Long An: Giả văn bản huyện Đức Hoà lên thành phố để rao bán bất động sản
Nhiều thông tin đăng tải nội dung giả mạo “Lễ đón nhận Quyết định công nhận thành phố Đức Hoà” để rao bán đất nền tại dự án có tên gọi Dragon Pearl, An Nông 5.
Đề án huyện Đức Hoà lên thành phố chưa được duyệt
Tình trạng giả văn bản cơ quan chức năng để thổi giá bất động sản trước đây đã từng xảy ra ở TP. Đà Nẵng (2018), Quảng Nam (2019)… và đang manh nha xuất hiện tại tỉnh Long An.
Từ cuối tháng 3/2022, trên một mạng xã hội đăng tải hình ảnh, thông tin văn bản số 33-KH/HU ngày 18/3/2022 của UBND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An về “Kế hoạch tổ chức hoạt động chào mừng kỷ niệm 110 năm thành lập đơn vị hành chính “Huyện Đức Hoà” gắn với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đức Hoà nhiệm kỳ 2020 – 2025”.
Tại phần hoạt động kỷ niệm của văn bản này ngoài việc tổ chức lễ công nhận huyện đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới; Tổ chức hoạt động chào mừng kỷ niệm 110 thành lập đơn vị hành chính huyện Đức Hoà (1913 – 2023) còn có “Lễ đón nhận Quyết định công nhận thành phố Đức Hòa”.
Tuy nhiên, ngày 12/4/2022, trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, bà Phùng Cẩm Loan – Chánh Văn phòng UBND huyện Đức Hoà, cho biết: UBND huyện đã có công văn hủy kế hoạch triển khai hoạt động chào mừng kỷ niệm 110 thành lập đơn vị hành chính huyện.
Chánh Văn phòng UBND huyện Đức Hoà, khẳng định: Trong văn bản kế hoạch của huyện không hề có thông tin “Lễ đón nhận Quyết định công nhận thành phố Đức Hòa” như nhiều văn bản đang lan truyền trên mạng xã hội.
Bà Loan cho biết thêm, đề án xây dựng huyện Đức Hòa lên thành phố đến nay chưa được duyệt nên thông tin này là không đúng.
Ai giả mạo thông tin bán bất động sản?
Thông tin huyện Đức Hoà đón nhận quyết định công nhận lên thành phố là không đúng sự thật nhưng theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, nhiều tài khoản mạng xã hội, trang thông tin điện tử đang có tình trạng lợi dụng thông tin giả mạo để quảng cáo, chào bán sản phẩm đất nền tại một số dự án trên địa bàn huyện Đức Hòa.
Một quảng cáo đất nền liên quan đến dự án An Nông 5 có địa chỉ tại xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An dựa trên thông tin giả mạo “Lễ đón nhận Quyết định công nhận thành phố Đức Hòa”.
Dự án An Nông 5 do Công ty TNHH ANNONGLAND làm chủ đầu tư. Liên hệ qua điện thoại trong bài quảng cáo về đất nền dự án An Nông 5, một người nghe máy, nói: “Pháp lý dự án hiện đã hoàn chỉnh, chủ đầu tư đã thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn thiện cộng với việc huyện Đức Hòa lên thành phố thì giá bất động sản cũng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Chủ đầu tư dự án đang tiến hành làm sổ riêng từng nền và việc thời gian tới khi khu vực huyện Đức Hòa lên thành phố thì giá trị sẽ tăng rất mạnh nếu ai có nhu cầu thì đầu tư dự án bên em sẽ có tiềm năng tăng giá rất cao”.
Tại một thời điểm khác, phóng viên liên hệ với tài khoản mạng xã hội quảng cáo, rao bán dự án có tên gọi Dragon Pearl của Công ty Cổ phần Bất động sản Đức Hoà Đông, một người tự nhận là nhân viên của Công ty Cổ phần Bất động sản GM Holdings (địa chỉ: 323 - 325 Hùng Vương, Phường 9, Quận 5, TP.HCM) tư vấn, giá sản phẩm tại dự án Dragol Pearl vào khoảng 19 triệu đồng/m2. “Dự án đã đầy đủ pháp lý và đang tiến hành làm cơ sở hạ tầng. Hiện chủ đầu tư đang cho lắp đặt ống cống nên nếu a có nhu cầu đầu tư thì yên tâm về pháp lý của dự án”, người nhân viên này nói.
