Lâm Đồng: Kiên quyết xử lý dự án đầu tư công chậm tiến độ
UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ kiên quyết thu hồi phần vốn đã phân bổ và không xem xét cấp lại vốn cho các dự án đầu tư công.
Đó là chỉ đạo của ông Trần Văn Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trong buổi thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc các dự án đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP.Đà Lạt ngày 11/5.
Sau khi kiểm tra các dự án Đường vành đai Đà Lạt, mở rộng, nâng cấp đường Phan Đình Phùng; Sân vận động Đà Lạt; Mở rộng một phần đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và dự án Nâng cấp, mở rộng đường Lữ Gia, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng về cơ bản đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, không khí công trường còn chưa được sôi động, một số dự án nhân công các nhà thầu triển khai không đủ số lượng, ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành các hạng mục theo cam kết với chủ đầu tư.
Như tại dự án xây dựng Sân Vận động Đà Lạt có công suất 20.000 chỗ ngồi thuộc dự án Khu liên hợp Văn hóa Thể thao tỉnh Lâm Đồng (có tổng mức đầu tư 300 tỉ đồng, vốn ngân sách Nhà nước khoảng 274,7 tỉ đồng, vốn xã hội hóa 26 tỉ đồng) do UBND tỉnh làm chủ đầu tư theo cam kết ban đầu tới tháng 2/2022 sẽ hoàn thành do nhiều nguyên nhân đã được UBND tỉnh gia hạn tiến độ hoàn thành hết tháng 6/2022.
Nhưng tới thời điểm này, các nhà thầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục chậm tiến độ đã cam kết do còn nhiều hạng mục sân vận động chưa được thi công hoàn chỉnh. Trong khi đó, theo báo cáo từ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Khu Văn hoá Thể thao tỉnh, hiện dự án này mới giải ngân được 170 tỉ đồng (đạt 56,6%).
Sau khi kiểm tra, ông Trần Văn Hiệp nhận định tiến độ một số hạng mục dự án trên vẫn còn khá chậm của các đơn vị nhà thầu, số lượng công nhân, kỹ sư tại thời điểm kiểm tra trên công trường chỉ tầm 60 người, không đảm bảo về nhân lực và tiến độ thi công đối với công trình trọng điểm của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đông nhấn mạnh, theo cam kết của các bên, dự án sân vận động Đà Lạt sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6/2022 nhưng nếu không có các giải pháp nỗ lực thi công, cải thiện hiệu suất làm việc thì rất khó đạt mục tiêu đề ra.
Ông Hiệp yêu cầu lãnh đạo các Sở, đơn vị liên quan có động thái làm việc với các nhà thầu đẩy nhanh nhân lực thi công công trình Sân vận động Đà Lạt, trường hợp các nhà thầu tiếp tục chậm tiến độ sẽ tiến hành lập hồ sơ xử phạt theo quy định.
Tại dự án Đường vành đai Đà Lạt, ông Hiệp đề nghị đơn vị chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra, giám sát tiến độ và chất lượng công trình theo kế hoạch đề ra, bên cạnh đó các đơn vị liên quan đánh giá kỹ tác động của công trình đối với môi trường, tránh để việc thi công ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và đặc biệt là tránh tác động đến diện tích rừng tại những nơi có tuyến đường đi qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng giao các ngành chức năng cùng lập quy hoạch, thu hồi đất để phát triển quỹ đất, tạo nguồn thu để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Được biết, dự án Đường vành đai Đà Lạt có tổng vốn đầu tư 800 tỉ đồng, dài gần 7,5 km.
Dự án mở rộng, nâng cấp đường Phan Đình Phùng (phường 2, TP.Đà Lạt), ông Hiệp đề nghị đơn vị chủ đầu tư xem xét lại phương án, giải pháp thi công, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng thi công các công trình. Đặc biệt, phải kiểm tra kỹ lại chất lượng các lề đường đã hoàn thành xem có đạt chất lượng không. Đồng thời, các Sở, ngành và UBND TP.Đà Lạt lên phương án, tính toán để ngầm hóa tất các hệ thống dây điện, cáp viễn thông để tạo mỹ quan cho đô thị.
Đối với dự án nâng cấp, mở rộng đường từ ngã 3 Lữ Gia (Phường 9) tới hồ lắng số 1 (hồ Xuân Hương) dài 1,7km với tổng mức đầu tư 138 tỉ đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao việc các hộ dân tại khu Lữ Gia nằm trên tuyến đường mở rộng, nâng cấp đã phối hợp với chính quyền địa phương, nhà thầu, đơn vị thi công bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để các đơn vị thi công dự án.
Theo chia sẻ của nhà thầu, dự án nâng cấp, mở rộng nêu trên được chia 2 giai đoạn. Hiện nay đã giải ngân được 16 tỉ đồng, tương đương khoảng 20% giá trị xây lắp. Theo hợp đồng, dự án sẽ hoàn thành trong 3 năm, bắt đầu từ tháng 9/2021. Nếu chủ đầu tư bố trí vốn đầy đủ, việc bàn giao mặt bằng diễn ra thuận lợi, dự án nhiều khả năng sẽ hoàn thành tốt trong 2 năm.
Riêng việc mở rộng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông Hiệp yêu cầu các ngành chức năng và TP.Đà Lạt lên phương án, thiết kế để mở rộng một đoạn đường (đoạn trước Sân vận động Đà Lạt) và quy hoạch đất để kêu gọi các nhà đầu tư tiến hành giải phóng mặt bằng, lập quy hoạch, thiết kế để xây dựng các công trình phụ trợ và các khu nhà ở để tiến hành kêu gọi đầu tư, từ đó có thêm nguồn ngân sách cho tỉnh và thành phố để xây dựng các công trình và hoạt động phát triển kinh tế xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh với lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị tại các dự án, công trình đã được kiểm tra tại TP.Đà Lạt nói riêng và các công trình trên địa bàn cả tỉnh nói chung tinh thần chung là tới ngày 30/6/2022, các dự án phải được giải ngân đúng tiến độ đã cam kết. Đây là chỉ đạo nhất quán của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong việc khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn cả tỉnh.
Trường hợp các dự án của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện và các chủ đầu tư không giải ngân hoặc giải ngân không đạt tiến độ theo yêu cầu, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ kiên quyết thu hồi phần vốn đã phân bổ và không xem xét cấp lại vốn cho các dự án, địa phương, cơ quan, đơn vị đó.
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng, tính đến ngày 4/8/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 trên địa bàn tỉnh đạt 39,6% kế hoạch, chưa đạt so với yêu cầu đề ra của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh.
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao, Sở KH&ĐT đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng để đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao đúng thời gian quy định.
“Các cơ quan, đơn vị tiếp tục xây dựng bảng tiến độ thực hiện và giải ngân cụ thể của từng dự án theo tháng, quý để làm cơ sở triển khai theo kế hoạch, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm 2021. Bảng tiến độ thực hiện và giải ngân gửi Sở để theo dõi, đôn đốc”, Sở KH&ĐT thông báo.
Sở KH&ĐT cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị đôn đốc các đơn vị tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công xây dựng bám sát bảng tiến độ thực hiện của từng dự án, khẩn trương lập kế hoạch thực hiện; Có giải pháp tập trung tối đa nhân, vật lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ.
Đối với các dự án chậm tiến độ, Sở KH&ĐT sẽ đề xuất UBND tỉnh xem xét không bố trí kế hoạch vốn năm 2022 cho dự án.
Thanh Tùng