Long An: Quyết tâm xử lý dứt điểm ô nhiễm ở các cụm, khu công nghiệp
Trước tình trạng ô nhiễm tại các tuyến kênh, rạch giáp ranh với các cụm, KCN, UBND tỉnh Long An đã giao Sở TN&MT tăng cường kiểm tra, rà soát và giám sát các doanh nghiệp hoạt động sản xuất phát sinh nước thải.
Năm 2022 ngành chức năng tỉnh Long An đã tập trung thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, hoàn thành đạt các chỉ tiêu đã đặt ra. Trong đó, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực đô thị đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn đạt 70%; tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 98%.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành chức năng còn ghi nhận tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số khu vực vẫn chưa được giải quyết triệt để. Điển hình, nguồn nước tại các tuyến kênh, rạch giáp ranh các khu, cụm công nghiệp thuộc địa bàn huyện Đức Hòa còn xảy ra tình trạng ô nhiễm, đặc biệt là các tuyến kênh: T1, Ranh, Thầy Cai, An Hạ.
Kết quả quan trắc 6 lần trong năm 2022 cho thấy, các vị trí trên kênh T1 bị ô nhiễm chất hữu cơ như BOD5 vượt 3,5-26,6 lần, COD vượt 2-25 lần; ô nhiễm chất dinh dưỡng Amoni vượt 8,6-53,3 lần; Phosphat vượt 2,1-9,3 lần; Fe vượt 1,6-17,2 lần; Mn vượt 1,9-8,3 lần; Clorua vượt 1,1-2,2 lần. Ngoài ra, nồng độ oxy hòa tan trong cả 6 đợt quan trắc đều thấp hơn 5mg/l, không đạt quy chuẩn. Đối với kênh Thầy Cai, An Hạ, kênh Ranh, chất lượng nước quan trắc năm 2022 tại 8 vị trí cho thấy, nhóm thông số biểu thị ô nhiễm hữu cơ như BOD5 vượt quy chuẩn so sánh từ 1,4-9,3 lần, COD vượt 1,2-9,4 lần; nhóm các thông số ô nhiễm dinh dưỡng như Amoni, Nitrat, Nitrit, Phosphat xác định kênh bị ô nhiễm Amoni và vượt giới hạn cho phép từ 1,5-151,3 lần. Ngoài ra, do điều kiện tự nhiên và một phần tác động từ các nguồn thải nên nồng độ Fe vượt 1,2-101,3 lần, Mn vượt 1,1-5,2 lần.
Để khắc phục thực trạng nêu trên, UBND tỉnh Long An giao Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm và thanh tra các cụm, khu công nghiệp, các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và các doanh nghiệp có nguồn thải lớn.
Bên cạnh đó, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước ở các tuyến kênh giáp ranh các cụm, khu công nghiệp như kênh Thầy Cai, T1, kênh Ranh và kênh An Hạ, các cấp chính quyền địa phương phải phối hơp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy của các tuyến kênh, rạch bị bồi lắng.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Võ Minh Thành, thời gian tới, Sở tiếp tục theo dõi, giám sát, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm và thanh tra các cụm, khu công nghiệp, các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và các doanh nghiệp có nguồn thải lớn.
Đối với, chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp có nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục và kết nối, truyền số liệu trực tiếp về Trạm giám sát của Sở để theo dõi và giám sát theo đúng quy định.
Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường khuyến khích người dân tham gia giám sát, phản ánh đến cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi xả nước thải gây ô nhiễm môi trường để xử lý kịp thời.
Ngoài ra, Sở tiếp tục phối hợp UBND huyện Đức Hòa thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, nhất là các hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường và xây dựng phương án nạo vét các tuyến kênh, rạch ô nhiễm do tiếp nhận nước thải từ sản xuất công nghiệp nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các tuyến kênh, rạch trên địa bàn huyện Đức Hòa.
Thanh Tùng