Thứ sáu, 29/03/2024 19:19 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/11/2019 15:49 (GMT+7)

Doanh thu tăng đột biến, PVN vẫn có nguy cơ tổn thất 2.875 tỉ tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Theo dõi KTMT trên

Mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu đột biến trong năm 2018 nhưng PVN vẫn phải trích lập dự phòng tổn thất khoản đầu tư 2.875 tỉ đồng tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Doanh thu tăng đột biến, PVN vẫn có nguy cơ tổn thất 2.875 tỉ tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn - Ảnh 1
Doanh thu năm 2018 của PVN tăng trưởng tới hơn 40% so với năm 2017

Mới đây, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2018.

Theo báo cáo, tổng doanh thu của 143 doanh nghiệp nhà nước thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trên cả nước là 743.706 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu của 13 doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 500.957 tỉ đồng (chiếm 67,36% tổng doanh thu). Doanh thu của 79 doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng là 192.246 tỉ đồng (chiếm 25,85% tổng doanh thu). Còn lại là doanh thu của 51 doanh nghiệp nhà nước thuộc các Bộ, ngành khác là 50.503 tỉ đồng (chiếm 6,79% tổng doanh thu).

Đặc biệt, một số doanh nghiệp ghi nhận mức doanh thu lớn trong báo cáo của Bộ Tài chính, cụ thể, nổi bật nhất là EVN với doanh thu 285.521 tỉ đồng (chiếm 38,39% tổng doanh thu, tăng 7,9% so với năm 2017). Tiếp theo là TKV cũng ghi nhận doanh thu 92.915 tỉ đồng (chiếm 12,49% tổng doanh thu, tăng 37,5% so với năm 2017). PVN xếp thứ ba với mức doanh thu 73.593 tỉ đồng (chiếm 9,9% tổng doanh thu, tăng 42,57% so với năm 2017).

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, PVN mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu đột biến trong năm 2018, song lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ đạt 28.050 tỉ đồng, giảm 8,22% so với năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kết quả nêu trên là do khoản cổ tức, lợi nhuận được chia từ các đơn vị thành viên của PVN giảm tới 3.024 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, PVN vẫn phải trích lập dự phòng tổn thất khoản đầu tư với giá trị 2.875 tỉ đồng tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Doanh thu tăng đột biến, PVN vẫn có nguy cơ tổn thất 2.875 tỉ tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn - Ảnh 2
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Dự án liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn được đầu tư với tổng số vốn 9 tỉ USD. Cuối năm 2018, dự án này chính thức vận hành thương mại với công suất giai đoạn I là 200.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm, gần gấp đôi công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Được biết, trong năm 2018, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) lỗ kế hoạch 1.379 tỉ đồng, doanh thu đạt 29.323 tỉ đồng, đạt 18% kế hoạch năm. Ngoài ra, việc bù thuế do bao tiêu sản phẩm dự án cũng là vấn đề khiến PVN lo lắng nhiều năm nay. Cụ thể, thuế nhập khẩu dầu từ ASEAN hiện nay (0%) đã thấp hơn giá trị ưu đãi cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Trong khi đó, theo thỏa thuận giữa Chính phủ (do PVN thay mặt ký với liên doanh nhà đầu tư), dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn không chỉ được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu mà còn được cộng vào giá bán thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen...).

Đặc biệt, theo thỏa thuận với liên danh nhà đầu tư lọc dầu Nghi Sơn, trong 10 năm, nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này. Do đó, mỗi năm PVN sẽ phải bù 1,5 - 2 tỷ USD cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong 10 năm đầu vận hành để bù lỗ cho dự án này, chưa kể số kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho nhà máy để đầu tư các hạng mục công trình.

Trong nhóm các doanh nghiệp ngành viễn thông, chỉ mỗi Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) Viettel ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng hơn so với năm 2017. Cụ thể, VNPost ghi nhận mức doanh thu 20.804 tỉ đồng, chiếm 2,8% tổng doanh thu, tăng 26,62% so với năm 2017.

Còn 3 doanh nghiệp lớn trong ngành là Viettel, VNPT và MobiFone đều ghi nhận con số doanh thu “đi lùi”. Trong đó, Viettel đạt mức doanh thu cao nhất với 94.517,9 tỉ đồng, chiếm 12,71% tổng doanh thu, nhưng chỉ tương đương 37,58% doanh thu năm 2017. VNPT thu về 45.702 tỉ đồng trong năm 2018, chiếm 6,1% tổng doanh thu nhưng chỉ đạt 96,15% so với năm 2017. Còn doanh thu trong năm 2018 của MobiFone là 36.926 tỉ đồng, chiếm 4,96% tổng doanh thu nhưng chỉ đạt 92,06% so với năm 2017.

Bên cạnh những doanh nghiệp kinh doanh có lãi, Bộ Tài chính cho biết, vẫn có 9 doanh nghiệp báo lỗ trong năm 2018, bao gồm: Tổng công ty 15 lỗ 67,15 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Hà Thành lỗ 1,02 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV NXB Lao động - Xã hội lỗ 4 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long lỗ 22,5 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp lỗ 1,42 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV XNK Nông sản thực phẩm lỗ 3,06 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Hãng Phim Tài liệu và KHTW lỗ 1,02 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thể dục thể thao lỗ 0,3 tỉ đồng; Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ 125,9 tỉ đồng.

Xuân Đoàn

Bạn đang đọc bài viết Doanh thu tăng đột biến, PVN vẫn có nguy cơ tổn thất 2.875 tỉ tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.