Thứ sáu, 26/04/2024 20:00 (GMT+7)
Thứ năm, 27/10/2022 10:57 (GMT+7)

Lượng khí thải của châu Âu tăng mạnh trở lại sau đại dịch Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cảnh báo lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của châu Âu năm 2021 đã tăng tăng 5% so với năm 2020,chủ yếu do sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Vừa qua, cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) phát đi cảnh báo lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của châu Âu năm 2021 đã tăng trở lại vì sự phục hồi sau đại dịch Covid -19, đồng thời kêu gọi châu lục cần nỗ lực nhiều hơn nữa nếu muốn đạt các mục tiêu khí hậu của mình.

Báo cáo mới nhất của EEA, dựa trên các số liệu sơ bộ từ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), cho thấy khí thải gây hiệu ứng nhà kính năm 2021 tăng 5% so với năm 2020, chủ yếu do sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tổng mức thải khí vẫn thấp hơn 6% so với mức phát thải trước khi bùng phát dịch.

Phát biểu với báo giới, chuyên gia Melanie Sporer của EEA cảnh báo mục tiêu giảm 55% khí thải ròng vào năm 2030 mà EU đặt ra “sẽ khó đạt được với đà phát thải như hiện nay”.

Bà Sporer cho biết, từ nay đến năm 2030 châu Âu cần nỗ lực gấp đôi so với giai đoạn 1990-2020 thì mới đạt được các mục tiêu đặt ra.

Lượng khí thải của châu Âu tăng mạnh trở lại sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 1
Lượng khí thải của châu Âu tăng mạnh trở lại sau đại dịch Covid-19. (Ảnh minh hoạ: Nguồn Internet)

Báo cáo của EEA cũng cho biết rằng: Ngành năng lượng, vốn thải khí nhiều nhất, có nhiều nỗ lực giảm phát thải nhất. Lượng khí thải trong lĩnh vực này đã giảm 43% trong giai đoạn 2005-2020, trong khi ngành giao thông vận tải giảm được 15% và ngành nông nghiệp giảm được 2%.

Tuy nhiên, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng tiêu thụ ở châu Âu vẫn ổn định ở mức 22% sau nhiều năm được phát triển mạnh mẽ, gây quan ngại trong bối cảnh quá trình chuyển sang năng lượng xanh cần được đẩy nhanh hơn.

EEA thông tin, phong điện và năng lượng hydro cần tăng nhanh chóng (2,5 %/năm) để đạt mục tiêu 45% năng lượng tái tạo vào năm 2030.

EU là nhóm quốc gia đầu tiên với 25 triệu doanh nghiệp và gần 0,5 tỷ người sửa đổi luật pháp để thúc đẩy các lựa chọn xanh hơn trong thập kỷ này.

"Tất cả mọi người đều có một mục tiêu, nhưng việc chuyển mục tiêu này thành các chính sách dẫn đến giảm phát thải thực sự là phần khó nhất", Jos Delbeke, nhà hoạch định chính sách cấp cao, người đã phát triển một số chính sách khí hậu hàng đầu của EU, cho biết.

Đến năm 2019, EU đã cắt giảm 24% lượng khí thải so với mức của năm 1990.

Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cam kết đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050

Trong tuyên bố được đưa ra ngày 12/10 tại cuộc họp bên lề hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington (Mỹ), các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G7 đã tái khẳng định cam kết đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo các quan chức tham gia cuộc họp, trong thời gian qua, giá năng lượng và lương thực đã tăng đáng kể, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và nguồn cung năng lượng trên toàn cầu.

Các quan chức này bày tỏ quyết tâm đạt được các mục tiêu khí hậu, bao gồm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, đảm bảo sự công bằng và bền vững, qua đó giúp củng cố an ninh năng lượng.

Ngoài ra, các quan chức tài chính G7 cũng cam kết đạt được tiến bộ đáng kể để hiện thực hóa các mục tiêu về khí hậu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), dự kiến diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11 tới.

An Như

Bạn đang đọc bài viết Lượng khí thải của châu Âu tăng mạnh trở lại sau đại dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới