Thứ bảy, 27/04/2024 02:06 (GMT+7)
Thứ hai, 26/04/2021 16:02 (GMT+7)

Làng giấy Phú Lâm và sự thật ô nhiễm

Theo dõi KTMT trên

Khói bụi tỏa đen, rác thải đầy đường, nước sông đặc quánh bốc mùi khó chịu là những hình ảnh ô nhiễm môi trường có thể thấy ngay bằng mắt thường tại cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).

Làng giấy Phú Lâm và sự thật ô nhiễm - Ảnh 1
Cảnh tượng ô nhiễm kinh hoàng ở Phú Lâm nhìn từ trên cao.

Cách Hà Nội chứng 30 km, cách thành phố Bắc Ninh 15 km. Ở đó, có một địa danh mang tên Phú Lâm (thuộc huyện Tiên Du)- cái tên nghe rất hay, kiểu như trời phú cho nhiều rừng. Nhưng không. Cái tên Phú Lâm giờ đây được biết đến, được ‘định danh’ là một điểm ô nhiễm khủng khiếp theo đúng nghĩa của nó.

Hai tháng trước (ngày 25/2), Bộ NNPTNT đã ra "tối hậu thư" cho tỉnh Bắc Ninh trước tình trạng vi phạm về quy định xử lý nước thải ở các làng nghề tái chế giấy khi nguồn nước thải đổ thẳng ra sông Ngũ Huyện Khê. Theo đó, Bộ NNPTNT nêu rõ: Sông Ngũ Huyện Khê, thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Đuống là công trình mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến tỉnh Bắc Ninh và TP.Hà Nội. 

Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra và phản ánh của địa phương cũng như các đơn vị truyền thông cho thấy việc quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi Bắc Đuống còn nhiều tồn tại: Nguồn nước trên sông Ngũ Huyện Khê đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở sản xuất kinh doanh, nước thải sinh hoạt…, đặc biệt là các cơ sở sản xuất giấy thuộc cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du) và cụm công nghiệp Phong Khê 1, Phong Khê 2 (TP.Bắc Ninh).

Trước tình trạng này, Bộ NNPTNT đã yêu cầu tỉnh Bắc Ninh có biện pháp buộc các doanh nghiệp dừng ngay hoạt động xả thải chưa qua xử lý vào công trình thủy lợi Bắc Đuống. Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh rà soát tổ chức, cá nhân có hoạt động xả thải vào công trình thủy lợi Bắc Đuống, xử lý nghiêm vi phạm đối với tổ chức, các nhân liên quan do hoạt động xả nước thải không đúng quy định pháp luật vào hệ thống công trình thủy lợi.

Ô nhiễm "giết chết" một dòng sông

Tại cụm công nghiệp Phú Lâm có khoảng 30 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động sản xuất, tái chế giấy các loại với tổng lượng nước thải phát sinh khoảng 4.000 m3/ngày đêm. Do chưa có hệ thống nước tải tập trung nên xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường đối với khu vực xung quanh. nguồn gây ô nhiễm sông Ngũ Huyện Khê có các nhà máy sản xuất giấy ở phường Phong Khê (TP. Bắc Ninh) và cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du).

Nếu như sông Thị Vải bị đầu độc chủ yếu bởi hệ thống ống ngầm xả thải chui của Công ty Vedan, thì dòng Ngũ Huyện Khê (tỉnh Bắc Ninh) lại bị “giết” một cách công khai bởi hàng chục, hàng trăm cơ sở sản xuất giấy ở lưu vực hạ du thuộc địa phận xã Phú Lâm và xã Phong Khê. Người dân than, cơ quan chức năng biết, doanh nghiệp thừa nhận… song dòng sông vẫn đang bị bỏ mặc cho "chết sặc" vì ô nhiễm

Mỗi ngày, các nhà máy sản xuất giấy từ Cụm công nghiệp Phú Lâm xả ra dòng sông hàng trăm mét khối nước thải chưa qua xử lý, vượt nhiều lần khả năng tự làm sạch của dòng sông theo chu trình tự nhiên. Trên đoạn đê ngắn chừng nửa km, hàng chục ống nước thải đục xuyên thân đê găm thẳng xuống sông, ngày đêm "nhả độc”. Những đường ống nước thải như những chiếc bơm tiêm nối dài đầu độc sông. Nước thải ứ đọng lâu năm, kết tủa thành những mảng cặn lớn cỡ 30 – 50 cm2, khiến cả khúc sông nồng nặc ô nhiễm.

Không chỉ nước thải, việc đổ và đốt rác thải rắn, chủ yếu là ni nông, dây điện…trên bờ đê, nơi giáp ranh 2 thôn Tam Tảo (xã Phú Lâm) và Dương Ổ (xã Phong Khê) còn gây ô nhiễm không khí nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của người dân. Và những khi mưa xuống, nước mưa cuốn các tạp chất, hóa chất độc hại từ đống rác này chảy xuống sông, càng làm cho dòng sông không còn hi vọng hồi sinh.

Bên cạnh đó việc xả thẳng trực tiếp xuống dòng Ngũ Huyện Khê chính là một trong những "thủ phạm" khiến sông Cầu "giãy chết" bởi nạn ô nhiễm kinh hoàng.

Sống trong ô nhiễm

Cá chết trắng ao, cây trồng không phát triển được, sản xuất đình đốn, không khí và nước tưới tiêu ô nhiễm chính là bức tranh về làng nghề Phú Lâm. Nước thải nhà máy giấy đen sì, đặc quánh đổ ra đây thì không có một con gì sống được, không có một cây gì sống được; thậm chí con người cũng không thể tồn tại được nếu còn tiếp tục bị ô nhiễm như thế này"- ông Lê Đại Hải, chủ trang trại rộng hơn 4.000 m2 ở xóm trại 12, thôn Đông Phù nói trong tuyệt vọng với chúng tôi khi chứng kiến dòng nước thải đen sì đặc quánh chảy vào ao cá, ruộng vườn nhà mình.

Làng giấy Phú Lâm và sự thật ô nhiễm - Ảnh 2
Cá chết trắng ao

Ở trang trại kế bên, ông Nguyễn Văn Lợi cũng lo lắng không kém khi cá chết trắng ao vì nước thải từ nhà máy ở cụm công nghiệp làng nghề Phú Lâm chảy vào ao:

"Nước thải từ nhà máy giấy xả trực tiếp ra ruộng bên và chảy vào ao nhà tôi. Cá chết hơn 1 tấn thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Nhưng đây chưa phải là hậu quả cuối cùng. Với nước đặc như luyn như thế này, sau khi tát cạn, chúng tôi phải nạo vét lại ao để vét hết váng dầu luyn, chất thải và phải đợi đôi ba năm nữa mới thả lại được. Thiệt hại khó có thể đo đếm"- ông Lợi nói.

Ông Lợi cũng chia sẻ, bây giờ cả nhà không còn ruộng, dồn hết vào trang trại này kiếm kế sinh nhai, bây giờ mất trắng. "Mong chính quyền các cấp và công an giải quyết công bằng cho gia đình chúng tôi"- ông Lợi cho hay

Đây chỉ là 2 trong số hàng chục hộ bị thiệt hại cây trồng vật nuôi vì nước thải từ cụm công nghiệp làng nghề này. Nhiều gia đình bỏ ra hàng tỉ đồng đầu tư chuyển đổi cây trồng vật nuôi, làm trang trại những mong thoát nghèo vươn lên làm giàu. Nay nguồn nước thải ô nhiễm gây chết cá hàng loạt; cây trồng còi cọc. Mỗi nhà vay ngân hàng từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng nay không biết phải xoay sở ra sao.

Theo người dân nơi đây, trước kia tình trạng nước thải ô nhiễm thi thoảng mới xảy ra, nay thì thường xuyên hơn. Cao điểm là những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua. Thực trạng này cũng được lãnh đạo UBND huyện Tiên Du thừa nhận trong báo cáo gửi lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh mới đây khi cho biết, hầu hết cơ sở sản xuất không có hệ thống xử lý nước thải. Huyện đã cho tháo gỡ toàn bộ các đường ống xả thải của doanh nghiệp ra sông Ngũ Huyện Khê. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn hoạt động nên nước thải dồn vào hết kênh mương nội đồng.

Nguồn nước đặc quánh như dầu luyn đổ vào ao, phải mất vài ba năm nữa mới có thể khôi phục lại ao để thả cá. Thế nhưng, có thể điều mong muốn đó sẽ khó trở thành hiện thực nếu các nhà máy sản xuất giấy vẫn duy trì hoạt động xả nước thải không xử lý ra môi trường.

Vấn đề đặt ra là, trong thời gian chờ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải thì nguồn nước thải phát sinh qua hoạt động sản xuất giấy trong cụm công nghiêp Phú Lâm được xả thải đi đâu và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Làng giấy Phú Lâm và sự thật ô nhiễm - Ảnh 3
Làng giấy Phú Lâm và sự thật ô nhiễm - Ảnh 4
Nước thải không qua xử lý chảy ra gây ngập ngụa đường giao thông trong cụm công nghiệp Phú Lâm.

Cụm công nghiệp làng nghề giấy Phú Lâm có cả trăm doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, từng giúp nhiều gia đình giàu lên nhờ nghề tái chế giấy. Nhưng sự giàu có của một số hộ từ làng nghề, cộng với sự yếu kém trong quản lý của địa phương lại đang làm cho hàng trăm hộ dân khác nghèo đi và nguy cơ bệnh tật vì ô nhiễm môi trường. Chính quyền huyện dường như bất lực trước việc ngăn chặn ô nhiễm, chính quyền tỉnh thì vẫn đang loay hoay tìm giải pháp trong những năm qua. Còn người dân nơi đây chờ đợi môi trường được cải thiện trong tuyệt vọng khi hết năm này qua năm khác chính quyền địa phương hứa cùng nhiều giải pháp đưa ra, nhưng ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm, thậm chí có phần nghiêm trọng hơn.

Làng giấy Phú Lâm và sự thật ô nhiễm - Ảnh 5
Rác thải, nước thải đen sì ở CCN giấy Phú Lâm. Đến ruồi, nhặng cũng không sống nổi chứng tỏ mức độ độc hại về ô nhiễm môi trường ở đây là vô cùng nguy hiểm.

Theo ông Xuân, mỗi ngày một doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Lâm trung bình sản xuất ra chừng 50-70 tấn giấy hàng hóa. Các doanh nghiệp đóng thuế cho ngân sách Nhà nước khoảng 6-7 tỉ đồng. Thế nhưng, trái ngược với những đóng góp về kinh tế, môi trường nơi đây đã bị hủy hoại và đánh đổi một cách không thương tiếc.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Làng giấy Phú Lâm và sự thật ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới