Lâm Đồng: Rà soát, xác minh việc suối Đại Lào, sông Đại Bình bị đục và ô nhiễm
Ngày 22/11, Thường trực Thành ủy Bảo Lộc đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, xử lý tình trạng ô nhiễm nguồn nước suối Đại Lào và sông Đại Bình.
Theo đó, Thành ủy Bảo Lộc giao UBND TP Bảo Lộc phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương nhanh chóng rà soát, xác minh các thông tin liên quan đến nguồn nước suối Đại Lào, sông Đại Bình bị đục ngầu, ô nhiễm trong thời gian qua.
Sau khi xác minh, rà soát phải nhanh chóng báo cáo Thường trực Thành ủy Bảo Lộc để kịp thời chỉ đạo xử lý. Nếu phát hiện những đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cần xác định rõ trách nhiệm và xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm.
Theo phản ánh của người dân các xã Đại Lào, Lộc Thành, Lộc Nga, Lộc Châu (nơi dòng suối Đại Lào chảy ra sông Đại Bình (địa bàn phường Lộc Sơn, xã Lộc Nga - TP. Bảo Lộc và xã Lộc Thành - huyện Bảo Lâm), thời gian gần đây nguồn nước suối Đại Lào và sông Đại Bình thường xuyên bị đục ngầu và có dấu hiệu bị ô nhiễm nặng nề.
Cũng theo chia sẻ của người dân, nguồn nước suối này từ thượng nguồn đổ về và đây cũng là nguồn nước chính để sử dụng trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hằng ngày của bà con. Mùa tưới tiêu cho sản xuất đến gần, trước những dấu hiệu này đã khiến bà con nơi đây không khỏi, hoang mang lo lắng.
Chia sẻ với báo chí, một hộ dân trú tại xã Đại Lào, TP.Bảo Lộc cho biết, khoảng 6 năm nay, các doanh nghiệp được nhà nước cấp phép khai thác cao lanh nơi đây, các hộ dân canh tác cà phê không thể dùng được nguồn nước từ dòng suối này để tưới. Chủ yếu cây trồng giờ phụ thuộc vào lượng nước mưa. Đất sản xuất của gia đình càng ngày càng bị khô cằn, cây trồng không phát triển được do nguồn nước khan hiếm. Nhiều lúc làm liều dùng nước từ suối để tưới nhưng cây trồng bị chết dần.
Nhận định về nguồn cơn khiến nguồn nước xuất hiện dấu hiệu ô nhiễm, người dân cho rằng nguyên nhân là do tác động từ những hoạt động khai thác khoáng sản (khai thác đất, cao lanh, cát ven suối Đại Lào), chăn nuôi từ trên thượng nguồn. Không chỉ riêng nguồn nước bị ảnh hưởng mà hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản cũng khiến cho môi trường không khí bị ô nhiễm, những tuyến đường dân sinh nơi đây đang ngày một xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, việc đi lại, vận chuyển nông sản người dân.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, lãnh đạo UBND phường Lộc Sơn cho biết, trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri chưa nhận được những thông tin phản ánh của người dân. Tuy nhiên, ngày 22/11 vừa qua, phường đã nhận được văn bản chỉ đạo củ TP Bảo Lộc về việc kiểm tra, xác minh nội dung thông tin báo chí phản ánh liên quan đến việc ô nhiễm môi trường tại dòng suối Đại Lào và phường cũng đang chuẩn bị tổ chức kiểm tra để báo cáo.
Trong khi đó, xác nhận với Phóng viên về tình trạng nguồn nước suối Đại Lào bị đục và có dấu hiệu ô nhiễm, ông Đặng Ngọc Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm cho biết, tình trạng này đã xuất hiện nhiều năm nay, người dân cũng phản ánh nhiều lần trông những buổi họp thôn.
Sau khi nhận được phản ánh, UBND xã cũng đã cử cán bộ đi kiểm tra, quá trình kiểm tra trên địa không phát hiện có hoạt động nào khiến nguồn nước suối bị đục và xã cũng phản hồi lại với người dân nguyên nhân là do hoạt động khai thác trên thượng nguồn phía TP Bảo Lộc, không phải vi phạm thuộc địa bàn xã Lộc Thành nên không xử lý được.
“Mỗi lần họp hành ở thôn thì người dân cũng nêu ý kiến và mong muốn nhà nước có cách nào đó để nước đổ xuống đục ngàu thì tưới cây trồng cũng không được tốt. Cá tôm, sinh vật dưới nước cũng hạn chế đi. Mình thấy môi trường đó thì mình biết ngay và dân cũng không đồng tình lắm.
Đại diện cho người dân ở xã, với cương vị lãnh đạo địa phương cũng muốn cơ quan nhà nước kiểm tra, có hình thức xử lý ngăn chặn làm sao để cho doanh nghiệp đừng xả nước để ô nhiễm ra dòng sông như thế không đảm bảo. Thậm chí sinh hoạt dân cũng lấy nước về sinh hoạt cũng không được, cây trồng, vật nuôi cũng bị ảnh hưởng”, ông Thanh chia sẻ.
Thanh Tùng