Thứ ba, 26/11/2024 04:32 (GMT+7)
Thứ ba, 19/10/2021 07:47 (GMT+7)

Kỳ 2: Phát triển điện gió ở Việt Nam: Góc nhìn người trong cuộc

Theo dõi KTMT trên

Nhìn vào những bất cập trong phát triển hạ tầng điện mặt trời thời gian qua, cần đặt ra câu hỏi điện gió ở Việt Nam cần có những bước đi cụ thể nào để phát triển bền vững?

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐIỆN GIÓ - CÁCH NÀO?

Đây là câu hỏi rất khó đối với tôi vì tôi không phải là người quản lý, không thể có cái nhìn bao quát hết được lĩnh vực có tính liên ngành như phát triển điện gió của Việt Nam. Tuy nhiên, dưới góc độ người nghiên cứu khoa học, có quan tâm, tìm hiểu và đã tham gia giảng dạy về phát triển điện gió, tôi xin có mấy ý kiến sau.

Nhận diện đúng tầm của Việt Nam trong phát triển điện gió

Có thể nói Việt Nam đang ở giai đoạn đầu trong cả quá trình phát triển điện gió lâu dài. Vì vậy, cần có cái nhìn tổng quát, bao hàm tất cả những gì cần làm, những thuận lợi khó khăn có thể xảy ra để sẵn sàng giải quyết. Chúng ta có tiềm năng năng lượng gió khá dồi dào, nguồn tài nguyên có thể sử dụng “vĩnh cửu” thay thế được vấn đề cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.

Sử dụng năng lượng gió để phát điện sẽ không thải các chất khí nhà kính gây nóng lên toàn cầu và BĐKH, cũng không thải các chất ô nhiễm làm giảm chất lượng không khí. Vì vậy, phải coi phát triển điện từ năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối,...) là chiến lược phát triển lâu dài, mang tính sống còn trong đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.

Kỳ 2: Phát triển điện gió ở Việt Nam: Góc nhìn người trong cuộc - Ảnh 1
Nhà máy điện gió Bạc Liêu. (Ảnh: Báo Lao động)

Hiện tại, cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ cho phát triển điện gió ở Việt Nam còn nhiều hạn chế và phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Các thiết bị chuyên dụng, các tuabin gió vẫn phải nhập từ nước ngoài và ngay cả các phần mềm tính toán sản lượng điện gió Việt Nam cũng chưa xây dựng được. Tuy nhiên, vì phát triển sau nên chúng ta cũng có ưu thế nhất định như có thể lựa chọn, mua những công nghệ phù hợp, có thể học hỏi kinh nghiệm xây dựng luận chứng kỹ thuật, lắp đặt, vận hành một trang trại gió từ các dự án thực tế ở nước ngoài.

Đặc biệt, với sự phát triển rất nhanh của khoa học - công nghệ - kỹ thuật thì việc nhanh chóng nắm bắt thông tin về những công nghệ, thiết bị mới là chìa khóa để mua, áp dụng trong xây dựng vận hành trang trại điện gió.

Chiến lược đầu tư, mua tuabin, thiết bị chuyên dụng cũng cần xem xét thêm. Chẳng hạn, nếu nghiên cứu kỹ về tính năng của tuabin (công suất, độ cao đặt, khả năng chống chịu với sự khắc nghiệt môi trường, khả năng khắc phục sự cố,...) để tập trung mua một loại thích hợp của một hãng với số lượng lớn thì hãng ấy có thể xây dựng một cơ sở dịch vụ ngay tại Việt Nam để giúp, hỗ trợ phát hiện hỏng hóc, sự cố và giúp duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời.

Việt Nam vẫn còn là nước thu nhập trung bình ở mức thấp, nghĩa là khả năng cung cấp tài chính chưa thật dồi dào nhưng cũng đủ để đầu tư vào các dự án có khả năng sinh lời cao. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ điện gió phát triển, Tập đoàn điện lực Việt Nam, EVN, sẽ mua hết sản lượng điện gió nối lưới với giá mua điện là 8,5 Uscents/kWh từ dự án trên đất liền và 8,5 Uscents/kWh từ nhà máy điện ngoài khơi (đối với dự án vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021 (Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg).

Với mức trợ cấp như vậy và với sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp nên đến cuối năm 2021 tổng công suất các trang trại điện gió vận hành thương mại của Việt Nam có thể đạt đến 6.000 MW, đóng góp một lượng điện năng đáng kể cho lưới điện cả nước.

Vấn đề là mức trợ cấp trên chỉ áp dụng với cơ sở điện gió nối lưới vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021, vậy sau mốc thời gian này sẽ còn khả năng phát triển điện gió không khi mà những nơi có tiềm năng lớn đã khai thác hết và không được hưởng trợ cấp nữa. Phải chăng, các cơ quan quản lý phải xem xét lại thực trạng phát triển điện gió để sớm có chính sách hỗ trợ đối với những dự án vận hành thương mại sau mốc 01/11/2021 với mức trợ cấp cao hơn?

Xây dựng lộ trình phát triển điện gió

Ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã chính thức công bố bản báo cáo dự thảo lần thứ 3 của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) để gửi lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các đơn vị và cá nhân. Mặc dù chưa được phê duyệt chính thức và còn phải chỉnh sửa nhưng có thể coi bản dự thảo lần này đã cung cấp cho mọi người một lộ trình phát triển ngành điện thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tra cứu trên mạng có thể thấy nhiều đánh giá, góp ý của nhiều cá nhân tổ chức và chắc chắn còn có góp ý bằng văn bản của các cơ quan lãnh đạo các ngành, các địa phương, của Mặt trận Tổ quốc và nhiều tổ chức quần chúng khác. Trong lộ trình phát triển điện lực nói chung đã có lộ trình phát triển điện gió nhưng vẫn còn ở mức tổng quát. Chúng tôi cho rằng cần có một lộ trình chi tiết hơn cho phát triển điện gió, điện mặt trời, lường trước những thuận lợi, khó khăn từng thời kỳ để có kế hoạch xây dựng hệ thống điện gió đảm bảo mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII. 

Lộ trình lắp đặt điện gió theo các phương án khác nhau đã đề cập khá chi tiết trong Quy hoạch điện VIII cho các mốc thời gian 2020 – 2045 (xem hình 5). 

Kỳ 2: Phát triển điện gió ở Việt Nam: Góc nhìn người trong cuộc - Ảnh 2
Hình 5. Quy mô điện gió theo Quy hoạch điện VIII (Bản thảo lần 3)

Theo lộ trình trên hình 5 thì bước phát triển nhanh nhất của công suất lắp dặt điện gió xảy ra trong giai đoạn từ 2020 đến 2025. Với “cú huých” trợ cấp giá bán điện gió theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg thì thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với 144 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất là 8144,88MW; trong đó hiện đã có có 13 nhà máy điện gió với tổng công suất là 611,33 MW đã vào vận hành thương mại; 106 nhà máy điện gió dự kiến đi vào vận hành thương mại trước 31/10/2021; 25 nhà máy điện gió với tổng công suất là 1912,05 MW không thể vận hành thương mại trước 31/10/2021.

Theo một bài báo đăng ngày 13/8/2021 thì “thực tế hiện nay có thể thấy, nhiều dự án điện gió chỉ đăng ký để “giữ chỗ”, còn triển khai được hay không lại là câu chuyện khác. Bởi, để có thể đáp ứng điều kiện hạn nộp hồ sơ chạy thử nghiệm thu chuẩn bị đề nghị công nhận COD trước thời điểm 31/10, chủ đầu tư nhà máy điện gió phải gửi văn bản và hồ sơ theo quy định cho bên mua điện là EVN muộn nhất là ngày 3/8. Trong khi đó, theo ý kiến một số chuyên gia, mức công suất điện gió có thể vận hành trước 31/10 là hơn 5.600 MW như các chủ đầu tư đăng ký với EVN là không thực tế. Dự kiến, chỉ khoảng một nửa trong số đó có thể vận hành thương mại như kế hoạch đã định”.

