Thứ bảy, 23/11/2024 04:40 (GMT+7)
Chủ nhật, 20/09/2020 06:30 (GMT+7)

Lực cản từ giải phóng mặt bằng: Gỡ ‘nghẽn’ chính sách

Theo dõi KTMT trên

Thời gian tới, thành phố cần phải giải phóng mặt bằng khoảng 2.700 dự án với diện tích thu hồi đất gần 6.000 ha, liên quan tới trên 80.000 hộ dân, số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 60.000 tỉ đồng.

Lực cản từ giải phóng mặt bằng: Gỡ ‘nghẽn’ chính sách - Ảnh 1
Dự án nhà ở, văn phòng Phan Trọng Tuệ (Thanh Trì) từ 2014 đến nay chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng theo phương thức thỏa thuận. (Ảnh Mạnh Khánh/Vietnam+)

Trong thời gian qua, do đô thị hóa nhanh, nhu cầu phát triển hạ tầng đô thị mạnh mẽ dẫn tới mỗi năm khối lượng giải phóng mặt bằng tại Hà Nội và cả nước nói chung rất lớn.

Riêng tại Hà Nội, theo số liệu của UBND thành phố, thời gian tới, thành phố cần phải giải phóng mặt bằng khoảng 2.700 dự án với diện tích thu hồi đất gần 6.000 ha, liên quan tới trên 80.000 hộ dân, số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 60.000 tỉ đồng.

Theo đó, thành phố cần bố trí tái định cư cho khoảng 19.000 hộ dân sau khi giải phóng mặt bằng. Vì vậy, Hà Nội xác định giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và chỉ đạo các quận, huyện, thị xã cùng ban ngành tập trung thực thi.

Doanh nghiệp loay hoay mắc kẹt

Ngoài bất cập như ở xã Tân Triều (Thanh Trì) có hai chính sách đền bù cho dự án khu Tây Nam Kim Giang, ở một số nơi khác, cũng xảy ra trường hợp không thống nhất về cách tính giá đền bù đối với vị trí thu hồi.

Điển hình như trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Liên ở thôn 7, xã Đông Dư (Gia Lâm) có 1 thửa đất ở bị thu hồi để thực hiện 2 dự án. Trong đó, dự án đường hành lang chân đê áp mức bồi thường với đất ở vị trí 2; còn dự án đường Đông Dư - Dương Xá lại áp dụng vị trí 3.

Chưa hết, trên cùng rẻo đất cạnh nhà ông Liên, có 9 hộ khác bị thu hồi đất để phục vụ dự án xây dựng Bộ Tư lệnh Hải quân và đơn vị vệ tinh, lại được áp dụng vị trí 2.

Do đó, gia đình ông Liên và 6 hộ khác đang bị áp vị trí 3 đang chưa đồng thuận, kiến nghị với huyện Gia Lâm để được áp giá bồi thường ở vị trí 2, nhằm đảm bảo quyền lợi cho mình.

Ngoài ra, Luật Đất đai vẫn đang cho tồn tại hai hình thức thu hồi, đền bù trong giải phóng mặt bằng. Đó là dự án do Nhà nước thu hồi đất (bắt buộc) và dự án doanh nghiệp tự thỏa thuận (tự nguyện) đền bù với người dân có quyền sở hữu đất.

Do có hai cơ chế giải phóng mặt bằng như kể trên đã tạo sự chênh lệch bất bình đẳng về giá bồi thường giải phóng mặt bằng ngay trên cùng một cánh đồng, một địa phương, gây nên nhiều tranh chấp, khiếu kiện về đất đai.

Thực tế đang diễn ra cho thấy, cơ chế doanh nghiệp phải tự thỏa thuận khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện dự án có mục đích kinh doanh đang đẩy doanh nghiệp lâm vào thế “niềm đau dai dẳng” khi “ôm” đất 10 năm mà chưa thể nhận được cái “bắt tay” từ phía người dân.

Câu chuyện của dự án nhà ở, văn phòng Phan Trọng Tuệ (Thanh Trì) của Công ty cổ phần Đầu tư Đồng Phát cho thấy một thực tế “mặn chát” về tự thỏa thuận giải phóng mặt bằng.

Từ năm 2014, chủ đầu tư đã được thành phố chấp thuận chuyển đổi hơn 1.000 m2 đất nông nghiệp phù hợp quy hoạch để làm khu nhà ở.

Theo đó, chủ đầu tư đã mua quyền sở hữu đất nông nghiệp của người dân từ năm 2015 đến nay với nhiều mức giá khác nhau.

Song, doanh nghiệp đang bế tắc khi thời điểm này chưa thể thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng với 7 hộ dân cuối cùng nằm trong dự án có diện tích khoảng 550 m2, dù đã trả giá khá cao so với mặt bằng quanh khu vực. Điều này làm cho dự án bị chậm thời gian khởi công nhiều năm so với kế hoạch ban đầu.

“Doanh nghiệp đang mong muốn huyện Thanh Trì có hướng dẫn cụ thể về cách giải quyết đối với những hộ không đồng tình phương án thỏa thuận mà công ty đưa ra, sau khi đã căn cứ các quy định của pháp luật.

Chứ cứ dây dưa kéo dài thì sẽ rất khó khăn, phá vỡ hết kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp” - ông Tô Nhật Phương - Trưởng phòng Đầu tư dự án Công ty cổ phần Đầu tư Đồng Phát đề xuất.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội, toàn thành phố có tới 383 dự án, chiếm 80% dự án tự thỏa thuận giải phóng mặt bằng đang “đắp chiếu” để hoang hoá. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên liên quan đến việc không thể giải phóng mặt bằng.

Còn theo phản ánh của các doanh nghiệp, mặc dù, các quy định về mức bồi thường, hỗ trợ đã được quy định trong các văn bản pháp luật của Nhà nước và địa phương nhưng không ít hộ dân có những đòi hỏi vượt quá mức quy định chung.

Khi chủ đầu tư không đồng ý thì họ không chịu di dời, gây khó khăn, làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của cả chủ đầu tư và những hộ dân khác. Bất cập trên đang khiến nhiều doanh nghiệp loay hoay mắc kẹt trong xử lý chính sách về đất đai, đọng vốn dẫn đến khả năng phá sản dự án.

Khó - dễ là do cách làm

Cùng một chính sách giải phóng mặt bằng giống nhau nhưng chỉ có khác về cách thực thi đã cho ra kết quả khác nhau trong công tác này. Trên thực tiễn tại Hà Nội đã xuất hiện cách làm hay, sáng tạo không gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài. Giải phóng mặt bằng đã là động lực cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Lực cản từ giải phóng mặt bằng: Gỡ ‘nghẽn’ chính sách - Ảnh 2
Trong vòng 2 tháng năm 2019 Xã Minh Tân (Sóc Sơn) đã hoàn thành giải phóng mặt bằng hơn 700 ngôi mộ của hơn 200 hộ dân để dành đất mở trường đua ngựa trong tương lai. (Ảnh Mạnh Khánh/Vietnam+)

Như vẫn còn nguyên cảm xúc ngổn ngang và trăn trở khi chia sẻ về những ngày làm dân vận giải phóng mặt bằng dự án mở rộng, nâng cấp ngõ Chùa Liên Phái (Cầu Dền - Hai Bà Trưng), Bí thư Chi bộ 5 phường Cầu Dền Đỗ Thị Sáng cho biết, năm 2017, ban đầu một số người dân còn bị tác động bởi sự xúi giục của người ngoài nên nhất định không hợp tác với chính quyền và những người làm dân vận giải phóng mặt bằng.

Hiểu được tâm lý “tiếc của” của người dân khi đất đai, nhà cửa có giá trị sử dụng lớn nên muốn Nhà nước áp giá đền bù cao nên bà Sáng khéo léo vận động và đến gặp các hộ dân kể cả buổi tối, hay khi thời tiết không thuận lợi như mưa to, gió lớn.

