Lại xuất hiện dịch tả lợn châu Phi sau một tuần công bố hết dịch
Ngay khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhanh chóng tổ chức khoanh vùng ổ dịch, tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng...
Dịch tả lợn châu Phi diễn biến khôn lường, một phần do “thời tiết” |
Ngay sau khi nhận được thông tin xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương thuộc thị xã Hương Trà vào chiều 17/5, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kịp thời đến hiện trường để trực tiếp chỉ đạo lực lượng liên quan khống chế dịch bệnh.
Qua đó, ông Nguyễn Văn Phương đề nghị chính quyền địa phương tổ chức các thủ tục để tiến hành tiêu hủy toàn bộ lợn bị nhiễm bệnh và nghi bị nhiễm bệnh ngay trong chiều 17/5. Bên cạnh đó, tổ chức khoanh vùng ổ dịch, tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng ổ dịch hàng ngày và tiêu độc các phương tiện vận chuyển ra vào khu vực có dịch.
Đồng thời, tiến hành thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển qua địa bàn cũng như việc kiểm soát giết mổ và tiêu thụ sản phẩm thịt vùng có dịch. Đặc biệt, phải tiến hành triển khai ngay công tác tổng rà soát tình hình đàn lợn trên địa bàn thị xã Hương Trà cũng như các địa phương lân cận.
Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đến hiện trường để trực tiếp chỉ đạo lực lượng liên quan khống chế dịch bệnh |
Song song với công tác triển khai các giải pháp khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau đến tận người chăn nuôi về mức độ nguy hiểm của bệnh bịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm túc cam kết 5 không: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Trước đó, ngày 16/5, gia đình ông Lê Quang Chiến (ở Tổ dân phố 6, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà) phát hiện 6 trong tổng đàn lợn 10 con bị bệnh chết nên thông báo đến cơ quan chức năng. Cùng ngày, hộ ông Đặng Ngọc Thọ (ở Tổ dân phố Giáp Tư, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà) cũng có 1 con lợn trong đàn 3 con bị chết.
Không dừng lại đó, hộ ông Nguyễn Nghiêm (ở thôn Thanh Phước, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà) cũng xuất hiện 1 con lợn bị chết. Kết quả xét nghiệm vào chiều 17/5 cho thấy, tất cả số lợn chết ở 3 gia đình nói trên đều dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.
Cơ quan thú y xử lý lợn bệnh tại thời điểm xuất hiện dịch |
Trước đó, ngày 15/5, ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đã được khống chế và có biên bản thẩm định về việc công bố hết dịch tả lợn châu Phi tại các xã như: Phong An và xã Phong Sơn, huyện Phong Điền.
Sau khi công bố hết dịch, các hoạt động chăn nuôi, thú y, giết mổ, vận chuyển tiêu thụ, chế biến trên địa bàn các xã chịu ảnh hưởng dịch bệnh được hoạt động trở lại bình thường.
Cơ quan chức năng liên quan tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiến hành tiêu hủy, khử trùng tại các ổ dịch trên địa bàn huyện Phong Điền |
Cụ thể, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế từ ngày 16 đến 22/3, tại xã Phong Sơn. Ngay sau khi xuất hiện dịch bệnh, lãnh đạo UBND huyện Phong Điền đã phối hợp với ngành chức năng liên quan tiến hành tiêu hủy 52 con lợn; trong đó có 5 con lợn nái và 47 con lợn rừng.
Đến ngày 9/4, cơ quan thú y đã lấy mẫu lợn bị bệnh của hộ ông Nguyễn Khóa (ở xã Phong Sơn) để gửi đến Chi cục Thú y vùng 3 xét nghiệm. Kết quả, mẫu xét nghiệm là dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi và lãnh đạo UBND huyện Phong Điền cũng đã chỉ đạo ngành thú y huyện tiêu hủy 19 con lợn nhiễm bệnh trên.
Phi Hoàng