Thứ bảy, 21/12/2024 23:47 (GMT+7)
Thứ sáu, 21/06/2024 18:00 (GMT+7)

“Lửa nghề” qua chia sẻ của những người làm báo ở Tạp chí Kinh tế Môi trường

Theo dõi KTMT trên

Tạp chí Kinh tế Môi trường là cơ quan báo chí có tính chuyên biệt, chuyên sâu về các nội dung liên quan đến kinh tế môi trường, bảo vệ môi trường nói chung, đã trải qua 18 năm hình thành, phát triển và đạt được nhiều thành tích được ghi nhận.

Tạp chí Kinh tế Môi trường là cơ quan báo chí có tính chuyên biệt, chuyên sâu về các nội dung liên quan đến lĩnh vực kinh tế môi trường, bảo vệ môi trường nói chung. Qua 18 năm hình thành và phát triển đã đạt được nhiều thành tích được các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân ghi nhận. Để có được thành tựu đó, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên của tòa soạn luôn phải cố gắng, nỗ lực hết mình để làm lên “thương hiệu” của Tạp chí Kinh tế Môi trường.

Nhà báo Huy Tưởng - Trưởng VPĐD Đồng bằng Sông Hồng: Mong thay đổi những dòng sông chết

Hơn 20 năm về trước, tôi và rất nhiều người cùng thế hệ đã có một tuổi thơ được tắm mình dưới những dòng sông trong xanh, được tận hưởng bầu không khí trong lành ở khắp mọi nẻo đường quê hương.

Theo dòng thời gian và quá trình đô thị hóa, chúng tôi cũng chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của nhiều vùng đất, cảm thấy xót xa vô cùng khi môi trường sống bị tàn phá nặng nề. Những sông ngòi bị bốc mùi, rác trôi lềnh bềnh, cá chết hàng loạt, rừng cây trơ gốc, nhiều bờ biển ngập ngụa vì rác…

Đau lòng và đáng sợ hơn là biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết cực đoan, thảm họa thiên tai ngày càng nhiều. Xuất phát từ những nỗi niềm đó, tôi và các nhà báo, phóng viên mảng môi trường luôn mong muốn có thể chung tay bảo vệ môi trường bằng những “ngòi bút” trung thực, sắc bén, minh bạch và công khai. Tôi không ngại lăn xả, dấn thân vào những “điểm nóng” về môi trường, những bất cập về khai thác tài nguyên, khoáng sản hay những sai phạm về xả thải.

Bằng cách truyền tải thông tin xác thực và thông điệp có giá trị, nhiều bài viết đã tác động đến các nhà quản lý, cơ quan chức năng kịp thời vào cuộc ngăn chặn, khắc phục.

Đối với tôi, vinh quang trong nghề báo không đơn thuần là những giải thưởng về báo chí mà còn là giá trị lan tỏa sau mỗi bài viết, là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, là thay đổi những “điểm đen” ô nhiễm trở thành nơi xanh và sạch. Đó cũng là điều đã thôi thúc tôi vững bước với nghề báo, tiếp tục viết về môi trường bằng những “ngòi bút xanh” và một “trái tim xanh”.

“Lửa nghề” qua chia sẻ của những người làm báo ở Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 1
Nhà báo Huy Tưởng.

Nhà báo Hồ Ngọc – TrưởngVPĐD khu vựcmiền Trung: Động lực thay đổi nhận thức bảo vệ “Mẹ thiên nhiên”

Trái đất vốn dĩ yên bình và còn được gọi theo cái tên rất hay là “hành tinh xanh” với màu xanh đặc trung của rừng và biển. Tuy nhiên, mọi thứ đang dần thay đổi qua các cuộc cách mạng công nghiệp của nhân loại. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc “mẹ” thiên nhiên cần được sự chung tay bảo vệ của mỗi chúng ta.

Trước đây, khi chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, chúng ta thường phó mặc các loại rác thải sinh hoạt cho công nhân môi trường để rồi vô tư vứt túi ni lon, chai nhựa… xuống đường sá, sông suối. Trái đất chúng ta đang sống bị tổn thương bởi những vấn nạn môi trường. Đó là hiệu ứng nhà kính, khí hậu cực đoan, tới nạn ô nhiễm, rác thải, nguồn nước sạch…

Tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái gia tăng đang là vấn đề nan giải hiện nay. Nhiều nhà máy xả ra chất thải công nghiệp, sinh hoạt, chất độc hại của quá trình sản xuất không được xử lý nghiêm túc mà đưa trực tiếp vào môi trường, gây tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái. Nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, gây bệnh tật cho mỗi người chúng ta.

Từ khi được làm việc tại Tạp chí Kinh tế Môi trường, tôi đã ý thức được việc bảo vệ “Mẹ” thiên nhiên là rất quan trọng và cần thiết. Nó đến từ những hành động nhỏ nhất của mỗi cá nhân chúng ta. Chúng ta phải có những biện pháp kịp thời như trồng nhiều cây xanh hơn, bảo vệ rừng và các loại động thực vật quý hiếm, hạn chế sử dụng đồ nhựa, túi ni lon... Điều đơn giản, nhỏ nhặt nhất là chúng ta cần phải dạy con cái mình về việc không vứt rác bừa bãi để chung tay với cộng đồng bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất, bảo vệ “mẹ” thiên nhiên.

Thời gian qua, tôi đã vinh dự được đồng hành cùng Tạp chí Kinh tế Môi trường qua các buổi hội thảo về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường… Đây là những trải nghiệm quý báu giúp tôi tích góp được nhiều kiến thức chuyên ngành về môi trường từ các nhà khoa học, các đồng nghiệp. Bên cạnh đó, tôi cũng góp một phần nhỏ công sức của mình trong các sự kiện trồng cây xanh tại quê hương Nghệ An cùng lãnh đạo hội Kinh tế Môi trường và Tạp chí Kinh tế Môi trường.

Trồng nhiều cây xanh, không xả rác bừa bãi, bảo vệ rừng, hạn chế sử dụng bao bì ni lông… là những hành động tuy nhỏ nhưng mang lại lợi ích rất lớn trong việc bảo vệ “mẹ” thiên nhiên. Bạn và tôi, tất cả chúng ta hãy chung tay hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh trên khắp đắt nước Việt Nam của Chính phủ nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

“Lửa nghề” qua chia sẻ của những người làm báo ở Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 2
Nhà báo Hồ Ngọc.

Phóng viên Đình Đông: Niềm vui và vinh dự khi được công tác tại ngôi nhà Tạp chí Kinh tế Môi trường

Niềm vui trong tôi cứ lớn dần sau tròn một năm trở về công tác tại ngôi nhà Tạp chí Kinh tế Môi trường. Khẳng định rằng, đây là một tập thể đoàn kết, làm việc chuyên nghiệp, giúp tôi học hỏi được nhiều điều bổ ích và trau dồi thêm được nhiều kinh nghiệm trong tác nghiệp báo chí. Có lẽ cũng vì thế mà địa bàn Thanh Hóa tôi đang được phân công nhiệm vụ, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã được lãnh đạo tỉnh đánh giá là có rất nhiều đóng góp đối với sự phát triển của tỉnh.

Đặc biệt là các bài viết của Tạp chí Kinh tế Môi trường đã phản ánh trung thực, khách quan, có tính xây dựng và giúp cho tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước về kinh tế, về môi trường được tốt hơn. Do đó, việc phát triển kinh tế, thu ngân sách, mọi hoạt động về kinh tế, xã hội, đời sống và vị thế của tỉnh Thanh Hóa được nâng lên. Công tác quản lý về môi trường, tài nguyên khoáng sản, đất đai được củng cố, tăng cường, các vụ việc vi phạm được kiềm chế.

“Lửa nghề” qua chia sẻ của những người làm báo ở Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 3
Phóng viên Đình Đông tác nghiệp tại hiện trường khai thác trái phép.

Phóng viên Xuân Tùng: Cảm ơn và trân quý nghề nghiệp mà mình lựa chọn

Báo chí ở Việt Nam có từ sớm và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Báo chí biểu tượng cho cái đẹp, chân - thiện - mỹ, giúp mọi người không ngừng học hỏi để tiếp cận các tri thức trên thế giới, giúp nâng cao văn hoá, chống lại tiêu cực và đưa con người đến gần nhau hơn.

Tôi đến với báo chí không tình cờ vì nó là đam mê được ấp ủ khi còn là một cậu bé. Ngày ấy, chú nhà báo xuất hiện trong bộ phim truyền hình “Cảnh sát hình sự” đã truyền cảm hứng lớn cho tôi. Nơi chú có lòng gan dạ, sự kiên cường, quyết tâm đấu tranh bảo vệ lẽ phải.

Khi đã lựa chọn được nghề mình yêu thích và có thâm niên, tôi hiểu rằng báo chí là một nghề vất vả cả về thể lực, trí tuệ với trách nhiệm xã hội cao. Nhưng cũng như nhiều nghề nghiệp khác, chúng tôi đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho xã hội và cũng được xã hội trả công xứng đáng.

Nghề báo, một nghề vinh quang nhưng cũng vô cùng vất vả, vì là nghề đặc thù, yêu cầu nghề nghiệp cao, đòi hỏi sự dấn thân của người làm nghề. Bên cạnh đó, áp lực còn đến từ sự cám dỗ từ vật chất đến tinh thần.

Chỉ những người trong nghề hoặc đã tham gia với trách nhiệm của nghề mới thấy nỗi vất vả của phóng viên, nhà báo. Trước mỗi chuyến đi, mỗi lần nói lên sự thật là một lần chúng tôi đối diện với áp lực. Nhà báo dù ở bất kỳ đâu cũng sẽ phải đối mặt với những cản trở trong quá trình tác nghiệp như: Mua chuộc, thu giữ phương tiện tác nghiệp, cố tình làm hư hỏng phương tiện tác nghiệp, giữ người, vu khống, không cung cấp thông tin, tấn công, gây thương tích, trả thù…

Dẫu khó khăn và vất vả như vậy, nhưng những nhà báo, phóng viên hiện nay hầu hết nghề đều là những người có đủ năng lực và đầy đủ chuyên môn, lập trường nghề nghiệp vững vàng trước những cám dỗ, góp phần quan trọng kết nối và đem các giá trị văn hoá tới với độc giả.

“Lửa nghề” qua chia sẻ của những người làm báo ở Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 4
Phóng viên Xuân Tùng.

Phóng viên Bùi Đăng: Giữ ngọn lửa đam mê và hạnh phúc trọn vẹn với nghề

Trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế suy thoái, khủng hoảng khiến cho hầu hết các lĩnh vực ngành nghề trong xã hội gặp khó khăn, nghề báo cũng không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng chung. Những thách thức, khó khăn trong cuộc sống sẽ khiến cho niềm tin về sự phục hồi, tăng trưởng xã hội của người dân ít nhiều sẽ bị lung lay, mất lập trường. Bên cạnh đó, trong thời buổi mạng xã hội 4.0 đang bùng nổ mạnh mẽ sẽ tạo nguy cơ cho nhiều thông tin không chính thống, thiếu tính xác thực tiếp cận đến người dân.

Tuy nhiên, là một phóng viên chuyên viết mảng Tài chính – Kinh tế, tôi càng nhận thức rõ trách nhiệm và vai trò của báo chí sẽ vẫn luôn là lá cờ đầu trong công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin. Nhằm bắt kịp các xu thế phát triển của thời đại mạng xã hội thì những nhà báo cũng đang phải thay đổi, chuyển mình để trở thành những kênh thông tin sống, nhanh nhạy.

Chúng ta có thể thấy từ trong những diễn biến của đời sống quốc tế và xã hội hiện đại với thời đại truyền thông kĩ thuật số. Vậy khi làm chủ được công nghệ thì những nhà báo sẽ phát huy được tối đa sức lan tỏa của thông tin từ những con chữ, tấm ảnh hay những phóng sự truyền hình đến người dân. Chính vì thế tôi luôn yêu mến, tin tưởng nghề báo sẽ luôn tạo được giá trị tốt đẹp bởi lẽ “Xã hội nào muốn phát triển theo hướng tiến bộ, dân chủ, văn minh thì cần tôn trọng tiếng nói của báo chí”.

Đây là động lực mạnh mẽ nhất để vượt qua khó khăn và luôn gắn bó với nghề báo bất kể trong giai đoạn hay hoàn cảnh nào. Chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúc những anh chị em đồng nghiệp luôn giữ trong mình ngọn lửa đam mê với nghề và hạnh phúc trọn vẹn trên con đường mình đang đi.

“Lửa nghề” qua chia sẻ của những người làm báo ở Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 5
Phóng viên Bùi Đăng.

Phóng viên Doãn Kiên:Niềm tin của người dân là nguồn cổ vũ lớn lao

Với loạt bài: “Một xã ‘gánh’ 17 dự án khai thác đá người dân kêu trời vì bụi” tại xã Cao Dương, Lương Sơn, Hòa Bình. Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền huyện, xã kiểm tra những thông tin cơ quan báo chí truyền thông nêu. Hàng loạt mỏ khai thác đá bị xử phạt, có mỏ phải dừng hoạt động đã đem lại niềm tin đối với quần chúng nhân dân.

Tạp chí Kinh tế Môi trường đã nhận được lá thư cảm ơn của người dân gửi tới lãnh đạo, nhóm phóng viên đã thực hiện chuyên đề về khai thác mỏ đá tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Là những người trực tiếp tham gia vào tuyến bài, tôi cảm thấy rất vui và tự hào vì đã góp một chút công sức nhỏ bé của mình vào việc bảo vệ môi trường sống, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.

“Lửa nghề” qua chia sẻ của những người làm báo ở Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 6
Thư cảm ơn của người dân.

Phóng viên Quang Trường: Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức

Bảo vệ môi trường không chỉ là là quyền mà vừa là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mỗi cá nhân. Theo đó, bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thiết nghĩ, để bảo vệ môi trường tránh sự ô nhiễm, mỗi cá nhân phải có ý thức tốt về bảo vệ môi trường, những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường.

Với vai trò là một phóng viên của Tạp chí Kinh tế Môi trường, tôi luôn đề cao những hành động tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Theo đó, tôi thường xuyên có những bài viết nêu cao tinh thần bảo vệ môi trường của những cá nhân, tổ chức có hành động tốt về bảo vệ môi trường và ngược lại lên án, phản ánh những hành động phá hoại môi trường.

Đối với tôi muốn tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường trước hết chính bản thân mình phải là người có thức và hành động bảo vệ môi trường.

“Lửa nghề” qua chia sẻ của những người làm báo ở Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 7
Phóng viên Quang Trường phỏng vấn người dân.

Phóng viên Nguyễn Công: Vinh dự là phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường

Mỗi dịp tháng 6 về, có lẽ là một dấu mốc tuyệt vời với những người làm báo. Bởi những bông hoa, lời chúc từ bạn bè, bạn đọc và những người yêu quý nghề báo, nhà báo. Tôi đến với nghề báo là một cơ duyên. Giai đoạn hình thành nhân cách và kỹ năng đầu đời khi mới bén duyên, do đó tôi chịu nhiều ảnh hưởng của tư duy nói đúng sự thật, đi tìm sự thật mà các nhà báo tiền bối đã răn dạy.

Sau khi làm việc tại một số cơ quan báo chí, tôi bén duyên và vinh dự được làm việc tại Tạp chí Kinh tế Môi trường. Trong môi trường công việc mới, tôi thật sự vui mừng khi được Tòa soạn tin tưởng và tạo điều kiện hỗ trợ trong công việc, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững… Tại đây, tôi luôn phát huy được những thế mạnh của bản thân về các đề tài kinh tế, môi trường và tài nguyên.

Trải qua hơn 2 năm được làm việc và gắn bó với Tạp chí Kinh tế Môi trường, tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm khi tác nghiệp, trong xử lý bài vở. Từ đó, tôi luôn xác định đây là nơi để mình gắn bó lâu dài, là môi trường phù hợp để mình làm việc và cống hiến, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển của Tạp chí Kinh tế Môi trường nói riêng và Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nói chung.

“Lửa nghề” qua chia sẻ của những người làm báo ở Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 8
Phóng viên Ngyễn Công tác nghiệp tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

Phóng viên Nguyễn Quỳnh: Năng lực và đạo đức nghề báo cần phải trau dồi mỗi ngày

Khi công tác tại một tờ báo có chuyên mục môi trường là chủ đạo, tôi xác định đây là lĩnh vực có đặc thù sẽ động chạm, ảnh hưởng đến quyền lợi hoặc miếng cơm manh áo của một số cá nhân, tập thể và các doanh nghiệp có dấu hiệu phạm pháp. Nên khi lấy thông tin thường bị cản trở, bị bưng bít, thậm chí có những “gợi ý” nho nhỏ để cám dỗ phóng viên. Chính vì thế, đạo đức nghề nghiệp của phóng viên cần phải vững trong mọi tình huống.

Bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng là một trong những phẩm chất hàng đầu của người làm báo, nhưng vẫn chưa đủ, nếu như không có năng lực nghề nghiệp. Có thể thấy, độ nhạy bén của phóng viên, đòi hỏi phóng viên phải nắm bắt được “mạch sống” chủ đạo của xã hội để phát hiện vấn đề và chọn thời điểm đưa tin bài để có hiệu quả hơn. Tránh tình trạng thông tin vào thời điểm không thích hợp, hoặc thông tin sự việc quá cần thiết thì chẳng những không có tác dụng cao, trái lại, còn làm cho tình hình ở cơ sở ấy càng thêm trầm trọng hơn.

Chính vì thế, để trở thành một nhà báo thực thụ và đứng vững trong nghề, hơn bao giờ hết, tôi cần phải vạch định rõ trách nhiệm của mình đó là: Phải bản lĩnh, không ngừng rèn luyện, học hỏi những người đi trước để nâng cao trình độ, hiểu biết pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp; trau dồi năng lực và đạo đức nghề nghiệp mỗi ngày.

“Lửa nghề” qua chia sẻ của những người làm báo ở Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 9
Phóng viên Nguyễn Quỳnh phỏng vấn người dân tại huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An.

Phóng viên Trần Tình: Những bài viết được ghi nhận là niềm vui của người cầm bút

Bản thân tôi xuất phát từ người học và làm chuyên môn về Quản lý Môi trường và Quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm được làm việc trong mái nhà Tạp chí Kinh tế Môi trường ngoài sự quan tâm tận tình của Ban lãnh đạo, Ban Biên tập và các anh, chị, em trong toà soạn, tôi đã cảm nhận được sự chuyên nghiệp trong chuyên môn, trong đó có cả chuyên môn nghiệp vụ báo chí và chuyên môn chuyên sâu về kinh tế môi trường.

Hiện nay, ở một đất nước đang phát triển như Việt Nam, nói về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hay phát triển bền vững vẫn là một khái niệm còn mới đối với người dân cả nước. Tạp chí đã có các buổi hội thảo, những bài viết hay, chuyên sâu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, mang đến cho độc giả cả nước những kiến thức mới, đây là nguồn thông tin quý báu về các vấn đề liên quan đến môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam. Ngoài ra, các buổi hội thảo và các bài viết chuyên sâu cũng góp phần tuyên truyền các chính sách, đường lối, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, đặc biệt giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, chăn nuôi,… đang vướng mắc trong các thủ tục về môi trường tháo gỡ nút thắt mà trước đến nay chưa làm được.

Đối với các bài viết phản ánh về tình trạng gây thất thoát tài nguyên và ô nhiễm môi trường, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã phản ánh rất kịp thời, chính xác, được sự ghi nhận của độc giả cả nước và chính quyền địa phương, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia, tránh tổn thất thuế và ngân sách nhà nước.

Tôi tin rằng với nền tảng chuyên môn vững chắc và định hướng chiến lược đúng đắn, ban lãnh đạo sẽ dẫn dắt Tạp chí ngày càng phát triển hơn nữa, và đóng góp nhiều hơn nữa trong công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tại Việt Nam.

P.V

Bạn đang đọc bài viết “Lửa nghề” qua chia sẻ của những người làm báo ở Tạp chí Kinh tế Môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới