Liên hợp quốc cảnh báo nhiệt độ Trái Đất có nguy cơ tăng thêm 3 độ C vào cuối thế kỷ này
Liên hợp quốc cảnh báo nhiệt độ Trái Đất vẫn có nguy cơ tăng thêm 3 độ C vào cuối thế kỷ này dù lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong năm nay giảm.
Ngày 9/12, Liên hợp quốc cảnh báo nhiệt độ Trái Đất vẫn có nguy cơ tăng thêm 3 độ C vào cuối thế kỷ này dù lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong năm nay giảm do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng như các nước cam kết giảm phát thải.
Theo đánh giá thường niên về mức phát thải do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) thực hiện, lượng khí thải carbon trong năm nay giảm 7% sẽ tác động không đáng kể trong việc kiềm chế sự tăng nhiệt độ Trái Đất nếu thế giới không nhanh chóng chuyển sang các nguồn năng lượng khác "xanh" hơn thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch như hiện nay.
Báo cáo mang tên "Khoảng cách phát thải" của UNEP cho rằng sự "phục hồi xanh" sau đại dịch COVID-19, trong đó các nước đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0, có thể giúp cắt giảm 25% lượng khí thải vào năm 2030. Điều này có thể giúp thế giới tiến gần hơn đến mục tiêu dài hạn nhằm kiềm chế nhiệt độ Trái Đất tăng 2 độ C theo như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Giám đốc điều hành UNEP, bà Inger Andersen cho biết báo cáo trên cho thấy kế hoạch "phục hồi xanh" sau đại dịch có thể giúp giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giúp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.
Năm ngoái, UNEP cho rằng từ nay đến năm 2030, mỗi năm thế giới phải giảm 7,6% lượng khí thải để đạt mục tiêu mức tăng nhiệt độ Trái Đất tham vọng hơn là 1,5 độ C. Năm nay có thể chứng kiến lượng khí thải giảm ở mức này sau khi hoạt động công nghiệp, đi lại và sản xuất đã giảm mạnh chưa từng thấy do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ giúp làm giảm 0,01 độ C sự nóng lên của Trái Đất vào năm 2050.
Các chuyên gia lo ngại rằng lượng khí thải carbon có thể tăng trở lại trong năm 2021. Tuần trước, Liên hợp quốc còn cho biết các nước đã lên kế hoạch tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch thêm 2% mỗi năm trong thập kỷ này. Trong khi đó, để đạt được mục tiêu kiềm chế sự tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C, thế giới phải giảm sản lượng dầu mỏ, khí đốt và than đá 6% mỗi năm.
Mặc dù 30 năm trước, giới khoa học đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ về hậu quả của tình trạng Trái Đất ấm lên, song lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới vẫn tăng hằng năm.
Theo Giám đốc Học viện khí hậu và năng lượng thuộc Đại học Melbourne (Australia), Malte Meinshausen, với lượng phát thải CO2 như hiện nay thì hàm lượng CO2 ở mức 1.200ppm sẽ bị vượt qua vào năm 2104.
Ngoài ra, điều mà các nhà khoa học lo lắng hơn là tình trạng Trái Đất ấm lên do hoạt động của con người sẽ dẫn tới việc thải khí CO2 và mêtan từ các nguồn tài nguyên tự nhiên như tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu ở các cực, tạo thêm khó khăn cho các nước trong nỗ lực giảm khí thải CO2.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đã yêu cầu các quốc gia trên thế giới kìm hãm sự ấm dần lên toàn cầu ở mức 1,5-2 độ C. Cho đến nay, nền nhiệt Trái Đất đã ấm lên trung bình 1 độ C khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện nhiều hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn khi khiến nước biển dâng cao.
Theo dữ liệu của EU, kể từ cuối những năm 1970, nền nhiệt toàn cầu đã tăng lên 0,2 độ C mỗi thập kỷ. Tình trạng biến đổi khí hậu đã tăng tốc trong những thập kỷ gần đây do lượng phát thải khí nhà kính ngày càng gia tăng tỉ lệ thuận với việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Trong số 20 năm qua, có tới 19 năm thế giới ghi nhận mức nhiệt kỷ lục, kể từ khi các dữ liệu bắt đầu được thống kê một cách chính xác vào cuối thế kỷ 19.
Một nghiên cứu công bố hồi tuần trước cũng cho thấy biến đổi khí hậu cũng đã làm gián đoạn các mô hình thời tiết trong khu vực. Điều này thể hiện qua việc Mặt trời rọi nắng nhiều hơn xuống dải băng Greenland, làm băng tan và "bổ sung" nước cho đại dương nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong 12.000 năm qua.
Hà Linh