Thứ sáu, 22/11/2024 20:28 (GMT+7)
Thứ hai, 13/05/2019 16:01 (GMT+7)

Dịch tả lợn châu Phi diễn biến khôn lường, một phần do “thời tiết”

Theo dõi KTMT trên

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát tại 29 tỉnh, thành trên cả nước, với tổng số lợn bị bệnh là 1.220.488 con (chiếm 4% tổng đàn lợn cả nước). Việc dịch bệnh lây lan nhanh như vậy một phần do thời tiết ở nước ta diễn biến thất thường.

Dịch tả lợn châu Phi diễn biến khôn lường, một phần do “thời tiết” - Ảnh 1
Lợn bị mắc bệnh dịch tả được mang đi tiêu hủy.

Sáng nay (13/5), tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi do Bộ NN&PTNT tổ chức, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, tính đến ngày 12/5, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 1.220.488 con (chiếm khoảng 4% tổng đàn lợn cả nước). Tuy nhiên, có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày kể từ khi bùng phát, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã.

Trong giai đoạn đầu, dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở nhiều nơi song lẻ tẻ, số lượng lợn phải tiêu hủy ít; số tỉnh, thành phố không tăng nhiều, chỉ tăng số lợn buộc phải tiêu hủy.

Hiện tại, trên cả nước có Thừa Thiên – Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.

Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà, sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất của các địa phương khi có điều kiện; tập trung chỉ đạo, tổ chức xây dựng chuỗi chăn nuôi lợn (như chuỗi sản xuất thịt lợn của các Công ty GreenFeed Việt Nam, Masan, Dabaco, CP, …).

Đến nay, cả nước có 740 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn được chứng nhận an toàn dịch bệnh. Các địa phương và doanh nghiệp đã, đang triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm cùng các loài gia súc khác để bù đắp cho chăn nuôi lợn.

Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh và hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh. Trong nhiều năm qua, bệnh dịch này lây lan rất nhanh, diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, nhất là tại nước có chung đường biên giới với nước ta. Mặt khác, virus tả lợn có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami vài chục ngày đến 1.000 ngày (ở thịt đông lạnh). Virus có khả năng chịu được nhiệt độ 56°C trong 70 phút, 70°C trong 20 phút, 100°C trong 1 phút; có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5-11,5 và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày…

Tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, với đặc thù điều kiện khí hậu và có nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không gian sản xuất chật hẹp… như của Việt Nam, sẽ khiến tốc độ lây lan dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam là cực kỳ nhanh.

“Chưa năm nào thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp như năm nay, trong tháng 3 có vài ngày nóng như mùa hè. Tháng 5 là tháng có nhiều ngày mưa phùn và độ ẩm cao. Chưa năm nào cùng lúc trong tháng 5 mà cả 3 miền cùng mưa. Tại các tỉnh thành triển khai phòng chống dịch, bên cạnh số đông địa phương làm tốt, có nơi, có khâu lại làm chưa tốt. Dự báo, thời gian tới dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan truyền phức tạp, cần triển khai nhóm giải pháp để góp phần hạn chế lợn nhiễm bệnh, quy mô lây truyền, đến mức thấp nhất. Đặc biệt là trong khu vực chăn nuôi lớn” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Đức Trọng

Bạn đang đọc bài viết Dịch tả lợn châu Phi diễn biến khôn lường, một phần do “thời tiết”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới