Thứ sáu, 19/04/2024 08:04 (GMT+7)
Thứ năm, 26/05/2022 14:55 (GMT+7)

Lo phát sinh chi phí, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đề xuất nhận chìm 6,964 triệu m3 bùn thải xuống biển?

Theo dõi KTMT trên

Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn xin xử lý chất thải nạo vét từ dự án duy tu công trình cảng Nhà máy Lọc hóa dầu xuống biển; tuy nhiên UBND tỉnh Thanh Hóa đã “khước từ”.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (gọi tắt là Lọc hóa dầu Nghi Sơn), công trình cảng của Lọc hóa dầu Nghi Sơn được thiết kể để tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 40.000 DWT, công suất nhập cảng 10 triệu tấn dầu thô/năm. Từ lần nạo vét gần nhất năm 2019 đến nay sau quá trình hoạt động, khu vực luồng tàu bị sa bồi nghiêm trọng và không bảo đảm độ sâu cho phép để có thể tiếp nhận tàu dầu như thiết kế, gây ảnh hưởng đến họa động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, tải trọng tàu đã giảm xuống còn 30.000 DWT khi nước lớn và 15.000 DWT khi nước ròng. Nhà máy đối mặt với rủi ro lớn nếu có các cơn bão đổ bộ vào vùng biển Nghi Sơn.

Lo phát sinh chi phí, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đề xuất nhận chìm 6,964 triệu m3 bùn thải xuống biển? - Ảnh 1

Theo báo cáo của Lọc hóa dầu Nghi Sơn, khu vực luồng tàu bị sa bồi nghiêm trọng và không bảo đảm độ sâu cho phép để có thể tiếp nhận tàu dầu như thiết kế, gây ảnh hưởng đến họa động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. (Ảnh: nld.com.vn)

Đề xuất nhận chìm 6,964 triệu m3 bùn thải xuống biển để "thông" cảng?

Trước thực tế đó, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã lập dự án nạo vét duy tu công trình cảng để phục vụ cho hoạt động vận tải vào ra nhà máy giai đoạn 2022-2026, với khối lượng dự kiến nạo vét trong các năm như sau: Năm 2022 khoảng 1,9 triệu m3; năm 2023 khoảng 932.000 m3; năm 2024 khoảng 1,6 triệu m3; năm 2025 khoảng 932.000 m3; năm 2026 khoảng 1,6 triệu m3. Tổng khối lượng chất nạo vét khoảng 6,964 triệu m3.

Theo đại diện của Lọc hóa dầu Nghi Sơn, để xử lý khối lượng bùn thải này trong quá trình hực hiện dự án, doanh nghiệp đã xây dựng 02 phương án, hoặc là nhận chìm ở biển hoặc tận thu làm vật liệu san lấp. Qua so sánh, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đề xuất tỉnh Thanh Hóa cho phép triển khai phương án nhận chìm ở biển.

Lý giải lý do, đại diện Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho rằng, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài Nguyên và Môi trường phê duyệt, công tác nạo vét duy tu là thiết yếu cho công tác vận hành Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và vật liệu nạo vét được nhấn mạnh là phù hợp với nhận chìm biển và không phù hợp cho san lấp mặt bằng. Đồng thời, ý kiến của đơn vị tư vấn cho biết phân tích thành phần cơ lý chất nạo vét chủ yếu là bùn, sét, tỷ lệ cát thấp không phù hợp cho tận dụng làm vật liệu xây dựng hay san lấp.

Công ty cũng chưa có đánh giá, lựa chọn địa điểm cụ thể để đổ vật liệu nạo vét cũng như tác động ảnh hưởng môi trường khi san lấp bằng vật liệu nạo vét ở Khu Kinh tế Nghi Sơn. Do đó phương án này sẽ phát sinh chi phí, kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến quan hệ tín dụng đối với công ty, từ đó không đáp ứng nhu cầu cấp bách trong sản xuất của doanh nghiệp, nhất là khi mùa mưa bão năm 2022 đang đến gần.

Thanh Hóa "bác" đề xuất trước nguy cơ ô nhiễm môi trường

Trước đề xuất của doanh nghiệp, ngày 25/5/2022, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang, các sở ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành họp bàn. Cơ bản các ý kiến của sở ngành liên qua của tỉnh Thanh Hóa đều không đồng tình với phương án của Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Lo phát sinh chi phí, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đề xuất nhận chìm 6,964 triệu m3 bùn thải xuống biển? - Ảnh 2

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang chủ trì cuộc làm việc ngày 25/5 để bàn về phương án xử lý bùn thải của Lọc hóa dầu Nghi Sơn. (Ảnh: baothanhhoa.vn)

Theo đại diện lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, hiện nay tại khu vực vùng biển Nghi Sơn đã chấp thuận khu vực để nhận chìm ở biển cho 3 dự án nạo vét cảng biển và luồng hàng hải Nghi Sơn là: Dự án của Ban Quản lý Hàng hải giai đoạn 2021-2024, khối lượng là 3,5 triệu m3; Dự án của Tổng Công ty đảm bảo an toàn hàng hải Miền Bắc là 423.000 m3; Dự án Cảng Long Sơn là 2,8 triệu m3.

Do đó, nếu đồng ý cho Lọc dầu Nghi Sơn nhận chìm ở biển 6,964 triệu m3 sẽ vượt quá sức chịu tải môi trường của vùng biển Nghi Sơn, ảnh hưởng đến ngư trường đánh bắt gần bờ của ngư dân thị xã Nghi Sơn. Bên cạnh đó, nhu cầu vật liệu san lấp trong Khu Kinh tế Nghi Sơn hiện rất lớn, có thể tiếp nhận ngay chất nạo vét từ dự án.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các bên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang, cho rằng, Lọc hóa dầu Nghi Sơn là nhà đầu tư chiến lược của tỉnh Thanh Hóa. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy không chỉ có vai trò quan trọng đối sự tăng trưởng, tăng thu ngân sách đối của tỉnh Thanh Hóa mà còn đối với cả nước. 

Tuy nhiên, Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng phải chú trọng bảo đảm môi trường sống cho Nhân dân và môi trường sinh thái biển. Tỉnh Thanh Hóa sẽ cân nhắc, nghiên cứu phương án tốt nhất cho cả địa phương và doanh nghiệp; đề nghị doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm đối với mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.

Từ phân tích của các cơ quan chuyên môn của tỉnh Thanh Hóa cũng như nhận định của chính quyền địa phương cho thấy, phương án nhận chìm vật chất nạo vét với khối lượng 6,964 triệu m3 sẽ quá tải sức chịu đựng của môi trường biển. Để hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn theo xu thế chung của thế giới, phù hợp với định hướng phát triển đất nước và quy định tại Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015 (chỉ được nhận chìm chất nạo vét ở biển khi không thể đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền hoặc việc đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền không hiệu quả về kinh tế - xã hội), Lọc hóa dầu Nghi Sơn cần nghiên cứu phương án đổ thải trên bờ tận dụng làm vật liệu san lấp.

Được biết, hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương và đơn vị liên quan giới thiệu, hướng dẫn cho đơn vị các vị trí tiếp nhận chất nạo vét trên bờ để đơn vị thực hiện đổ thải theo đúng quy định hiện hành về đất đai, môi trường, khoáng sản; bảo đảm tiến độ thi công của dự án.

Khánh Thư (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Lo phát sinh chi phí, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đề xuất nhận chìm 6,964 triệu m3 bùn thải xuống biển?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp đón mưa lớn
Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, đêm nay (17/4) Hà Nội sẽ đón mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Tin mới