhiều năm qua, người mua nhà dự án Vân Canh này đa không được nhận đất, còn số tiền đã nộp thì rất khó thu hồi.

'Ma trận' dự án kiểu siêu lừa Alibaba, nhà đầu tư hám lợi dễ trắng tay - Ảnh 2
Hàng trăm người dân sập bẫy Công ty TST căng băng rôn đòi quyền lợi. Ảnh: Báo Xây dựng

Bài học cho các nhà đầu tư

Phân tích nguyên nhân xảy ra liên tiếp các vụ lừa đảo mua dự án ma, ông Nguyễn Văn Đính chỉ rõ: có hai vấn đề là khách hàng thiếu hiểu biết pháp luật và khách hàng ham lợi nhuận cao. Trong làn sóng đầu tư lướt sóng bất động sản ở nhiều địa phương, người dân cứ nghĩ dễ kiếm tiền, ham mua đất rẻ mà không có đầy đủ pháp lý nên dễ bị dính bẫy lừa của các doanh nghiệp như Công ty Alibaba, TST...

“Đây là bài học cho các nhà đầu tư, làm gì cũng phải tuân thủ pháp luật. Truyền thông đã nói rất nhiều về mua bán nhà đất phải theo luật, đằng này người dân cứ ham rẻ, ham lợi xông vào mua! Tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến”, ông Đính cảnh báo.

Theo các chuyên gia thuộc lĩnh vực bất động sản, việc nhiều người “sập bẫy” các dự án "ma" còn có nguyên nhân từ cơ quan quản lý nhà nước, ngay từ đầu đã buông lỏng quản lý, thanh kiểm tra để cho các đối tượng lừa đảo ngang nhiên san đất, quây rào để quảng bá dự án phân lô bán nền không có thật, lừa đảo khách hàng dễ dàng.

Do đó, vụ án siêu lừa đảo Alibaba là bài học “xương máu” cho những nhà đầu tư. Trước khi quyết định xuống tiền đầu tư một dự án bất động sản nào thì nhà đầu tư cần phải tìm hiểu về các thông tin dự án một cách kỹ càng từ chủ đầu tư, đến quy hoạch, xây dựng, và các loại giấy tờ pháp lý liên quan khác. Tránh vì ham rẻ, hay “mua theo số đông” mà tự mang họa vào thân mình.

Mai Anh (t/h)

Bạn đang đọc bài viết 'Ma trận' dự án kiểu siêu lừa Alibaba, nhà đầu tư hám lợi dễ trắng tay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới