Thứ sáu, 22/11/2024 17:20 (GMT+7)
Thứ bảy, 19/08/2023 13:05 (GMT+7)

Lai Châu: Phát triển cây Mắc – ca góp phần bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Mắc-ca được xác định là cây lâm nghiệp đa mục đích vừa mang lại giá trị kinh tế vừa bảo vệ môi trường hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến nay, tỉnh Lai Châu đã có hơn 270 ha cây mắc-ca đã cho thu hoạch với năng suất bình quân từ 0,5 đến 1,5 tấn/ha với giá bán quả tươi từ 50-60.000 đồng/kg. Với năng suất như trên,  bình quân 1 ha cây mắc-ca (tùy thuộc vào tuổi cây và phương thức trồng) sau khi trừ chi phí sẽ cho người trồng thu nhập từ 40-60 triệu đồng/năm.

Lai Châu: Phát triển cây Mắc – ca góp phần bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Trồng cây Mắc ca góp phần bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, các địa phương vùng Tây Bắc đã tích cực chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả hoặc không thuận lợi nguồn nước tưới sang các loại cây trồng khác, trong đó mắc-ca được xác định là cây đa mục đích cần tập trung đầu tư, sản xuất. Tại những khu vực chuyển đổi đã xuất hiện những mô hình mang lại thu nhập cao hơn so với các cây trồng truyền thống. 

Các dự án mắc-ca đã và đang triển khai tại vùng Tây Bắc được cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, các cấp quan tâm, ủng hộ, người dân đồng tình hưởng ứng, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Theo Hiệp hội mắc-ca Việt Nam, qua khảo sát, tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình hiện có tới hơn 2,7 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó 1,7 triệu ha đất có rừng và còn khoảng 1 triệu ha đất chưa có rừng hoặc rừng nghèo kiệt. Thực hiện mục tiêu kép trồng mắc-ca tập trung xen lẫn với cây rừng, vừa phát triển kinh tế, vừa hưởng ứng kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ, các tỉnh Tây Bắc đang tích cực triển khai trồng mắc-ca theo quy hoạch, định hướng phù hợp.

Lai Châu: Phát triển cây Mắc – ca góp phần bảo vệ môi trường - Ảnh 2
Vườn ươm cây Mắc - ca.

Cây mắc-ca trồng tại Lai Châu từ năm 2011, đến nay toàn tỉnh đã trồng hơn 5.400 ha tại các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Tam Đường, Mường Tè, thành phố Lai Châu, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ. Trong đó, trồng thuần 3.500 ha và trồng xen canh 1.880 ha. 

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu Nguyễn Trọng Lịch, năm 2022 trên địa bàn tỉnh thực hiện trồng mới khoảng 1.000 ha cây mắc-ca tại các huyện Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Mường Tè. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích cây mắc-ca theo hướng hàng hóa tập trung với quy mô đạt khoảng 35.000 ha vào năm 2030 và khoảng 80.000 ha vào năm 2050. Theo đánh giá, với lợi thế sẵn có của mình, các địa phương vùng Tây Bắc đã và đang tiến hành thực hiện các giải pháp chuyển đổi cây trồng, nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung, quy mô lớn. Được xác định là cây đa mục đích, phù hợp phát triển theo quy hoạch vùng, cây mắc-ca được các cấp, các ngành và nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững đã và đang khẳng định tính thiết thực, đúng đắn của loại cây trồng này, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, ứng phó với biến đổi khí hậu của khu vực. 

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam đánh giá, mắc-ca là cây có khả năng chịu được khí hậu khắc nghiệt, chịu hạn, ít sâu bệnh. Do đó, có thể phát triển cây mắc-ca theo nhiều hình thức trồng thuần loài hoặc trồng xen. Sau 5-6 năm trồng, mắc-ca sẽ cho thu hoạch; năng suất quả tươi ước đạt khoảng 8 tấn/ha/năm. Mắc-ca là cây lâm nghiệp đa giá trị, có vòng đời khai thác lâu dài nên có thể phát triển thành cây trồng rừng mang lại giá trị kinh tế cao, chống sự xói mòn của đất và phát triển hiệu quả một số loại cây khác dưới tán rừng góp phần bảo vệ môi trường hiệu quả.

PV

Bạn đang đọc bài viết Lai Châu: Phát triển cây Mắc – ca góp phần bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh niên 9x khởi nghiệp với hoa cẩm cù
Đỗ Văn Phúc (SN 1991) bất ngờ khám phá niềm yêu thích đặc biệt với hoa cẩm cù. Từ đó, anh đã biến đam mê này thành sự nghiệp, gặt hái thành công và tạo ra nguồn thu nhập ổn định tại Bình Phước.

Tin mới