Lúng túng trong hỗ trợ một số đối tượng gặp khó khăn do Covid-19
Các quyết định, văn bản hướng dẫn liên quan đến gói 62.000 tỉ mới dừng lại “định tính” đối tượng còn chung chung, chưa có định lượng cụ thể để chi trả.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Hà Tĩnh buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa kéo theo hàng ngàn lao động phải tạm thời nghỉ việc hoặc bị mất việc làm. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chưa có doanh nghiệp nào đủ điều kiện đề nghị xem xét, giải quyết chính sách cho người lao động theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Chính phủ về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nguyên nhân là các vướng mắc phát sinh từ Quyết định 480 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về Bộ thủ tục hành chính thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19 .
Còn nhiều vướng mắc trong thực hiện, triển khai gói 62.000 tỉ của Chính phủ. (Ảnh minh họa) |
“Càng kỳ vọng bao nhiêu thì nay nghi ngại bấy nhiêu” là tâm trạng chung của đại diện các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong việc triển khai chính sách hỗ trợ đối với người lao động, hộ kinh doanh, doanh nghiệp gặp khó khăn bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Từ thực tiễn tại huyện ven biển Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Đình Hưng, Chủ tịch UNBD xã Thạch Kim đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội có hướng dẫn tiêu chí xác định lao động phi nông nghiệp. Bởi ở khu vực nông thôn và vùng ven biển, người lao động làm nhiều công việc khác nhau, có lao động làm từ 5-8 công việc:
"Lao động phi nông nghiệp chưa được quy định chi tiết bởi Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chưa có hướng dẫn cụ thể. Tại xã Thạch Kim, chủ yếu người dân đi biển và làm dịch vụ hậu cần nghề cá là ngư nghiệp, không thuộc về phi nông nghiệp được hưởng chính sách này".
Ông Nguyễn Đăng Nhàn, Chủ tịch UBND xã Thọ Điền, huyện Vụ Quang, thừa nhận triển khai công việc này chậm còn hơn là làm nhanh mà sai quy định của pháp luật vì đây là ngân sách của Nhà nước: "
Lao động hợp đồng và các loại lao động khác không có việc làm trong thời gian dịch là vấn đề nhạy cảm bởi khó chọn đối tượng. Bởi người lao động ở nông thôn đa số không có hợp đồng, bị mất việc làm trong giai đoạn đó, chủ yếu là làm ngắn hạn trong công ty nhỏ vận tải, làm thuê bốc vác. Bây giờ để xét thì không có căn cứ. Ví dụ như các quán ăn không có giấy phép kinh doanh".
Đến ngày 30/4, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 617 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã báo cáo 453 lao động chấm dứt hợp đồng lao động và 8329 lao động tạm hoãn hoặc nghỉ việc không lương. Tuy nhiên, qua thẩm định hồ sơ ban đầu tại các địa phương thì chưa doanh nghiệp nào đủ điều kiện đề nghị xem xét, giải quyết chính sách cho người lao động.
Ông Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh khẳng định người lao động vui mừng đón nhận Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Chính phủ, Quyết định số 480 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. Thế nhưng, quá trình thực hiện các quy định này gặp “muôn vàn” khó khăn, bởi các quy định chưa sát thực tế địa phương: "
Đó là điều kiện đối với các doanh nghiệp được hưởng gói hỗ trợ phải chứng minh được trong thời gian Quý I/2020 không phát sinh nguồn thu; không còn nợ chế độ nghĩa vụ đối với Nhà nước và không còn số dư trong tài khoản ngân hàng đến ngày 31/3/2020. Nếu trong quý 1 vừa qua, khách sạn cho thuê 1-2 phòng thì được coi phát sinh nguồn thu. Như vậy, chủ cơ sở kinh doanh không được nhận hỗ trợ theo quy định".
Nguyên nhân là do các quyết định, văn bản hướng dẫn mới chỉ dừng lại “định tính” đối tượng còn chung chung, chưa có định lượng cụ thể để chi trả hỗ trợ nhóm doanh nghiệp, đối tượng lao động tự do, phi nông nghiệp. Cụ thể là Quyết định số 480, ngày 29/4/2020 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về việc ban hành Bộ thủ tục hành chính thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19 chỉ căn cứ Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai, trong khi đó Quyết định này không quy định mức hỗ trợ.
Ông Võ Tuấn Linh, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, cho rằng chưa đảm bảo sự bình đẳng khi chỉ xem xét và giải quyết chính sách các đối tượng người lao động làm việc trong các doanh nghiệp: "
Đối với người lao động ở các Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, giáo viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo dạy nghề nghiệp dân lập, tư thục không thuộc các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ. Điều này không đảm bảo sự bình đẳng giữa các loại hình kinh tế và không đảm bảo trong quan hệ người sử dụng lao động và người làm việc theo hợp đồng của quy định của Bộ Luật Lao động".
Theo Sở Lao động- Thương bình- Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, quy trình thực hiện Quyết định 15 của Chính phủ và Quyết định 480 của Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội, đã làm phát sinh khối lượng công việc lớn của UBND các cấp tỉnh Hà Tĩnh. Bởi quy trình xem xét, thẩm định, phê duyệt hồ sơ đơn lẻ được tiến hành tuần tự chính quyền các cấp (xã, huyện, tỉnh) và phải trả theo đúng thời gian quy định của thủ tục hành chính. Trong khi đó, những vấn đề khó khăn vướng mắc của cơ sở chưa được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết kịp thời. Đáng chú ý là chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động yêu cầu điều kiện quá phức tạp. Do mức vay thấp, thời gian cho vay ngắn nên đa số người sử dụng lao động sau khi nghiên cứu kỹ quy định và hồ sơ thủ tục đã xin rút lại đơn vay vốn.
Sơn Lâm