Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia chung tay bảo vệ hệ sinh thái
Với việc khởi động “Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái”, Ngày Môi trường thế giới năm 2021 là cơ hội để Liên Hợp Quốc huy động những "nỗ lực chưa từng có giúp chữa lành Trái Đất".
Biến đổi khí hậu do Trái Đất ấm lên đang diễn ra nhanh và khốc liệt hơn. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và Trái Đất của chúng ta.
Theo đó, Ngày Môi trường thế giới được kỷ niệm hằng năm vào ngày 5/6 là dịp để Liên Hợp Quốc kêu gọi người dân trên thế giới nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường như ô nhiễm môi trường biển, hiện tượng ấm lên toàn cầu, tiêu dùng bền vững và nạn săn bắn động vật hoang dã.
Với chủ đề “Phục hồi Hệ sinh thái - Ecosystem Restoration", Ngày Môi trường thế giới năm 2021 được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc lựa chọn nhằm truyền tải thông điệp về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với 3 mối đe dọa về môi trường, bao gồm mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và ô nhiễm gia tăng. Vì vậy, trước thềm Ngày Môi trường thế giới 5/6, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi huy động "nỗ lực chưa từng có để chữa lành Trái Đất".
Trước thực trạng nạn chặt phá rừng, tình trạng ô nhiễm sông ngòi và đại dương, các bãi cỏ bị cày xới... dường như rơi vào quên lãng, Tổng Thư ký Guterres cảnh báo Trái Đất đang tiến tới "thời điểm không thể quay đầu".
Ông nêu rõ: "Chúng ta đang tàn phá chính các hệ sinh thái vốn là nền tảng của xã hội chúng ta. Sự suy thoái thế giới tự nhiên đang hủy hoại chính nguồn thực phẩm, nước và tài nguyên cần thiết để con người và các sinh vật tồn tại, cũng như cuộc sống của 3,2 tỉ người - tương đương 40% dân số thế giới."
Tuy nhiên, người đứng đầu Liên Hợp Quốc nhấn mạnh điều may mắn là Trái Đất có khả năng phục hồi và "chúng ta vẫn còn thời gian để đảo ngược những thiệt hại mà mình đã gây ra". Bằng cách khôi phục các hệ sinh thái, ông cho rằng "chúng ta có thể thúc đẩy một sự chuyển đổi góp phần vào việc đạt được tất cả các mục tiêu phát triển bền vững".
Theo ông Guterres, việc hoàn thành những mục tiêu này sẽ không chỉ bảo vệ tài nguyên của hành tinh, mà còn giúp tạo ra hàng triệu việc làm mới vào năm 2030, tạo ra lợi nhuận hơn 7.000 tỉ USD/năm và giúp xóa bỏ đói nghèo.
Ngoài ra, Tổng Thư ký LHQ mô tả "thập kỷ phục hồi" là "một lời kêu gọi hành động toàn cầu", sẽ thu hút sự hỗ trợ chính trị, nghiên cứu khoa học và nguồn lực tài chính. Hàng loạt các hoạt động hưởng ứng kế hoạch của Liên Hợp Quốc được triển khai trên thế giới thông qua hình thức trồng cây, phủ xanh thành phố, cải tạo vườn, thay đổi chế độ ăn uống xanh, làm sạch sông, bờ biển. Ông cho rằng, 10 năm tới là "cơ hội cuối cùng" để con người có thể ngăn chặn thảm họa khí hậu, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm gây chết người và chấm dứt sự mất mát các loài động, thực vật.
“Chúng ta cần trồng lại và bảo vệ rừng. Chúng ta cần phải làm sạch sông và biển và chúng ta cần phủ xanh các thành phố. Mọi người hãy đóng góp trách nhiệm của mình. Hôm nay là sự khởi đầu của một thập kỷ mới - một thập kỷ mà cuối cùng chúng ta đã làm hòa với thiên nhiên và đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”, ông Guterres thông tin.
Trước đó, ngày 1/3/2021, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bố giai đoạn 2021-2030 là “Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái” nhằm nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và bị phá hủy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và Trái Đất của chúng ta.
Liên Hợp Quốc cũng nhấn mạnh, việc phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái góp phần quan trọng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Khung đa dạng sinh học toàn cầu.
Thùy Linh