Thứ năm, 25/04/2024 15:38 (GMT+7)
Thứ sáu, 09/04/2021 09:01 (GMT+7)

Chuyển đổi làng nghề ô nhiễm nhất Bắc Ninh thành cảng cạn

Theo dõi KTMT trên

Làng giấy Phong Khê quanh năm mịt mờ khói bụi, dân sống mòn trong ô nhiễm là tình trạng xẩy ra đã nhiều năm. Mới đây tỉnh Bắc Ninh có quyết định chuyển đổi thành cảng cạn IDC và dịch vụ logicstics.

Ô nhiễm bủa vây

Làng nghề Giấy Phong Khê có từ hàng trăm năm được khôi phục, phát triển mạnh từ năm 1994 trở lại đây. Hiện nay, toàn phường Phong Khê có khoảng 212 cơ sở sản xuất giấy các loại, gồm 254 dây chuyền sản xuất, công suất khoảng 250.000 tấn giấy/năm nhưng cũng chính vì nghề này người dân đang phải chịu những hệ lụy nặng nề từ ô nhiễm môi trường.

Đến làng nghề sản xuất giấy Phong Khê thời gian nào trong ngày mọi người đều dễ dàng nhìn thấy hàng loạt cột khói đen xì xả thẳng vào không trung khiến không khí nơi đây trở nên bí bách, ngột ngạt. Đứng giữa làng nghề giấy Phong Khê, bất kỳ ai cũng cũng cảm nhận sự khó chịu bởi thứ mùi khét lẹt xộc đến, không gian đặc quánh mùi khét.

Những ngôi nhà hai bên đường của làng nghề đều được nhuộm màu khói bụi, nhiều mảng tường đen như bồ hóng, khiến các căn nhà 2, 3 tầng kiên cố trông như "lâu đài" cổ kính, vắng chủ lâu ngày.

Trước đây đã có một số doanh nghiệp thu mua nhựa cao su, rác thải công nghiệp rồi vải vụn tại các xưởng may về làm nguyên liệu đốt lò, nhưng hiện tại đã không còn việc này. Theo phản ánh của người dân địa phương, hiện nay việc đốt lò bằng rác thải của các doanh nghiệp sản xuất giấy ở Phong Khê vẫn còn diễn ra. Việc này tạo nên mùi khét và những đám khói đen đặc. Lúc trước, các doanh nghiệp sản xuất giấy thường chở rác thải về công khai thì hiện nay họ thường lén lút thực hiện việc này để tăng thêm lợi ích về kinh tế.

Chuyển đổi làng nghề ô nhiễm nhất Bắc Ninh thành cảng cạn - Ảnh 1
Cảnh ô nhiễm môi trường khủng khiếp ở làng nghề tái chế giấy Phong Khê.

Bên cạnh đó, nước thải của các gia đình làm nghề tại địa phương vẫn hàng ngày được xả thẳng ra môi trường. Những hôm trời mưa, nước thải lênh láng tràn vào khắp con đường, ngõ ngách vì nước cống không kịp thoát.

Chuyển đổi CCN Phong Khê sang khu đô thị để giảm ô nhiễm

Ô nhiễm và hậu quả của ô nhiễm tại Phong Khê đã quá rõ ràng. Nhưng một điều đáng chú ý, nguyên nhân khiến ô nhiễm khó khắc phục ngoài quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu không đáp ứng kỹ thuật, thì chính ý thức của người dân là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm.

Chỉ tính riêng năm 2014, cơ quan chức năng đã phát hiện và tiêu hủy 383 tấn rác thải dùng để đốt lò hơi sản xuất giấy ở Phong Khê. Và trước đó, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư rất nhiều dự án thoát nước và xử lý môi trường nhưng không đem lại hiệu quả, ở thời điểm hiện tại theo quan sát của PV dù có nhà máy xử lý nước thải, nhưng hiện nay nhiều cơ sở sản xuất giấy vẫn xả trực tiếp ra môi trường.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có quyết định số 119/QD-UBND về việc "Phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết Khu cảng cạn và dịch vụ logistics tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh và xã Đông Phong, huyện Yên Phong".

Theo quyết định này, khu vực nghiên cứu quy hoạch thuộc địa phận phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh và xã Đông Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có diện tích khoảng 94,53 ha, trong đó diện tích Khu cảng cạn ICD và dịch vụ logistics khoảng 87,12 ha.

Mục tiêu của việc quy hoạch lập khu cảng cạn ICD và dịch vụ logistics Phong Khê nhằm cụ thể hóa nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, phát triển dịch vụ vận tải nội địa, giao nhận vận tải, dịch vụ logistics và cảng cạn hiện đại, đầy đủ các chức năng.

Khu cảng cạn ICD và logistics được chia làm 2 khu chính là đất làm cảng cạn và đất làm dịch vụ logistics với đầy đủ các chức năng hiện tại, đáp ứng nhu cầu vận tải, hàng hóa, thông quan.

Đề án chuyển đổi CCN Phong Khê sang Khu đô thị và Logistic, cho phép triển khai các dự án đốt rác thải làng nghề có công nghệ xử lý khí thải đạt quy chuẩn môi trường để cung cấp hơi cho các cơ sở trong làng nghề Phong Khê và cụm công nghiệp Phú Lâm nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí và rác thải.

Về lộ trình của Đề án, đến năm 2030 sẽ chấm dứt toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp, hộ sản xuất giấy; chuyển đổi Cụm công nghiệp Phong Khê I và các cơ sở sản xuất trong khu dân cư thành trung tâm logistic, dịch vụ kho bãi và thương mại dịch vụ.

Trong nhiều năm qua, làng nghề tái chế giấy Phong Khê (trước kia vốn thuộc huyện Yên Phong) là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Việc sản xuất, tái chế giấy theo quy mô cá thể hộ ở đây gây ô nhiễm cả về không khí, nguồn nước và đất đai gây thiệt hại vô cùng lớn.

UBND tỉnh Bắc Ninh đã từng có nhiều giải pháp để khắc phục và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây nhưng đều không đem lại hiệu quả đáng kể trừ khi chuyển đổi toàn bộ làng nghề này sang mục đích khác.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi làng nghề ô nhiễm nhất Bắc Ninh thành cảng cạn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Campuchia quyết tâm xây kênh đào Phù Nam Techo
Thủ tướng Camphuchia Hun Manet khẳng định rằng kênh đào Phù Nam Techo, với chi phí xây dựng 1,7 tỷ USD sẽ chỉ phục vụ việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước và không gây ra mối đe dọa an ninh nào cho các quốc gia khác.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.