Lồng ghép hiệu quả chính sách phòng, chống thiên tai trong phát triển kinh tế - xã hội
Luật Phòng, chống thiên tai và Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030 quy định cụ thể việc lồng ghép nội dung vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, bảo đảm thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai.
Thiên tai bất thường gia tăng
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, dự báo thiên tai ngày càng gia tăng, có xu hướng cực đoan hơn. Giai đoạn năm 2016 - 2020, Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra rằng, các hiện tượng thời tiết cực đoan trước đây diễn ra có quy luật theo mùa. Tuy vậy, những năm gần đây, hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện quanh năm, kể cả trong những tháng được xem là hiếm có hiện tượng thời tiết cực đoan.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, trung bình trong 20 năm qua, ở nước ta mỗi năm thiên tai làm hơn 300 người chết, thiệt hại về kinh tế từ 45 - 50.000 tỷ đồng. Năm 2021, thiệt hại do thiên tai tại Việt Nam giảm nhiều so năm 2020 và các năm trước (108 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế hơn 5.200 tỷ đồng). Đây là năm thiệt hại do thiên tai gây ra thấp nhất trong hàng chục năm qua. Vậy nhưng, từ đầu năm 2022 đến nay, thiệt hại do thiên tai gây ra ở nước ta ước tính đã lên trên 5.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai diễn biến phức tạp và dị thường, điển hình như đợt mưa lũ lớn trái quy luật ngay giữa mùa khô (từ ngày 30/3 - 2/4) kèm theo dông lốc, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa; gần đây nhất là đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày liền tại các tỉnh miền Trung (từ 2/10 - 15/10) khiến hầu hết các nơi ngập trong biển nước. Từ các vùng núi Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế đến đô thị Đà Nẵng… Thiệt hại trong đợt mưa lớn bất thường này hết sức nặng nề.
Đặc biệt, đợt mưa ngập lịch sử trong 2 ngày 14 và 15/10 tại TP.Đà Nẵng đã để lại hậu quả nghiêm trọng cả về người và tài sản, 4 người đã tử vong. Tổng lượng mưa trong khoảng 16 tiếng lên tới hơn 700mm, cao hơn cả tổng lượng mưa trung bình 1 tháng. Vài tiếng sau mưa, những con đường của TP.Đà Nẵng biến thành sông. Nước dâng cao và quá nhanh, hầu hết các gia đình không kịp sơ tán đồ đạc. 1 - 2 ngày sau mưa, nhiều khu dân cư vẫn ngập nước, rác lẫn với đồ đạc trôi khắp nơi. Hàng ngàn ô tô, xe máy hư hỏng nặng. Nhiều tuyến đường bị sạt lở, đứt gãy nghiêm trọng, đất đá ngổn ngang đến nay vẫn chưa khắc phục xong.
Cụ thể hóa chính sách trong cộng đồng
Trước diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp và cực đoan, Đảng, Chính phủ và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách; không ngừng hoàn thiện hành lang cơ sở pháp lý trong công tác phòng chống thiên tai. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các địa phương và sự chủ động của người dân, thiệt hại do thiên tai năm 2021 được ghi nhận là thấp nhất trong nhiều năm qua.
Theo đó, Quan điểm của Đảng về phòng chống thiên tai thể hiện trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI, XII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011– 2020; Các nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn … với tinh thần chủ đạo như văn kiện Đại hội XII đã nêu: “Khai thác, sử dụng và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Lần đầu tiên, Ban Bí thư đã có chỉ thị 42-CT/TW ngày 24.3.2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; giao nhiệm vụ cho các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai một cách đồng bộ.
Những năm qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một số luật, pháp lệnh liên quan đến phòng, chống thiên tai bao gồm: Luật Tài nguyên nước năm 1998, Luật Đê điều năm 2006; Luật Phòng chống thiên tai 2013, Luật Khí tượng Thủy văn 2015… Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều đã được thông qua; hàng loạt văn bản dưới luật được sửa đổi, bổ sung. Hệ thống pháp luật trên đã hỗ trợ đắc lực trong triển khai các nhiệm vụ quan trọng của công tác phòng chống thiên tai.
Để bảo đảm hiệu quả việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, cần xác định cụ thể danh mục các dự án phòng, chống thiên tai để lồng ghép vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của các cấp, các ngành. Mặt khác, cần có chế tài để xử lý đối với các quy hoạch, kế hoạch chưa bảo đảm yêu cầu trong việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai.
Theo đó, Luật Phòng, chống thiên tai và Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã quy định cụ thể việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương để bảo đảm thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai.
Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 15.3.2022 cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển của ngành và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Trong đó, chỉ rõ 8 nội dung cụ thể cần lồng ghép, gồm: bảo đảm không gian thoát lũ; bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai; xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp làm nơi sơ tán phòng chống thiên tai cho người dân; phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét, sạt lở đất, sóng thần; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước; quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng chống thiên tai; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành, khai thác, xây dựng công trình phòng chống thiên tai; hợp tác quốc tế và xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.
Đại biểu Quốc hội Chau Chắc (An Giang) cho rằng, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của địa phương là yêu cầu cấp thiết trước bối cảnh thiên tai diễn biến ngày một phức tạp. Theo đó, địa phương khi lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan đến phòng thủ dân sự phải bảo đảm yêu cầu hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ rủi ro thảm họa sự cố và bảo đảm tính ổn định của công trình trước thiên tai, sự cố.
Lan Anh