Từ đó, người dân thấy được sự nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ dân vận với công việc chung mà tích cực hợp tác.

Tuy khổ cực một chút mà thành công. Nhờ làm tốt công tác dân vận, ngõ Chùa Liên Phái được mở rộng 6m, trải bê tông nhựa phẳng lì, hai bên đường nhà cửa khang trang, sạch đẹp” - bà Sáng chia sẻ.

Ở thời điểm năm 2019 - 2020 quận Hai Bà Trưng có 40 dự án đang tiến hành xây dựng liên quan đến giải phóng mặt bằng; trong đó, một dự án trọng điểm của thành phố là đường Vành đai 2 (đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng), đi qua nhiều phường, ảnh hưởng tới hơn 4.000 hộ dân trên địa bàn.

Với số lượng người dân bị ảnh hưởng từ giải phóng mặt bằng “khủng” nhất thành phố, quận này đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực tuyên truyền vận động, bám sát chỉ đạo.

“Điểm khác biệt là quận phân công công việc trên tinh thần rõ người, rõ việc và có sự kiểm tra chéo lẫn nhau trong quá trình làm việc, trên cơ sở đảm bảo đúng quy trình. Quan điểm của quận, tập trung tuyên truyền, đối thoại từ cấp cơ sở; hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, không tạo điểm “nóng” gây mất trật tự an toàn xã hội” - ông Nguyễn Quang Trung, Phó Bí thư quận ủy Hai Bà Trưng nêu kinh nghiệm.

Còn tại huyện Đông Anh, trong 3 năm trở lại đây đã giải phóng mặt bằng xong hơn 200 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội... bàn giao hơn 430 ha đất, liên quan hơn 7.300 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, với số tiền đền bù là 2.500 tỉ đồng.

Theo đó, có nhiều dự án quan trọng tầm cỡ quốc gia như: Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường nối cầu Nhật Tân đi Sân bay quốc tế Nội Bài, Quốc lộ 3 mới, đường 5 kéo dài, Thành phố thông minh, Công viên Kim Quy, Trung tâm triển lãm quốc gia...

Dù khối lượng công việc giải phóng mặt bằng đồ sộ như vậy nhưng huyện đã hoàn thành và bàn giao đất đúng tiến độ, được thành phố đánh giá cao.

Theo ông Lê Trung Kiên, Bí thư huyện ủy Đông Anh, ngoài công khai minh bạch, đơn giá đền bù hỗ trợ, huyện còn tổ chức nhiều hội nghị, đối thoại để tuyên truyền, phổ biến các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tới gần 10.000 hộ dân nhằm giải đáp các khó khăn, vướng mắc...

Ngoài ra, huyện còn ban hành quy trình giải phóng mặt bằng với 18 bước, cụ thể hóa các văn bản của cấp trên để người dân và doanh nghiệp nắm được. Nhờ đó, hầu hết nhân dân đồng thuận chủ trương của Đảng, chấp hành quy định pháp luật của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bàn giao đất cho chủ đầu tư.

Hay vấn đề giải phóng mặt bằng nghĩa trang để dành đất cho công trình luôn khiến nhiều địa phương e ngại, đụng chạm đến vấn đề tâm linh của mỗi hộ gia đình. Thế nhưng ở xã Tân Minh (Sóc Sơn), trong vòng 2 tháng năm 2019 đã hoàn thành giải phóng mặt bằng hơn 700 ngôi mộ của hơn 200 hộ dân để dành đất mở trường đua ngựa trong tương lai.

“Chúng tôi chọn thời điểm cuối năm để vận động người dân bàn giao mộ cho dự án. Cách làm là vận động từ trưởng các dòng họ, đến gia đình cán bộ đảng viên thực hiện trước và đến các hộ dân trong thôn” - Chủ tịch xã Tân Minh, Đàm Khắc Trường cởi mở thông tin.

Mạnh Khánh

Bạn đang đọc bài viết Lực cản từ giải phóng mặt bằng: Gỡ ‘nghẽn’ chính sách. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới