Thứ sáu, 22/11/2024 21:54 (GMT+7)
Thứ tư, 23/11/2022 07:16 (GMT+7)

Lâm Đồng: Đặt mục tiêu không còn diện tích nhà kính tại khu vực nội ô Đà Lạt

Theo dõi KTMT trên

Nhiều năm trở lại đây, việc phát triển nhà kính, nhà lưới thiếu kiểm soát tại TP. Đà Lạt không chỉ gây ra nhiều hệ luỵ về môi trường, đời sống người dân, mà còn làm xấu cảnh quan, mỹ quan đô thị của thành phố.

Diện tích nhà kính có xu hướng tăng hằng năm

Được biết, diện tích tự nhiên của tỉnh Lâm Đồng hiện có là 978.334 ha, trong đó khoảng 300.000ha là đất sản xuất nông nghiệp (SXNN); tổng diện tích gieo trồng đạt 381.688ha, tổng diện SXNN ứng dụng công nghệ cao đạt 60.200ha.

Theo thống kê, doanh thu bình quân trên toàn toàn tỉnh đạt gần 180 triệu đồng/ha. Trong đó, diện tích rau ứng dụng công nghệ cao đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm; hoa 800 triệu - 1,2 tỉ đồng/ha/năm; chè chất lượng cao đạt 250 triệu đồng/ha/năm, đặc biệt có một số mô hình sản xuất hoa đạt doanh thu từ 8-10 tỉ đồng/ha.

Đánh giá tại khu đất được ứng dụng công nghệ cao, các đơn vị chuyên môn cho biết: Tại những nơi này, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với sản xuất thông thường, mà cụ thể là năng suất bình quân cao hơn 30%-50%.

Nhìn nhận thực tế, để có thể đạt được những kết quả tích cực như trên, cần phải nhắc đến hiệu quả từ việc ứng dụng nhà kính. Đây được xem là một trong những giải pháp kỹ thuật được người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ưu tiên đầu tư xây phục vụ SXNN. Do vậy, diện tích nhà kính tại đây luôn có xu hướng tăng đều hàng năm.

Lâm Đồng: Đặt mục tiêu không còn diện tích nhà kính tại khu vực nội ô Đà Lạt - Ảnh 1
Nhà kính được xem là một trong những nguyên nhân khiến Đà Lạt ngập sâu chỉ sau vài giờ mưa lớn (Ảnh- Tuyết Mai)

Năm 2020 diện tích nhà kính toàn tỉnh đã tăng lên đến 4.342,8ha, diện tích nhà lưới 2.458,6ha. Trong khi vào thời điểm cuối năm 2015, diện tích nhà kính toàn tỉnh chỉ đạt 3.147,5ha, diện tích nhà lưới 510ha.

Theo báo cáo của tỉnh, đến năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng có 4.476,2 ha diện tích nhà kính. Trong đó, TP. Đà Lạt có diện tích nhà kính chiếm tỷ lệ cao nhất là 2.554 ha (57,1%), Lạc Dương 944,7 ha (21,1%), Đơn Dương 470 ha (10,5%), Đức Trọng 268 ha (6,0%), Lâm Hà 179,4 ha (4,0%), phần diện tích còn lại rải rác tại TP. Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Đam Rông và các huyện khác.

Tính tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp của TP. Đà Lạt rơi khoảng 10.500 ha, trong đó diện tích nhà kính 2.554 ha, chiếm 24,32% tổng diện tích canh tác và 50,05% thuộc diện tích để người dân canh tác rau, hoa.

Tuy nhiên, qua một số khảo sát thực tế của cơ quan chuyên môn, hiện nay, vấn đề phát triển nhà kính tại khu vực đang gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể như việc phát triển loại hình này chưa có quy định, hướng dẫn rõ ràng để người dân, doanh nghiệp thực hiện; có một số loài cây trồng không nhất thiết phải trồng trong nhà kính nhưng người dân vẫn tự trồng trong nhà kính.

Quá trình phát triển nhà kính chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa có quy định tỷ lệ được làm nhà kính trên tổng diện tích đất, đặc biệt là khu vực nội đô TP. Đà Lạt và các khu vực hành lang bảo vệ hồ đập, sông, suối, kênh mương thủy lợi.

Hiện, nhà kính vẫn đang được người dân làm ngay trong nội đô thành phố với mật độ dày đặc tại các khu vực như: Phường 12 (tỷ lệ diện tích nhà kính/diện tích canh tác chiếm 83,7%); phường 5, 7 và phường 8 trên 60%. Trong khi, tại các xã Tà Nung, Trạm Hành, Xuân Trường diện tích nhà kính chỉ chiếm từ 10 - 25%.

Hệ luỵ từ việc dựng nhà kính tỷ lệ cao trên một đơn vị diện tích đất canh tác như vậy  là xảy ra tình trạng thiếu các mảng cây xanh, đường giao thông trong khu sản xuất ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, phát triển du lịch tại địa phương.

Bên cạnh đó, các khu vực SXNN trong nhà kính cũng chưa được đầu tư hệ thống thoát nước, kênh mương thủy lợi, ao hồ thu nước đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước kịp thời trong mùa mưa; làm thời gian tập trung lũ nhanh, gây xói mòn đất, ngập úng cục bộ.

Đến năm 2030, TP. Đà Lạt không còn nhà kính

Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Lâm Đồng đã gửi văn bản kèm dự thảo đề án “Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” đến các Sở, ngành, UBND các địa phương, doanh nghiệp, trang trại sản xuất nông nghiệp có sử dụng mô hình nhà kính trên địa bàn để lấy ý kiến về vấn đề này.

Mục tiêu mà đề án là góp phần giúp tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm dần, tiến tới kết quả không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP. Đà Lạt và các huyện lân cận, tính đến thời điểm sau năm 2030.

Lâm Đồng: Đặt mục tiêu không còn diện tích nhà kính tại khu vực nội ô Đà Lạt - Ảnh 2
Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu 8 năm nữa, nội đô Đà Lạt sẽ không còn nhà kính (Ảnh minh hoạ)

Đồng thời, qua đó có thể chuyển dần sang định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường nhưng vẫn phải đảm bảo lợi ích kinh tế cho người nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến hơn 179 tỉ đồng, bao gồm: Kinh phí từ ngân sách nhà nước hơn 3,5 tỉ đồng, kinh phí của tổ chức, cá nhân hơn 172,6 tỉ đồng và vốn lồng ghép hơn 2,6 tỉ đồng.

Tại đề án, Sở NN-PTNT đã đề nghị các ban ngành phối hợp xây dựng lộ trình cụ thể, làm rõ diện tích giảm diện tích nhà kính hằng năm theo hiện trạng, để đến năm 2030 các phường tại TP. Đà Lạt không còn nhà kính.

Tập trung nhân lực rà soát, xem xét quy định mật độ nhà kính đối với các dự án phải cấp phép xây dựng, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất, lợi ích nhà đầu tư, phù hợp với môi trường cảnh quan và có báo cáo sớm nhất gửi về Sở.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Đặt mục tiêu không còn diện tích nhà kính tại khu vực nội ô Đà Lạt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới