Lâm Đồng: Rừng vẫn “chảy máu”, lãnh đạo tỉnh yêu cầu thanh tra toàn diện
Trước thực trạng phá rừng diễn biến có chiều hướng gia tăng, phức tạp, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản giao Thanh tra tỉnh yêu cầu thanh tra toàn diện việc lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn.
Sau điều chỉnh quy hoạch, rừng bị tàn phá nặng hơn?
Trước thực trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra tại Lâm Đồng, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại Lâm Đồng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của các cấp chính quyền tại địa phương, các Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, các công ty nông, lâm nghiệp, các cá nhân trong công tác quản lý rừng và đất rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ngay sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký văn bản số 2751/UBND-LN, giao Thanh tra tỉnh chỉ đạo thanh tra toàn diện việc lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, địa phương và đơn vị liên quan thanh tra toàn diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các hồ sơ, thủ tục rà soát, tổng hợp, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các quyết định: Điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh số 2106/QĐ-UBND ngày 9.10.2018 về phê duyệt kết quả điều chỉnh đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 503/QĐ-UBND ngày 8/3/2021 về việc điều chỉnh bổ sung khoản 3, Điều 1 số 2106/QĐ-UBND ngày 9/10/2018.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu việc thanh tra phải hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/8/2022.
Thông tin với báo chí, lãnh đạo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành các quyết định trên, địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng, san ủi đất rừng quy mô lớn, trong đó có những diện tích đang có rừng nhưng đã bị chuyển ra khỏi đất rừng.
Được biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra 57 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, tăng 42 vụ (tăng 280 % số vụ so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, tổng diện tích đất rừng bị lấn chiếm gần 20 ha; có những khu rừng bị triệt hạ thuộc phạm vi vừa điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và các địa bàn để xảy ra tình trạng phá rừng nổi cộm như Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm, Di Linh và hai TP: Đà Lạt và Bảo Lộc.
Nhiều cơ quan, đơn vị cá nhân bị kỷ luật vì thiếu trách nhiệm
Ngày 26/4, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ năm 2018 tới Quý I/2022.
Theo báo cáo, việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong những năm qua đạt được những kết quả nhất định. Số vụ vi phạm, diện tích rừng bị mất, lâm sản thiệt hại đã giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn, diện tích rừng và đất lâm nghiệp vẫn tiếp tục bị phá, lấn chiếm trái pháp luật; tình trạng chống người thi hành công vụ còn diễn ra; đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, áp lực xâm hại đến tài nguyên rừng vẫn đang tiềm ẩn diễn biến phức tạp.
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2018 đến hết Quý I/2022, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 2.856 vụ vi phạm; diện tích rừng bị thiệt hại trong giai đoạn này là 204,21 ha; khối lượng lâm sản bị thiệt hại do phá rừng là 12.240,5 m3; đã phát hiện, lập hồ sơ 1.410 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 431,8 ha.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 322 dự án của 307 doanh nghiệp được giao, cho thuê đất để triển khai dự án đầu tư, với tổng diện tích là 52.722 ha. Số dự án đã thu hồi từ năm 2008 đến nay là 208 dự án, gồm: 172 dự án thu hồi toàn bộ (22.226 ha) và 36 dự án thu hồi một phần (4.242 ha) do vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp; để xảy ra tình trạng phá rừng, mất rừng.
Trong công tác phát triển rừng, giai đoạn từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 3.206,75 ha rừng; trong đó, trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác 885,16 ha, trồng rừng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước 1.783,28 ha, trồng rừng từ nguồn vốn ngoài ngân sách 538,31 ha. Tổng diện tích chăm sóc rừng trồng giai đoạn 2018 đến nay là 10.910 ha. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo và tổ chức trồng rừng mật độ thấp trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ổn định và toàn tỉnh đã trồng được hơn 6 triệu cây xanh các loại theo Đề án trồng 50 triệu cây xanh.
Về xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương điều tra, xác minh, hoàn thiện hồ sơ để kịp thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp; đặc biệt là các vụ vi phạm có tính chất phức tạp, nổi cộm hoặc gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng; đồng thời, chỉ đạo kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan (đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu UBND cấp huyện, UBND cấp xã, đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm,...); qua đó, đã tiến hành xử lý kỷ luật đối với 13 cơ quan, đơn vị; 161 cá nhân do thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật.
Tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện quản lý, bảo vệ rừng như: Một số sở, ban, ngành, địa phương và một số doanh nghiệp được thuê đất, thuê rừng chưa quyết liệt tổ chức thực hiện chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được ngăn chặn triệt để; còn xảy ra các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật có tính chất phức tạp, nổi cộm, gây thiệt hại lớn đến rừng nhưng chậm phát hiện, ngăn chặn và xử lý; vi phạm vắng chủ vẫn chiếm tỷ lệ lớn; số vụ án được hoàn thiện điều tra, đưa ra truy tố, xét xử chiếm tỉ lệ thấp, gây dư luận không tốt.
Tùng Anh