Lâm Đồng: Nhiều tồn tại liên quan đến nhà máy xử lý rác thải rắn TP. Đà Lạt
Xử lý rác vượt công suất, tiến độ đầu tư chậm, không thực hiện đúng mục tiêu, chưa xây dựng hệ thống thu gom, xử lý mùi,… là những tồn tại liên quan đến Nhà máy xử lý rác thải rắn Đà Lạt.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo chi tiết về dự án Nhà máy xử lý rác thải rắn TP.Đà Lạt (tiểu khu 163B, xã Xuân Thọ, TP.Đà Lạt) của Công ty TNHH Môi trường năng lượng Xanh. Theo đó, dự án đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại Quyết định số 538/QĐ-UBND ngày 08/03/2012.
Quá trình đầu tư, dự án đã đầu tư được một số hạng mục như: Dây chuyền phân loại rác bán tự động; Hệ thống sàn lọc rác tách phân compost thô, hệ thống tách và ép nilon, 3 lò đốt rác (trong đó 1 lò công suất 50 tấn/ngày và 02 lò công suất 15 tấn/ngày) và xưởng chế biến phân compost (xây dựng hoàn chỉnh khu vực nhà xưởng và khu vực ủ phân bằng sân ủ bê tông nhưng chưa lắp đặt các thiết bị phục vụ cho sản xuất phân).
Tuy nhiên, hiện nay Công ty TNHH Môi trường năng lượng Xanh chỉ thực hiện được một phần nội dung về bảo vệ môi trường theo yêu cầu tại ĐTM đã được phê duyệt và còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Đối với các tồn tại, hạn chế Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho biết, Nhà máy xử lý rác thải rắn TP.Đà Lạt có tiến độ đầu tư chậm và không thực hiện đúng mục tiêu, cam kết đầu tư như: Sản xuất phân vi sinh, gạch block, hạt nhựa, dầu DO,… mà chỉ dừng lại ở giai đoạn xử lý đốt rác là chủ yếu.
Cùng với đó, khu vực dự án nhà má có đào một số mương xung quanh khu vực chứa ác để gom nước mưa chảy tràn và nước rỉ rác từ bài tập kết rác làm nguyên liệu sản xuất phân vi sinh. Tuy nhiên, mương nước chưa được lót bạt có nguy cơ thẩm thấu nước rỉ rác vào đất, đồng thời đây là mương đất nên kết cấu không vững chắc, dễ có nguy cơ sạt lở khi trời mưa. Ngoài ra, dự án chưa xây hệ thống thu gom, xử lý mùi tại phân xưởng phân loại chế biến rác và hệ thống xử lý khí thải từ lò đốt rác.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại nêu trên là do Công ty TNHH Môi trường năng lượng Xanh đang gặp một số khó khăn trong hoạt động xử lý rác như: Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chi phí đầu tư tăng, không có sản phẩm đầu ra đề bù đắp một phần chi phí xử lý rác, thành phần rác đa dạng chưa được phân loại tại nguồn, có độ ẩm cao,… dẫn đến tình trạng nahf máy không xử lý kịp lượng rác thải nhập vào. Mặt khác, công suấ theo thiết kế thực hiện dự án là 200 tấn/ngày nhưng công suất thực tế xử lý khoảng 280 tấn/ngày (trong năm 2021) và khoảng 340 tấn/ngày (trong 9 tháng đầu năm 2022). Lượng rác tập trung để đốt có khối lượng không lớn so với lượng rác hiện đang tồn tại; Các chất trơ và không đốt được hiện đang lưu trữ tại nhà máy.
Đối với kiến nghị tạm dừng tiếp nhận và xử lý rác đối với nhà máy rác nêu trên của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Hiện nay, việc xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP Đà Lạt đã và đang gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân do Nhà máy xử lý rác thải rắn Đà Lạt đi vào vận hành nhưng đến nay vẫn chưa đầu tư hoàn chỉnh dây chuyền, công nghệ và thiết bị xử lý rác; Các công trình, biên pháp bảo vệ môi trường chưa được xây dựng theo đúng quy định; Quy trình xử lý chưa đồng bộ; Hoạt động của nhà máy không ổn định nên không xử lý hết khối lượng rác phát sinh hàng ngày, dẫn đến khối lượng rác còn tồn đọng nhiều. Vì vậy, việc tạm dừng tiếp nhận và xử lý rác của Nhà máy xử lý rác thải rắn Đà Lạt sẽ tác động lớn đến công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung.
Từ đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đề xuất tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư khác có đầy đủ năng lực đề đầu tư bổ sung máy móc thiết bị, kết cấu hạ tầng đối với các hang mục còn thiếu, phù hợp với yêu cầu xử lý hiện nay để Nhà máy xử lý rác thải rắn Đà Lạt hoạt động đồng bộ. Trường hợp Nhà máy xử lý rác thải rắn Đà Lạt vẫn tiếp tục hoạt động phải dầu tư xây dựng, hoàn thành các hạng mục, công trình xử lý chất thải theo quy định hiện hành và tiến hành lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Nhà máy xử lý chất thải rắn TP.Đà Lạt, do Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh ( trụ sở tại TP.HCM) làm chủ đầu tư và được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2010 xây dựng trên diện tích 28ha. Tổng vốn đầu tư của dự án là 381,1 tỷ đồng với công suất thiết kế 200 tấn rác thải/ngày, giai đoạn 1 của dự án chính thức được đưa vào hoạt động từ tháng 7/2015. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy nhiều lần gặp phải khó khăn trong công tác vận hành, bị quá tải trong xử lý rác và có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường. Đỉnh điểm, tháng 8/2018, Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh đã bị Công an tỉnh Lâm Đồng phát hiện chôn lấp rác xung quanh khu vực nhà máy. Sau đó công ty bị xử phạt hành chính 350 triệu đồng.
Thanh Tùng