Lâm Đồng khen thưởng các tập thể, cá nhân tham gia ứng cứu vụ sạt lở đèo Bảo Lộc
UBND tỉnh Lâm Đồng khen thưởng 10 tập thể, 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ trong vụ sạt lở xảy ra tại đèo Bảo Lộc.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã ký quyết định về việc tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đối với 10 tập thể và 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ trong vụ sạt lở đèo Bảo Lộc.
Theo quyết định, 10 tập thể được tặng bằng khen, gồm: Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng, Công an huyện Đạ Huoai, Ban Chỉ huy quân sự TP Bảo Lộc, Đội CSGT Công an TP Bảo Lộc, Công an xã Đại Lào cùng 3 doanh nghiệp tại thị trấn Đạ M’ri.
Các cá nhân được tặng bằng khen gồm: ông Lê Văn Dũng (Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự huyện Đạ Huoai), ông Lê Văn Trung (Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng), ông Nguyễn Toàn Trung (Đội trưởng đội chữa cháy và cứu nạn khu vực 4), ông Nguyễn Quốc Tuấn (Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Đại Lào);
Ông Giang Thanh Tùng, ông Nguyễn Văn Thọ, ông Nguyễn Tiến Lâm (cán bộ Đội công tác chữa cháy và cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng), ông Nguyễn Mạnh Cường (Phó trưởng Công an TP Bảo Lộc), bà Trần Thị Đoài (Hội phụ nữ thôn 5 xã Đại Lào), ông Trần Tiến Cảnh (Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Đạ Huaoi), ông Đặng Văn Chinh (Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M’ri) và 1 người dân là ông Lâm Văn Cầu (thôn 3 xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc).
Theo quyết định, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen kèm theo tiền thưởng 20 triệu đồng cho mỗi tập thể, 5 triệu đồng cho mỗi cá nhân.
Như đã đưa tin Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đưa tin trước đó, vụ sạt lở nghiêm trọng chiều 30/7, tại Chốt Cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc, thuộc địa bàn thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, làm 3 cán bộ và 1 người dân bị vùi lấp. Lượng đất đá tràn xuống đường đã hất văng 1 xe ô tô loại 51 chỗ ngồi chắn ngang đèo Bảo Lộc và vùi lấp 1 xe ô tô khác. Giao thông qua đèo Bảo Lộc đã bị chia cắt hoàn toàn.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội và các lực lượng khác; cùng các phương tiện, máy móc để khẩn trương tổ chức tìm kiếm nạn nhân.
Công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ được các lực lượng thay phiên nhau triển khai thường xuyên, liên tục xuyên đêm với tinh thần quyết tâm, trách nhiệm cao nhất. Đến 20 giờ ngày 30/7, các lực lượng đã tìm thấy thi thể 3 nạn nhân bị vùi lấp và đến trưa 31/7 đã tìm thấy nạn nhân còn lại.
Sạt lở là do hệ sinh thái tự nhiên mất đi thảm thực vật
Theo TS Vũ Ngọc Long - Nguyên Viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam cho rằng, tình trạng sạt lở, sụt lún xảy ra vừa qua ở Tây Nguyên đều liên quan đến việc sử dụng đất, canh tác, khai thác nước ngầm, dùng chất hóa học để làm sạch bề mặt... khiến hệ sinh thái tự nhiên mất đi thảm thực vật.
Nhiều người đổ xô trồng cây cao sản, các thảm thực vật đã biến mất, khi gặp mưa to kéo dài, đất ngấm nước tạo thành những dòng chảy ngầm, cấu trúc đất đá bị rã, vỡ sẽ dẫn đến sạt lở, sụt lún.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, việc lạm dụng các chất hóa học làm sạch mặt bằng khiến hệ vi sinh vật đóng vai trò giữ vững kết cấu đất biến mất. Vị chuyên gia cho rằng,cơ quan chức năng cần phải đánh giá việc sử dụng đất và phải đặt vai trò của rừng trong việc chống biến đổi khí hậu lên hàng đầu.
“Kể cả rừng nghèo kiệt cũng không được cải tạo, trồng cao su hay sầu riêng vì nó còn thảm thực vật bên dưới sẽ đóng vai trò chống xói mòn, sạt lở, sụt lún” - TS Vũ Ngọc Long nhấn mạnh.
Uy Tín