Thứ sáu, 22/11/2024 21:46 (GMT+7)
Thứ năm, 30/03/2023 14:25 (GMT+7)

Lâm Đồng vững vàng vươn xa trên tiến trình hội nhập

Theo dõi KTMT trên

Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chương trình hành động hướng đến mục tiêu tới năm 2030, tỉnh cơ bản có nền công nghiệp hiện đại, bền vững, có tính cạnh tranh cao, một số sản phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế.

Thực hiện Nghị quyết số 29, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nghị quyết 29); Kế hoạch số 13, ngày 28/11/2023 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chương trình hành động hướng đến mục tiêu tới năm 2030, tỉnh cơ bản có nền công nghiệp hiện đại, bền vững, có tính cạnh tranh cao, một số sản phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế; nền nông nghiệp phát triển nhanh, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ trên cơ sở thực tiễn.

Phấn đấu cơ bản có nền công nghiệp hiện đại, bền vững vào năm 2030

Tỉnh đặt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7,5 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 135 triệu đồng, tương đương 5.100 USD. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 13 - 14,5%/năm; tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 14,7 - 16,5%/năm và chiếm khoảng 65% cơ cấu ngành công nghiệp.

Lâm Đồng vững vàng vươn xa trên tiến trình hội nhập - Ảnh 1

Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Chương trình hành động của Tỉnh ủy đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như: Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Riêng đối với lĩnh vực công nghiệp - thương mại, Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ sẽ tập trung phát triển công nghiệp có chọn lọc, các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh theo Nghị quyết số 13, ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Duy trì phát triển ổn định, bền vững thủy điện; tăng cường thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ phát triển và lưu trữ năng lượng tái tạo; ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án năng lượng tái tạo có tiềm năng ở những nơi phù hợp, bảo đảm không tác động đến rừng tự nhiên, hạn chế tác động môi trường sinh thái, không ảnh hưởng đến khu vực an ninh, quốc phòng; nghiên cứu khả năng cung cấp điện tại chỗ để phát triển ngành luyện kim nhôm; xây dựng hệ thống lưới điện đồng bộ để vận hành hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực, bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

Phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo; quan tâm đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng, hệ thống giao thông, hệ thống xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp...; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, phương án phát triển các khu, cụm công nghiệp; tăng cường thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước vào các khu, cụm công nghiệp, bảo đảm tính khả thi, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường; hạn chế những ngành, nghề phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm môi trường...

Xây dựng và phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, cụm công nghiệp để giải quyết chỗ ở cho công nhân, nhằm thu hút nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật giỏi, công nhân lành nghề từ nơi khác về làm việc.

Hình thành trung tâm Logistics tại TP Bảo Lộc và trung tâm Logistics chuyên dụng gắn liền hoặc có đường giao thông thuận tiện, kết nối trực tiếp đến cảng hàng không Liên Khương để phát triển Logistics tỉnh Lâm Đồng. Phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, dịch vụ không tiếp xúc trên toàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; nông nghiệp, nông thôn; văn hóa, du lịch; và công tác phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục các nguồn gây ô nhiễm môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào bảo vệ môi trường, thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế về bảo vệ môi trường.

Lâm Đồng là tỉnh nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên có độ cao chênh lệch từ 300 - 1.500m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình từ 18-25oC với diện tích 9.773,54 km2. Phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bình Thuận; phía Đông giáp tỉnh Khánh Hòa - tỉnh Ninh Thuận; phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông và phía Tây Nam giáp tỉnh Đồng Nai - tỉnh Bình Phước.

Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính gồm 2 thành phố và 10 huyện; thành phố Đà Lạt là Trung tâm hành chính kinh tế của tỉnh. Dân số toàn tỉnh trên 1,3 triệu người với 43 dân tộc sinh sống. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - là Khu vực năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là thị trường có nhiều tiềm năng lớn.

Thiên Anh

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng vững vàng vươn xa trên tiến trình hội nhập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới