Thứ bảy, 23/11/2024 07:56 (GMT+7)
Thứ tư, 14/10/2020 17:38 (GMT+7)

Liên Hợp Quốc cảnh báo Trái Đất trở thành ‘địa ngục không thể sống được’

Theo dõi KTMT trên

Theo Liên Hợp Quốc, các chính trị gia và giới lãnh đạo doanh nghiệp thế giới đã không làm đủ để đối phó với tác động của biến đổi khí hậu và ngăn Trái đất biến thành "địa ngục không thể sinh sống đối với hàng triệu người".

Trong báo cáo hôm 12/10, Liên Hợp Quốc cho biết, các chính trị gia và giới lãnh đạo doanh nghiệp thế giới đã không làm đủ để đối phó với tác động của biến đổi khí hậu và ngăn Trái đất biến thành "địa ngục không thể sinh sống đối với hàng triệu người", theo CNN.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, đại dịch Covid-19, tới nay đã khiến 37 triệu người nhiễm bệnh, trong đó có hơn 1 triệu người tử vong, là minh chứng cho thất bại của "hầu hết quốc gia" trong ngăn chặn một "làn sóng dịch bệnh và chết chóc", bất chấp đã được nhiều lần cảnh báo.

Trong giai đoạn 2000-2019, thế giới ghi nhận 7.348 thảm họa tự nhiên lớn, cướp đi sinh mạng của 1,23 triệu người, ảnh hưởng tới cuộc sống của 4,2 tỉ người, gây thiệt hại 2,97 nghìn tỉ USD. Số lượng thảm họa tự nhiên cao gấp đôi so với ghi nhận trong giai đoạn 20 năm cuối thế kỷ 20.

Sự gia tăng các thảm họa tự nhiên xuất phát từ tình trạng Trái đất nóng lên và có liên quan tới biến đổi khí hậu toàn cầu.

“Thật khó hiểu khi chính con người đang gieo mầm cho những thảm họa dẫn đến sự hủy diệt của nhân loại”, Mami Mizutori, giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc về Giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR), nói.

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa tự nhiên trong 20 năm qua, với 3.068 thảm họa được ghi nhận.

Liên Hợp Quốc cảnh báo Trái Đất trở thành ‘địa ngục không thể sống được’ - Ảnh 1
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa tự nhiên. (Ảnh mưa lũ ở miền Trung Việt Nam trong những ngày qua).

Quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của thảm họa thiên nhiên trong 20 năm qua là Trung Quốc, với hơn 500 thảm họa thiên nhiên. Mỹ là quốc gia xếp sau với 467 thảm họa thiên nhiên.

Thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong báo cáo là trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 khiến hơn 100.000 người thiệt mạng, tiếp theo là thảm họa bão Nargis ở Myanmar năm 2008 và động đất ở Haiti năm 2010.

Hiện tại, thế giới đứng trước nguy cơ nhiệt độ tăng 3,2 độ C hoặc lớn hơn. Mức tăng 3,2 độ C khiến hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn trên toàn cầu, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết.

Liên Hợp Quốc cảnh báo Trái Đất trở thành ‘địa ngục không thể sống được’ - Ảnh 2
Thế giới đứng trước nguy cơ nhiệt độ tăng 3,2 độ C hoặc lớn hơn. (Ảnh: Internet)

Hồi tháng 5 vừa qua, các nhà khoa học Mỹ và Anh đã cùng biên soạn một bản đồ thế giới, trong đó thể hiện sự kết hợp giữa nhiệt độ và độ ẩm cho từng khu vực - một chỉ số phản ánh ảnh hưởng khí hậu lên cơ thể con người so với nhiệt độ không khí trung bình. Theo đó, trên Trái đất đã có những nơi gần như không thể sống nổi. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances.

Các nhà khoa học từ Viện quan sát Trái đất, Đại học Columbia ở Mỹ và Đại học Loughborough ở Anh đã nghiên cứu trong 4 thập kỷ, phân tích dữ liệu từ 7.877 trạm thời tiết trên khắp thế giới trong giai đoạn từ 1979 đến 2017.

Trong sự ngạc nhiên, các nhà khoa học nhận thấy hiện nay trên Trái đất đã có nhiều nơi mà các thông số khí hậu định kỳ vượt quá giới hạn sinh tồn của con người.

"Nghiên cứu trước đây dự đoán điều này sẽ xảy ra trong một vài thập kỷ tới, nhưng chúng tôi thấy nó đang xảy ra ngay bây giờ" - Colin Raymond thuộc Viện quan sát Trái đất cho biết trong một thông cáo báo chí của Đại học Columbia.

Hàng nghìn địa điểm như vậy được xác định tại châu Á, châu Phi, Australia, Nam và Bắc Mỹ. Đặc biệt là có rất nhiều nơi dọc theo bờ biển vịnh Persian, vịnh Mexico và bờ biển Ấn Độ Dương, nơi nước biển bốc hơi tạo ra một lượng ẩm dồi dào được không khí nóng hấp thụ. Ở một số khu vực xa bờ biển, gió mùa ẩm ướt đóng vai trò tương tự.

Các tác giả nhận thấy số giai đoạn có nhiệt độ và độ ẩm khắc nghiệt tăng gấp đôi trong suốt thời gian quan sát và tần suất của chúng có tương quan trực tiếp với sự nóng lên toàn cầu. Các sự cố định kỳ đã được ghi nhận ở hầu hết Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Tây Bắc Australia, dọc theo biển Đỏ và vịnh Mexico, cũng như ở California và một số khu vực Đông Nam Á, miền Nam Trung Quốc, châu Phi cận nhiệt đới và vùng biển Caribbean.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Liên Hợp Quốc cảnh báo Trái Đất trở thành ‘địa ngục không thể sống được’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới