Liên Hợp Quốc kêu gọi đoàn kết ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
Liên Hợp Quốc nhấn mạnh đoàn kết quốc tế trong ứng phó khủng hoảng và tái thiết sau thảm họa. Các cơ quan Liên Hợp Quốc đang phối hợp chặt chẽ với Tonga, các đối tác và các nhà tài trợ để hỗ trợ Tonga khắc phục hậu quả thiên tai.
Mới đây, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc Abdulla Shahid nhận định, vụ phun trào núi lửa ở Tonga hôm 15/1 và trận sóng thần tiếp sau đó cho thấy mức độ "dễ bị tổn thương" của các nước đang phát triển ở các đảo nhỏ.
Vụ phun trào núi lửa ở Tonga ngày 15/1 vừa qua là một trong những vụ phun trào núi lửa lớn nhất từng ghi nhận trong nhiều thập kỷ, với những cột tro bụi bốc cao tới 30 km, trong khi tro bụi, khí gas và mưa axit từ hoạt động địa chất này cũng đã ảnh hưởng một vùng rộng khắp trên Thái Bình Dương. Sóng thần cũng xảy ra tại các quốc gia ven biển Thái Bình Dương từ Nhật Bản đến Mỹ.
Núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào đã phủ lên Tonga một màn tro bụi dày đặc và phát sóng xung kích bao quanh toàn bộ Trái Đất, vốn được xem là “sát thủ vô hình” của tất cả các vụ nổ (tự nhiên hay nhân tạo), gây nên hàng loạt cái chết cho con người và sự sụp đổ của các công trình, tòa nhà trên Trái Đất. Với vận tốc xuất hiện nhanh hơn vận tốc âm thanh (vận tốc âm thanh trong không khí là 344 mét/giây), sóng xung kích có thể thổi bay và san phẳng mọi thứ trên đường đi của nó.
Trước nguy cơ đó, Liên Hợp Quốc nhấn mạnh về đoàn kết quốc tế trong ứng phó khủng hoảng và tái thiết sau thảm họa. Các cơ quan Liên Hợp Quốc đang phối hợp chặt chẽ với Tonga, các đối tác và các nhà tài trợ để hỗ trợ Tonga khắc phục hậu quả thiên tai.
Trong báo cáo cập nhật chính thức đầu tiên về hậu quả của thảm họa kép, văn phòng Thủ tướng Tonga ngày 18/1 xác nhận 3 người đã thiệt mạng. Trên đảo Mango, toàn bộ nhà cửa bị phá hủy hoàn toàn, trong khi trên đảo Fonoifua chỉ còn lại 2 ngôi nhà, đảo Namuka cũng chịu mức độ tàn phá trên quy mô lớn. Thủ đô Nuku'alofa của Tonga bị bao phủ dưới lớp tro bụi dày, có khả năng gây ngộ độc nguồn nước và gây các vấn đề về hô hấp của người dân.
Theo cảnh báo của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), có thể có thêm nhiều vụ nổ núi lửa hoặc sóng thần tại Bờ Tây nước Mỹ sau vụ phun trào núi lửa ở ngoài khơi Tonga. Các chuyên gia của USGS nhận định rằng, hoạt động của sóng thần sẽ khó dự báo hơn sau cơn địa chấn tại Tonga.
Trong khi đó, số người chết trong trận động đất đêm 17/1 tại miền Tây Afghanistan đã lên 26 người. Theo USGS, trận động đất tại Afghanistan có độ lớn 5,3 với tâm chấn nằm ở vị trí khá nông. Afghanistan thường xuyên hứng chịu các trận động đất, nhất là tại dãy núi Hindu Kush. Năm 2015, ít nhất 280 người chết sau một trận động đất có độ lớn 7,5 tại dãy Hindu Kush.
Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết sóng thần đã gây ra thiệt hại lớn cho khu vực bờ biển phía Tây đảo Tongatapu, khi một số khu nghỉ dưỡng và nhà ở bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng. OCHA cũng bày tỏ quan ngại về hai hòn đảo Mango và Fonoi, sau khi các chuyến bay giám sát xác nhận "thiệt hại đáng kể về tài sản" tại đây. OCHA cho biết trong điều kiện liên lạc gián đoạn như hiện nay, cơ quan này chưa thể đánh giá tác động toàn diện của vụ núi lửa phun trào và sóng thần, đồng thời bày tỏ lo ngại về tình hình ô nhiễm nước uống và đất canh tác, và sự cần thiết phải có nguồn nước sạch sinh hoạt cho người dân.
Theo ước tính của Tập đoàn tái bảo hiểm Munich Re của Đức, thiệt hại do các thảm họa thiên nhiên gây ra trong năm 2021 trên toàn cầu lên tới 280 tỷ USD. Và theo dự báo xu hướng này có thể còn tiếp tục tăng khi biến đổi khí hậu ngày càng gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan.
Ngoài ra, năm thiệt hại nhiều nhất được ghi nhận là năm 2017, với các cơn bão Harvey, Irma và Maria ở Mỹ. Cũng gây thiệt hại nặng cho thế giới là năm 2011 khi các trận động đất lớn tấn công Nhật Bản và New Zealand, và năm 2005, khi cơn bão Katrina tàn phá New Orleans.
Cũng theo "Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2022", cuộc khủng hoảng khí hậu là rủi ro lớn nhất của thế giới trong dài hạn và đại dịch Covid-19 là rủi ro lớn nhất trong trung hạn. Theo đó, Trái Đất đang có nguy cơ đối mặt với sự kiện sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 nếu thiếu các nỗ lực giúp chấm dứt và đảo ngược các tổn hại về hệ sinh thái.
Lan Anh (T/h)