Lâm Đồng yêu cầu kiểm tra pháp lý vườn sầu riêng tại điểm sạt lở đèo Bảo Lộc
Liên quan vụ sạt lở đèo Bảo Lộc khiến 4 người thiệt mạng, sáng 1/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo UBND huyện Đạ Huoai kiểm tra tính pháp lý vườn sầu riêng phía sau lưng trạm CSGT Madanguoi.
Thời điểm sạt lở, trạm CSGT Madanguoi đã bị 1/4 phần đất của vườn sầu riêng đổ ập xuống, vùi lấp. Sự cố khiến 3 CSGT trạm CSGT Madanguoi và 1 người dân thiệt mạng. Cùng với đó, một số phương tiện của người dân cũng bị vùi lấp.
Sau khi xảy ra sự cố, nhiều người đặt thắc mắc, có hay không việc chặt bỏ cây rừng để trồng sầu riêng đã tác động, khiến khu đất sạt lở. Trước những thông tin này, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo kiểm tra tính pháp lý vườn sầu riêng để làm rõ nguyên nhân vụ sạt lở.
Vườn sầu riêng mới được trồng từ năm 2019
Được biết, diện tích đất bị sạt trượt gồm một phần diện tích nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, một phần diện tích nằm trong quy hoạch 3 loại rừng thuộc khoanh vùng quản lý miếu Ba Cô.
Đây là khu vực thuộc đất lâm nghiệp do Lâm trường Đạ Huoai quản lý, đến năm 1999 thì bàn giao cho Ban quản lý rừng Nam Huoai quản lý (theo Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 1/9/1999 của UBND tỉnh Lâm Đồng về điều chỉnh Điều 1 Quyết định 781/QĐ ngày 31/3/1998 của UBND tỉnh Lâm Đồng về phê chuẩn phân định ranh giới đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp huyện Đạ Huoai).
Đến năm 2008, phần diện tích khu vực trên (gồm chốt CSGT đèo Bảo Lộc, phần diện tích trồng sầu riêng bị sạt lở và một phần diện tích Miếu Ba Cô) là đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng, với diện tích khoảng 2,7 ha (theo quyết định số 450/QĐ-UBND ngày 19/2/2008 của UBND tỉnh Lâm Đồng về phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2008 - 2020).
Đến năm 2018, tỉnh Lâm Đồng một lần nữa phê duyệt kết quả điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 503/QĐ-UBND ngày 8/3/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc điều chỉnh, bổ sung khoản 3 Điều Quyết định số 2016/QĐ-UBND ngày 09/10/2018.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 2016/QĐ-UBND ngày 09/10/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng thì phần diện tích đất nêu trên (khu vực chốt CSGT) không thay đổi so với Quyết định 2692 được ban hành năm 2013.
Như vậy, phần nhà chốt CSGT không thuộc phần diện tích quy hoạch 3 loại rừng.
Diện tích đất bị sạt trượt bao gồm một phần diện tích nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng và một phần diện tích nằm trong quy hoạch 3 loại rừng thuộc khoanh vùng quản lý miếu Ba Cô đang được trồng sầu riêng.
UBND thị trấn Đạ M'ri (huyện Đạ Huoai) cho biết, vườn sầu riêng nói trên thuộc sở hữu của bà Đặng Thị Lộc (trú thị trấn Đạ M'ri). Bà Lộc đã sinh sống tại địa phương nhiều năm nay và bắt đầu canh tác trên ngọn đồi nói trên từ trước năm 1985 đến nay.
Sầu riêng mới được trồng từ năm 2019 đến nay, trước đó là đất canh tác cây trồng khác. Diện tích vườn sầu riêng khoảng 1,2ha.
Từ hiện trường vụ sạt lở là khu vực đất trồng sầu riêng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, bất cứ thay đổi nào do tác động của con người thì thiên nhiên sẽ có những thay đổi. Với điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lũ bất thường như hiện nay thì tất cả tác động của con người đều có thể gây ra hậu quả.
Quan trọng nhất hiện nay trong phòng chống sạt lở là phải tôn trọng tự nhiên, tôn trọng thiên nhiên. Đây cũng là một trong nhiều bài học để các địa phương rút kinh nghiệm trong ứng phó với sạt lở đất.
Lượng mưa tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái
Trước đó, ngày 31/7, tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Công an tỉnh Lâm Đồng điều tra rõ nguyên nhân vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc. Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lâm Đồng cần mời chuyên gia hoặc người có kinh nghiệm khảo sát địa chất ở khu vực có nguy cơ sạt lở để có cách xử lý an toàn.
Báo cáo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Lượng mưa tập trung ở đèo Bảo Lộc quá lớn và bất thường. Trong 3 ngày tới tiếp tục mưa lớn. Việc cứu hộ cứu nạn sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh Lâm Đồng sẽ sớm nối lại hoạt động giao thông trên quốc lộ 20 và hoàn tất cứu hộ, cứu nạn."
Ông Trương Minh Đương, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, lượng mưa tập trung ở đèo Bảo Lộc quá lớn, gấp 4 lần lượng mưa trung bình của tỉnh Lâm Đồng. Các khu vực lân cận, lượng mưa tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Có thể nói thời điểm này, vùng Bảo Lộc và lân cận có lượng mưa tăng đột biến và kéo dài. Tác động của thời tiết đã khiến đèo Bảo Lộc, ngay chốt đèo Bảo Lộc sạt lở đất gây ra vụ tai nạn", Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng nhận định.
Uy Tín