Thứ sáu, 19/04/2024 07:37 (GMT+7)
Thứ ba, 26/01/2021 14:13 (GMT+7)

Lượng băng toàn cầu đang tan với tốc độ kỷ lục

Theo dõi KTMT trên

Sự nóng lên toàn cầu đang khiến lượng băng trên Trái Đất tan nhanh hơn so với giữa những năm 1990. Ước tính, khoảng 28 nghìn tỉ tấn băng đã tan ở giai đoạn này.

Trong một nghiên cứu được công bố ngày 25/1 trên tạp chí khoa học The Cryosphere của Liên minh Khoa học địa chất châu Âu (EGU), các nhà khoa học cho biết, tốc độ băng tan hằng năm nhanh hơn khoảng 57% so với 3 thập kỷ trước.

Tình trạng băng tan nhanh tại Nam Cực, Greenland (hòn đảo lớn nhất thế giới, nằm giữa Bắc Cực và Đại Tây Dương) và các dòng sông băng suốt 3 thập kỷ vừa qua đã khiến mực nước biển trung bình toàn cầu tăng thêm 3,5 cm.

Lượng băng toàn cầu đang tan với tốc độ kỷ lục - Ảnh 1
Lượng băng toàn cầu đang tan với tốc độ kỷ lục. (Ảnh minh họa)

Ông Jason Box, Giáo sư nghiên cứu về sông băng thuộc Viện Địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS), cho biết khối băng trên có diện tích lên tới 113 km2 và tách khỏi sông băng Nioghalvfjerdsfjorden ở phía Đông Bắc Greenland. Theo ông, các nhà khoa học đang chứng kiến phần còn lại của sông băng này cũng đang tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh. GEUS cũng công bố những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các tảng băng đã vỡ và tách ra từ sông băng nói trên.

Tại Bắc Cực, băng biển (vùng nước biển bị đóng băng) cũng tiếp tục sụt giảm. Khi băng biển biến mất sẽ dẫn đến tình trạng các vùng nước hấp thụ bức xạ mặt trời, còn gọi là hiện tượng khuếch đại Bắc Cực, qua đó khiến nhiệt độ khu vực tăng cao.

Dựa trên dữ liệu vệ tinh giai đoạn 1994-2017, các phương pháp đo và mô phỏng máy tính, giới khoa học Anh tính toán rằng thế giới đang mất trung bình 0,8 nghìn tỉ tấn băng mỗi năm trong những năm 1990. Tuy nhiên, con số này đã tăng thành khoảng 1,2 nghìn tỉ tấn mỗi năm trong những năm gần đây.

Theo nhà địa lý học môi trường Thomas Smith, thuộc Trường Kinh tế London (Anh), dữ liệu vệ tinh về khu vực thu thập từ năm 2003 cho thấy lượng khí nhà kính do các đám cháy ở Bắc Cực trong tháng 6/2019 và tháng 6/2020 đã vượt tổng lượng khí thải ghi nhận trong các tháng 6 từ năm 2003-2018.

Dữ liệu ghi từ hơn 100 năm trước đến nay cũng cho thấy nhiệt độ Bắc Cực đã đạt những kỷ lục mới trong vài năm gần đây. Ông Smith cho rằng quy mô những vụ hỏa hoạn trong tương lai có thể lên mức chưa từng có.

Nhà khoa học này nhấn mạnh các hiện tượng ngày nay là hậu quả của phát thải công nghiệp trong quá khứ, do đó những gì con người làm trong hiện tại định sẵn tương lai 40 năm tới.

Báo cáo chung của NASA cũng cho thấy, Trái Đất đang ngày càng nóng lên và năm 2020 là một năm nóng nhất trong lịch sử cao tương đương năm nóng kỷ lục 2016 nhưng tình hình nghiêm trọng hơn. Năm 2016, nhiệt độ cao được thúc đẩy bởi El Niño, một hiện tượng thời tiết ngăn không cho các vùng nước sâu lạnh giá ở phía đông Thái Bình Dương dâng lên bề mặt và do đó làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Tuy nhiên, năm 2020, Thái Bình Dương tiến vào La Niña, hiện tượng thời tiết ngược lại có tác dụng làm mát. Và bất ngờ là La Niña không tạo ra mức giảm nhiệt như các nhà khoa học trông đợi, theo Nerilie Abram, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Quốc gia Úc. “Điều này khiến tôi lo rằng xu hướng ấm lên toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng”, Abram nói.

Năm 2020, lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát được vùng nước ấm của Đại Tây Dương xâm nhập vào Bắc Băng Dương, làm tan chảy băng từ bên dưới và làm mức băng Bắc Băng Dương xuống mức thấp kỷ lục. Đại dương ấm lên và băng tan chảy đang làm mực nước biển dâng cao 4,8 mm mỗi năm và tốc độ đang tiếp tục tăng nhanh.

Trên đất liền, tình hình thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Năm qua là năm ấm nhất từ ​​trước đến nay ở Châu Á và Châu Âu, và là năm ấm nhất "đồng hạng" với 2016 ở Nam Mỹ.

Kinh tế toàn cầu đình đốn do đại dịch COVID-19 đã giúp lượng khí thải carbon dioxide (CO2) giảm khoảng 7% trong năm qua. Tuy nhiên, nhiệt độ năm 2020 cao có nguyên nhân từ lượng khí thải có từ trước. Văn phòng Dịch vụ khí tượng của Vương quốc Anh dự đoán, cuối năm 2021, mức CO2 trong khí quyển sẽ vượt qua 417 phần triệu, cao hơn 50% so với mức tiền công nghiệp.

Nếu tốc độ ấm lên như hiện tại vẫn tiếp diễn, thế giới sẽ không đạt được các mục tiêu đặt ra trong thỏa thuận khí hậu Paris, theo đó giới hạn nóng lên toàn cầu chỉ được phép trong phạm vi 1,5°C hoặc 2°C tương ứng vào năm 2035 và 2065.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Lượng băng toàn cầu đang tan với tốc độ kỷ lục. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới