Tỉnh Lâm Đồng rà soát, xử lý việc cho bên thứ 3 thuê làm dự án điện mặt trời tại KCN Lộc Sơn
Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các đơn vị liên quan rà soát, xử lý việc cho bên thứ 3 thuê làm dự án điện mặt trời tại KCN Lộc Sơn, TP. Bảo Lộc.
Theo đó, ngày 28/3 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp đã ký văn bản số 2232/UBND-ĐC1 về việc kiểm tra, rà soát, tham mưu xử lý các trường hợp để bên thứ 3 hoạt động dự án điện năng lượng mặt trời trong Khu công nghiệp Lộc Sơn, TP. Bảo Lộc.
Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, rà soát, tổng hợp các trường hợp để cho bên thứ 3 hoạt động dự án điện mặt trời (bao gồm cả trên mái nhà, trên đất,...) tại KCN Lộc sơn, TP. Bảo Lộc; từ đó đánh giá, tham mưu đề xuất hướng xử lý về đầu tư, xây dựng, đất đai, phòng cháy chữa cháy, tác động môi trường,... theo quy định của pháp luật. Báo cáo đề xuất UBND tỉnh trước ngày 15/4.
Liên quan đến vấn đề này, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng đã nêu ra tại Báo cáo số 10/BC - ĐĐBQH ngày 22/3 về Kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý Khu công nghiệp tăng cường kiểm tra các đơn vị trong Khu công nghiệp cho thuê mái nhà để các đơn vị thứ 3 hoạt động dự án năng lượng mặt trời phải đảm bảo các điều kiện về xây dựng, phòng cháy chữa cháy và đánh giá tác động môi trường theo quy định.
Cũng theo báo cáo của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng thể hiện, toàn tỉnh Lâm Đồng có 1.041 hệ thống điện mặt trời áp mái. Tổng công suất lắp đặt gần 300MW cho sản lượng khoảng 420 triệu kWh/năm, trong đó, phát lên lưới điện gần 373 triệu kWh. Tuy nhiên, trong số 1.041 hệ thống điện mặt trời áp mái hầu hết có công suất dưới 1MW.
Qua giám sát cho thấy, việc quản lý điện mặt trời tại địa phương có những sơ hở, thiếu sót trong đầu tư, xây dựng, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, mua bán điện, đấu nối vào lưới điện quốc gia. Nhiều hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên đất nông nghiệp có kết hợp phát triển trang trại tổng hợp, trồng trọt (theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT), nhưng trong thực tế các chủ trang trại đầu tư hệ thống điện mặt trời để bán điện, còn mô hình trang trại chậm được triển khai hoặc làm chiếu lệ.
Bên cạnh đó, báo cáo của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng nêu rõ, quá trình phát triển nguồn năng lượng tái tạo để phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương có ảnh hưởng nhất định đến môi trường, tác động giảm diện tích rừng phòng hộ, tăng diện tích đất ngập nước, thay đổi mục đích sử dụng đất, thay đổi nguồn nước, giảm lưu lượng nước thủy vực từ sau đập đếp nhà máy....
Để thực hiện chuyển dịch năng lượng và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thì cần phải đẩy mạnh phát triển thủy điện, thủy điện tích năng, điện gió và điện mặt trời, đến nay thủy điện tích năng cũng chỉ mới ở khảo sát, đánh giá tiềm năng để xem xét đầu tư trong thời gian tới.
Đối với điện mặt trời áp mái do các hộ dân đầu tư, việc thu gom, xử lý các tấm pin hư hỏng do chưa có quy định rõ ràng về tiêu chuẩn, quy chuẩn, trách nhiệm, về quy trình thu gom, xử lý; trong quá trình đầu tư các hộ không đầu tư xây dựng kho chứa, chưa có cam kết thu gom của các đơn vị cung cấp nên việc xử lý tấm pin hư hỏng trong quá trình vận hành khó được kiểm soát, quản lý, nếu không được xử lý tốt sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường.
H.Thuận