Nhưng khi được hỏi về thời gian hoàn thành cơ sở hạ tầng và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì nhân viên này lại cho biết: “Việc này phụ thuộc vào chủ đầu tư chứ không thể hứa trước được”.
Để chứng minh thêm việc Công ty Cổ phần Bất động sản GM Holdings là đơn vị phân phối sản phẩm của dự án nhân viên này còn gửi hợp đồng môi giới giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Phúc Thịnh (Phúc Thịnh Land) với Công ty TNHH Kinh doanh nhà Thành Trí kèm lời giải thích: “Phúc Thịnh Land là đơn vị phân phối chính thức tại dự án đã ủy quyển cho Công ty TNHH Kinh doanh nhà Thành Trí (thành viên của Công ty Cổ phần Bất động sản GM Holdings) được quảng cáo, môi giới bán sản phẩm tại dự án”.
Cũng liên quan đến dự án được quảng cáo tên gọi Dragon Pearl trên địa bàn huyện Đức Hoà, cuối năm 2021, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Long An khẳng định trên địa bàn không có dự án nào mang tên như thế. "Đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh Long An chưa nhận được hồ sơ, đồng thời cũng chưa chấp thuận cho dự án bất động sản đất nền nào với tên gọi Dragon Pearl", lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Long An khẳng định.
Theo xác định của Sở Xây dựng tỉnh Long An, khu đất được quảng cáo là dự án Dragon Pearl thực chất có tên gọi là KDC Đức Hòa Đông. Theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Long An hồi tháng 12/2021, hiện nay dự án KDC Đức Hòa Đông mới chỉ giải phóng mặt bằng được 80%. Phần diện tích còn lại giữa chủ đầu tư và người dân chưa tìm được tiếng nói chung, đây là thỏa thuận dựa trên sự tự nguyện giữa doanh nghiệp và người dân... nên không thể khẳng định thời gian nào sẽ giải phóng mặt bằng xong 100%.
Bên cạnh đó, khu đất được quảng cáo xây dựng dự án Dragon Pearl còn nằm dưới đường điện 500 kv đi qua huyện Đức Hoà, Long An. Trong khi tại Khoản 3 Điều 51 Luật điện lực quy định: "Không cho phép tồn tại nhà ở và công trình có người thường xuyên sinh sống, làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp từ 500 kV trở lên, trừ những công trình chuyên ngành phục vụ vận hành lưới điện đó”.
Cũng trong thời điểm này, ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng Giám đốc Phúc Thịnh Land thừa nhận "một số vấn đề đang tồn tại" ở dự án KDC Đức Hoà Đông. Tiến độ hạ tầng dự án có "hơi chậm" và chưa mở bán.
Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam bày tỏ: “Việc làm giả văn bản là hành động thiếu suy nghĩ và liều lĩnh đến mức độ đáng báo động. Hành vi này phải bị trừng trị nghiêm khắc nhằm cảnh báo những người làm ăn theo cách chụp giựt, không trung thực, lừa dối khách hàng để tạo lợi nhuận cho mình”.
Ông Đính cho rằng, sự buông lỏng quản lý nhà nước ở địa phương đã dẫn đến hỗn loạn thị trường, làm nổ bong bóng khiến nhiều người mua đất bị lừa. “Việc những người đầu cơ đất đai dùng chiêu trò thổi giá, tung tin thất thiệt cũng đã ảnh hưởng đến thị trường rồi. Giờ họ liều lĩnh đến như vậy thì cơ quan chức năng phải làm thật mạnh, thật dứt điểm để ngăn chặn hành vi này”, ông Đính kiến nghị.
Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Cao – Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng nhận định, hành vi giả mạo văn bản cơ quan chức năng nếu chỉ dừng lại ở việc làm giả thì cũng đã có dấu hiệu phạm tội và có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù đến 2 năm.
Trường hợp làm giả và dùng tài liệu giả này để thực hiện các thủ đoạn nhằm trục lợi hoặc làm giả nhiều tài liệu, làm giả nhiều lần hoặc phạm tội có tổ chức … thì có thể bị phạt tù đến 5 năm theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017).
“Trường hợp người tung tin đồn mang tính bịa đặt các vấn đề liên quan đến giá đất nhằm trục lợi thì phải đặt trong mối quan hệ với các hành vi sử dụng tin đồn này để thực hiện việc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác để xác định hành vi vi phạm. Ví dụ, dùng tin đồn sai lệch để lừa bán đất giá cao mang tính lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)”, luật sư Cao phân tích.
Phạm Thạch - Ngọc Khánh