Lâm Đồng: Thúc đẩy du lịch sinh thái, du lịch xanh bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu
Những năm qua, để phát huy thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, Lâm Đồng đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, kinh nghiệm, đầu tư phát triển các dự án du lịch có quy mô lớn trên địa bàn.
Vùng đất nhiều tiềm năng
Với điều kiện đặc thù về khí hậu, cảnh quan, Lâm Đồng có lợi thế rất lớn để phát huy những thế mạnh, đặc trưng về sản phẩm du lịch khi liên kết với các tỉnh, thành khác để thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nội địa.
Lâm Đồng đã xây dựng được mô hình du lịch canh nông với hơn 30 điểm, giúp du khách được trải nghiệm cuộc sống của những người nông dân trồng rau, hoa, tìm hiểu về hoạt động sản xuất, canh tác và tham gia cùng gia đình người dân các hoạt động nông nghiệp; hệ thống rừng nguyên sinh, sông, hồ, suối, thác... đa dạng để tổ chức các hoạt động du lịch dã ngoại, thể thao mạo hiểm, như leo núi, cắm trại, đua xe đạp địa hình, vượt thác, golf...
Ngoài ra, Lâm Đồng có Vườn Quốc gia Cát Tiên là một trong 8 khu vực đất ngập nước Ramsar của Việt Nam, là một trong 9 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận của Việt Nam; Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà là một trong 30 vườn quốc gia nằm trong hệ thống các Vườn Quốc gia Việt Nam, được đánh giá là một trong 221 khu xem chim của thế giới và là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Lang Biang thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới.
Cùng với lợi thế cho các loại hình du lịch tham quan, du lịch dã ngoại, du lịch sinh thái... thích hợp để tổ chức hội nghị, hội thảo kết hợp với nghỉ dưỡng, Lâm Đồng còn có hệ sinh thái đa dạng, khí hậu ôn hòa và đặc biệt, thành phố Đà Lạt vẫn còn đặc trưng của “thành phố trong rừng - rừng trong thành phố” rất lý tưởng để tổ chức loại hình du lịch xanh hấp dẫn du khách.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng còn là tỉnh có tính đa dạng sinh học cao nhờ hệ sinh thái rừng và tài nguyên nước. Toàn tỉnh hiện có khoảng 60 sông, suối có chiều dài trên 10 km; mật độ sông suối 0,18 - 1,1 km/km2.
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua nghiên cứu thực tế lòng hồ, mặt nước của Lâm Đồng so với một số địa phương khác, chúng tôi nhận thấy, tài nguyên lòng hồ, mặt nước ở Lâm Đồng rất lớn góp phần phục vụ kinh tế xã hội tỉnh Lâm Đồng quá khứ, hiện tại và tương lai; không chỉ góp phần đảm bảo cân bằng nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mà còn cung cấp, điều hoà tài nguyên nước cho các tỉnh Miền Đông Nam Bộ và một số tỉnh miền Tây Nam bộ.
Ưu tiên phát triển du lịch xanh, bền vững
Để khai thác lợi thế tiềm năng lòng hồ, mặt nước bền vững thích ứng với bền đồi khí hậu, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cần phải chú ý đến 7 nội dung sau. Thứ nhất, tập trung quản lý bảo vệ rừng. Quản lý bảo vệ rừng là nhiệm vụ thường xuyên liên tục, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Lâm Đồng có diện tích rừng khá lớn, đến cuối năm 2022 Lâm Đồng có 539.403 ha rừng; trong đó, rừng tự nhiên là 455.432 ha, rừng trồng: 84.082 ha. Theo quy hoạch 3 loại rừng, rừng đặc dụng 81.847 ha, rừng phòng hộ 151.515 ha, rừng sản xuất 306.042 ha.
Đây là tài sản quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Lâm Đồng, do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục công tác quản lý bảo vệ rừng, thực hiện nghiêm túc kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025, sau 2 năm thực hiện đã trồng 14.1 triệu cây xanh đạt 28,3%.
Khi thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng tốt chính là bào vệ tài nguyên đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên rừng cũng chính là bảo vệ tài nguyên nước. Rừng Lâm Đồng là nơi sinh thuỷ thượng nguồn cho các dòng sông, do đó, rất có ý nghĩa rất lớn về tài nguyên nước không chỉ ở tỉnh Lâm Đồng mà còn các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ;
Thứ hai, bảo vệ cảnh quan đồi núi. Lâm Đồng có cảnh quan đồi núi đẹp, nhiều đồi bát úp kế tiếp vừa rừng, đất lâm nghiệp và vừa là đất canh tác nông nghiệp, do đó, trong quá trình canh tác nông nghiêp cần tuân thủ yếu tố thuận thiên canh tác bền vững, hạn chế tối đa và quản lý nghiêm việc san gạt đất để sản xuất nông nghiệp. Nếu không quản lý tốt vấn đề này sẽ gây rửa trôi xói mòn ảnh hưởng lớn đến cảnh quan môi trường và bồi lắng lòng hồ, mặt nước.
Thứ ba, quản lý chất thải rắn, nước thải. Tập trung quản lý chất thải rắn sinh hoạt, rác thải đô thị và rác thải nông thôn; đặc biệt vật tư bao bì phân bón thuốc bảo vệ thực vật. Có giải pháp hiệu quả hơn xử lý chất thải rắn, phân loại rác từ nguồn; các địa phương tiếp tục thu hút đầu tư các nhà máy xử lý rác; quán triệt người dân bỏ rác đúng nơi quy định, đúng khung giờ. Thu hút nhà máy xử lý chất thải rắn nguy hại để xử lý rác thải y tế và chất thải vật tư nông nghiệp. Tập trung quản lý triệt để nước thải các khu, cụm công nghiệp và các nhà máy chế biến nông sản riêng lẻ.
Thứ tư, quản lý hành lang an toàn hồ đập. Hành lan an toàn hồ đập có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đến hiệu suất và tuổi thọ công trình hồ đập, do đó, cần chú trọng quản lý hành lang an toàn hồ đập theo quy định, tuyệt đối không để người dân xâm lấn hành lang an toàn hồ đập để sản xuất nông nghiệp và xây dựng các công trình kiến trúc không chỉ làm mất cảnh quan thiên nhiên mà còn nguy cơ mất an toàn hồ đập.
Thứ năm, quản lý quy trình vận hành hồ chứa an toàn. Các cơ quan chức năng theo thẩm quyền cần chỉ đạo quy trình vận hành an toàn hồ chứa theo đúng quy định pháp luật; đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện, yêu cầu các bên liên quan cần tuân thủ tuyệt đối quy trình vận hành hồ chứa để quản lý, khai thác hồ chứa hiệu quả, an toàn vừa phát triển bền vững kinh tế - xã hội vừa phòng chống thiên tai.
Thư bảy, thu hút các nhà đầu tư chiến lược về du lịch. Có giải pháp quảng bá tiềm năng lòng hồ, mặt nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm thu hút có chọn lọc các dự án du lịch sinh thái bền vững; không gây ô nhiễm môi trường, quá trình kinh doanh du lịch sinh thái cần tạo sản phẩm độc đáo “đặc trưng, đặc hữu, đặc thù”.
Định hướng cho phát triển du lịch cho giai đoạn tới, ngày 25/7/2022, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 18 về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Nghị quyết 18 đề ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp với 25 nội dung trong tâm để phát triển du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt dựa trên nội lực, sức mạnh tổng hợp các ngành kinh tế và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, người dân.
Thiên Anh