Các doanh nghiệp, các địa phương đang cố gắng gia hạn đăng ký để được hưởng giá FIT và chỉ khi được gia hạn thì ít nhất công suất cỡ 9.000 MW đã đăng ký sẽ hoạt động vào năm 2025. Như vậy vẫn cần tìm kiếm nguồn đầu tư lắp đặt, vận hành thêm 5.000 MW nữa mới đạt được mức quy hoạch điện gió năm 2025. Thời gian đang đến rất nhanh, nếu Bộ Công Thương không có kế hoạch sớm thì sẽ không thực hiện kịp.

Nếu xét thêm về loại hình chủ đầu tư thì trong Quy hoạch điện VIII, ngoài những doanh nghiệp Nhà nước như EVN, PVN, TKV thì còn có chủ đầu tư BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), IPP (dự án điện độc lập), thậm chí còn kể đến cả “chưa có chủ đầu tư”. Nghĩa là, chúng ta chưa thể chủ động về chủ đầu tư, phải tìm kiếm thêm chủ đầu tư tư nhân, chủ đầu tư liên doanh với nước ngoài, và có thể cả dự án toàn bộ vốn nước ngoài. Vậy sau Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg Chính phủ phải có ngay văn bản chỉ rõ các mức ưu đãi, trợ cấp mới để các doanh nhân, doanh nghiệp có cơ sở quyết định đầu tư sản xuất điện gió.

Chúng tôi đã có bài trên Tạp chí Kinh tế Môi trường của Việt Nam bàn luận về cơ sở khoa học xác định mức trợ cấp cho các ngành nghề ưu tiên nói chung, cho điện gió nói riêng phù hợp với điều Việt Nam và xu thế, khả năng phát triển công nghệ, giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm. Có lẽ, phải bắt tay ngay vào công việc này để có cơ chế cho từng giai đoạn phát triển thì mới chủ động trong thực hiện lộ trình phát triển điện gió theo Quy hoạch điện VIII.

Một vấn đề mà nhiều chuyên gia và cả cộng đồng đang rất quan tâm là hệ thống hạ tầng phát triển điện gió hiện đã đáp ứng cho phát triển nhanh điện gió hay chưa. Làm thế nào để có thể huy động hiệu quả các nguồn lực thiết bị, cơ sở hạ tầng hiện có và phải đầu tư thêm ở mức nào để thực hiện được các mốc quy hoạch điện gió. Vận chuyển, lắp đặt tuabin gió không hề đơn giản phải cần tới những thiết bị chuyên dụng, vậy các thiết bị này đã đủ chưa khi lắp đặt cùng lúc nhiều dự án điện gió cần được giải quyết.

Chúng ta đã có cơ sở chuyên cung cấp loại dịch vụ này chưa, có cần tổ chức thêm không vẫn là vấn đề phải được đặt ra để xây dựng thêm. Một cơ sở hạ tầng khác thu hút quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân và chuyên gia là hạ tầng hệ thống điện. Tuy nhiên Thế giới công nghệ ngày nay đang và đã xây dựng, áp dụng ở nhiều nơi một hệ thống điện có tính linh hoạt cao.

Tính linh hoạt trong hệ thống điện là khả năng của hệ thống điện giữ cân bằng công suất và có thể xử trí với các biến động và bất định của các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống ở các miền thời gian khác nhau, ngắn hạn tới dài hạn, để tránh cắt giảm công suất phát và cung cấp tin cậy điện năng cho toàn bộ phụ tải [theo Tổ chức Năng lượng Tái tạo Thế giới - IRENA]. Khi xem xét Dự thảo Quy hoạch điện VIII một chuyên gia khác cũng cho rằng: 

“Để giảm thiểu rủi ro dự báo và tận dụng tối đa tiềm năng của các loại hình công nghệ mới, các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam nên tập trung nhiều hơn vào kiến trúc của hệ thống điện, đặc biệt là tập trung vào tầm quan trọng chiến lược của việc xây dựng một hệ thống điện linh hoạt và củng cố lưới điện.

Các nguồn điện tái tạo đã phát triển vượt xa mong đợi của Chính phủ trong hai năm vừa qua. Điều này đã tạo ra những phản ứng bị thổi phồng về tác động của nguồn điện tái tạo không ổn định tới công tác vận hành hệ thống của EVN, bất chấp những thực tế đang diễn ra trên toàn cầu. Việc đầu tư vào hệ thống lưới điện và các nguồn pin tích trữ mới có thể giúp giải quyết những khó khăn này nhưng đồng thời cũng hỗ trợ cho tất cả các nguồn điện khác. Điểm khác biệt ở đây các nguồn điện mặt trời và điện gió được kỳ vọng sẽ ngày càng rẻ hơn trong thập kỷ tới. Nếu Việt Nam muốn đa dạng hóa các nguồn điện trong hệ thống, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện sạch của nền kinh tế, và kiểm soát được giá điện, thì năng lượng tái tạo phải đóng vai trò lớn hơn trong Quy hoạch điện VIII, thay vì ngược lại”.

Như vậy, ngay từ bây giờ phải nghiên cứu cải tiến, xây mới hệ thống điện đảm bảo tính linh hoạt để có thể tiếp nhận điện từ năng lượng tái tạo vốn không phát điện ổn định theo thời gian như điện gió và điện mặt trời. Chỉ khi nắm chắc khả năng hoạt động tốt, linh hoạt hiệu quả của hệ thống điện các chủ đầu tư mới yên tâm phát triển điện gió. Thật ra, trong Quy hoạch điện VIII cũng đã có kế hoạch xây dựng hệ thống điện khá chi tiết nhưng vẫn phải kiểm tra lại, chứng minh, chỉ rõ tính linh hoạt, hiệu quả khi tiếp nhận điện từ trang trại điện gió và mặt trời qua từng mốc quy hoạch.

Một lộ trình phát triển điện gió có cơ sở khoa học, cập nhật được tiến bộ công nghệ thời đại 4.0 sẽ có tính khả thi cao, đảm bảo thực hiện tốt và đạt được mục tiêu Quy hoạch điện VIII đặt ra.

Kỳ 2: Phát triển điện gió ở Việt Nam: Góc nhìn người trong cuộc - Ảnh 3
(Ảnh minh họa)

Tiếp tục nghiên cứu cơ bản 

Nhiều người vẫn băn khoăn, liệu nghiên cứu cơ bản ở đất nước đang phát triển như Việt Nam có cần thiết không? Và, nên tập trung đầu tư nghiên cứu những lĩnh vực gì? Đây là vấn đề lớn, phải giải quyết ở tầm vĩ mô, tầm quốc gia cho nhiều lĩnh vực. Nghiên cứu cơ bản cho ra nhiều kết quả, tìm ra, chứng minh nhiều quy luật, nhiều vấn đề mới nhưng nhiều khi chưa áp dụng ngay được vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có hiệu quả kinh tế. Kết quả này có thể được đăng tải trên các tạp chí uy tín trên thế giới, làm rạng danh các nhà khoa học và tổ chức nghiên cứu khoa học.

Nhiều tổ chức quốc tế coi số lượng các bài báo đăng trên các tạp chí uy tín được xếp hạng như ISI, SCI, SCOPUS... để đánh giá thành tích cá nhân và thành tích các cơ sở nghiên cứu khoa học. Việt Nam hiện nay cũng có những tiêu chí tương tự để xét công nhận Nghiên cứu sinh đạt học vị Tiến sĩ, xét các nhà khoa học đạt chứng nhận chức danh Phó Giáo sư hay Giáo sư. Nhiều lĩnh vực khoa học có số lượng công trình lớn với chất lượng cao như Toán học, Vật lý học, Hóa học, Y học,... nhưng cũng có những lĩnh vực rất ít công trình được đăng trên các tạp chí có chất lượng cao.

Chúng tôi thử tra cứu lĩnh vực nghiên cứu về điện gió thì có rất ít công trình thuộc loại này. Mặc dù, nhiều đề tài nghiên cứu trong nước cũng đã chỉ ra những quy luật thay đổi theo không gian, thời gian của tốc độ gió và hướng gió trên lãnh thổ Việt Nam nhưng vẫn thiếu những công trình nghiên cứu sâu hơn nữa về các quy luật này. Chẳng hạn, chúng ta có rất ít công trình nghiên cứu phân bố thẳng đứng của tốc độ gió, rất ít những cột đo gió ở các độ cao khác nhau.

Vì vậy, ngay cả khi chất lượng không khí ở Hà Nội xấu đi, nhiều phát thanh viên nêu lý do là xảy ra “nghịch nhiệt” nhưng không có số liệu kiểm chứng về xuất hiện lớp nghịch nhiệt (lớp có nhiệt độ tăng theo chiều cao). Nếu chúng ta có cột đo nhiệt độ (và cả gió, bức xạ, độ ẩm, nồng độ các chất ô nhiễm không khí) tự động ở nhiều độ cao (ví dụ 0,2m, 0,5m, 2m, 10m, 20m, 40m, 60m, 80m, 100m) đặt tại khu vực sân vận động Mỹ Đình (nơi còn đủ độ thoáng) thì rất dễ nắm bắt nguyên nhân gây nên tình trạng chất lượng không khí bị suy giảm.

Tôi nhớ lại những năm đầu thập kỷ 1980, khi thực hiện chương trình nghiên cứu Tây Nguyên II, có một đề tài nghiên cứu về vi khí hậu một số khu vực Tây Nguyên, các nhà khoa học đã tiến hành đo gradien (đo phân bố thẳng đứng) của các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, gió ở nhiều độ cao: 0,0m, 0,2m, 0,5m, 1m, 2m, 10m, 15m bằng những thiết bị cầm tay nhưng có mức độ chính xác khá cao (máy đo gió cầm tay, bộ nhiệt kế asman, nhiệt kế thường) và con người phải đọc số liệu từ máy (không tự ghi được).

Chúng tôi đã phải “sáng tạo” ra cột đo có thể gắn thiết bị, thang và sử dụng cả cây đã chết khô để lên quan trắc từng giờ một (kể cả ban đêm). Khi báo cáo kết quả, các chuyên gia Ba Lan đánh giá cao số liệu thu được và khi xử lý có thể tính được khả năng trao đổi nhiệt, ẩm giữa lớp khí quyển gần mặt đệm và mặt đệm (có thể áp dụng tính khả năng bốc thoát hơi nước, xây dựng chế độ tưới cho cà phê mới trồng).

Số liệu thu thập được đã giúp tôi hoàn thành và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ (nay gọi là Tiến sĩ) vào năm 1994. Từ những năm xa xưa đã có thể làm như vậy mà không hiểu tại sao, bây giờ có những thiết bị hiện đại, đo tự động mà chúng ta không thể dựng được cột đo phân bố thẳng đứng các yếu tố khí tượng và nồng độ chất ô nhiễm không khí ở Hà Nội và một số địa điểm khác.

Cũng nhờ các nghiên cứu cơ bản, sử dụng đồng bộ số liệu đo mà ở châu Âu và ở Mỹ các nhà khoa học đã nắm rõ quy luật phân bố theo không gian và thời gian của tốc độ gió, có thể nội ngoại suy (có hỗ trợ thêm của các mô hình) để có số liệu cho bất cứ điểm nào mà khách hàng cần với độ chính xác cao. Liệu sắp tới Việt Nam có thể lập được ngân hàng dữ liệu, thư viện số liệu (về gió và nhiều yếu tố liên quan) để phục vụ những ai có yêu cầu hay không vẫn còn bỏ ngỏ.

Một vấn đề khác cần tiếp tục nghiên cứu là liệu có thể xây dựng trang trại gió trên các thảm cây trồng lâu năm, thấp (chẳng hạn như chè, cà phê vối) hay không? Mối ảnh hưởng qua lại giữa thảm cây trồng và điện năng thu được của các tuabin gió như thế nào? Một tuabin gió chiếm bao nhiêu diện tích canh tác, hoạt động của nó có ảnh hưởng đến cây trồng và người chăm sóc, thu hoạch sản phẩm hay không cũng cần nghiên cứu, làm rõ. Và khi câu trả lời khẳng định có thể lắp đặt tuabin gió ở những thảm cây trồng này thì chắc chắn những vùng diện tích rộng lớn trồng chè, cà phê của Tây Nguyên có thể tích hợp thêm trang trại điện gió.

Một hướng nghiên cứu cơ bản khác mà một số nhà khoa học Việt Nam đang thực hiện là chế tạo, nâng cao hiệu quả các sản phẩm (như lưu giữ điện năng chẳng hạn) phục vụ chế tạo hệ thống điện linh hoạt. Các nhà khoa học của các trường đại học lớn như Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Phenikaa đang tiến hành những nghiên cứu về vấn đề này và đã có kết quả đăng trên tạp chí uy tín. Đây là hướng Việt Nam có thế mạnh với lực lượng nhà khoa học đông đảo, trẻ, năng động, sáng tạo và được trang bị phòng thí nghiệm, máy móc hiện đại. Nếu Nhà nước, doanh nghiệp mạnh dạn đặt hàng, đầu tư xây dựng một sản phẩm cỡ hệ thống điện linh hoạt khu vực thì họ có thể thực hiện được. 

Xin giới thiệu một Nhóm nghiên cứu mạnh của trường Đại học Phenikaa “Chuyển đổi và lưu trữ năng lượng tái tạo” do TS. Đào Văn Dương làm trưởng nhóm đã nghiên cứu nhiều loại vật liệu khác nhau cho các thiết bị chuyển đổi và lưu trữ năng lượng tái tạo. Các hạt nano kim loại như Pt, Au, Ag, Pd, Cu, Co, Ni, Ru, Mo, Fe, Sn và hợp kim của chúng như PtAu, PtCu, PtMo, PtNi, PtSn, PtPd,... cũng như gắn chúng trên các vật liệu nền như ống cacbon nano, graphen, kính dẫn điện, polyme,... đã được chế tạo thành công nhờ công nghệ khử plasma.

Các vật liệu tổng hợp được đã được ứng dụng thành công trong pin năng lượng mặt trời sử dụng chất nhạy quang, chấm lượng tử, perovskite, trong ắc quy Liti, các siêu tụ, trong tạo hơi nước từ năng lượng mặt trời và trong các thiết bị tách nước tạo hidro và oxi. Các kết quả nghiên cứu của nhóm đã được đăng trên 90 công trình ở các tạp chí ISI có uy tín cao với tổng số trích dẫn các công trình trong 10 năm gần đây đạt hơn 2.200 lần.

Đào tạo cán bộ kỹ thuật

Xin thú thật, hiện nay tôi không biết chắc các cán bộ kỹ thuật của Việt Nam đã đủ để vận hành trang trại điện gió chưa và họ có đủ khả năng giải quyết các sự cố, phát hiện sửa chữa các hỏng hóc xảy ra hay chưa. Chắc phải có diễn đàn để tìm hiểu vấn đề này qua kinh nghiệm vận hành các nhà máy đã hoạt động. Nhưng có nhiều minh chứng cho thấy chúng ta còn thiếu đội ngũ cán bộ này và nếu có thì họ còn chưa có nhiều kinh nghiệm.

Nhiều người có thể phản biện là chúng ta đào tạo được nhiều kỹ sư có trình độ cao về lý thuyết phát điện, trong đó có điện gió nhưng khi vận hành một thiết bị phát điện cụ thể phải có kinh nghiệm tích lũy qua thời kỳ thực hành đủ dài. Khi đó họ có thể nhanh chóng tìm ra “lôi”, hỏng hóc có thể xảy ra và có giải pháp sửa chữa.

Tôi nhớ có một câu chuyện về một chuyên gia đến sửa chữa một thiết bị phức tạp bị hỏng, ông ấy rất giỏi nên chỉ cần cầm cờ lê gõ gõ, sờ mó một vài nơi rồi thay một phụ tùng nào đó thì thiết bị hoạt động trở lại. Khi hỏi giá, chuyên gia đưa ra mức giá quá cao (ví dụ 10 triệu đồng) thì chủ nhà có vẻ không phục, nói: Ông chỉ gõ gõ vài cái, sờ mó vài nơi ròi bảo đi mua phụ tùng lắp vào thôi mà lấy đắt vậy? Chuyên gia trả lời một câu rất hay là: gõ gõ, sờ mó thì tôi chỉ lấy 1 đồng, nhưng gõ, sờ mó đúng chỗ để tìm ra nguyên nhân hỏng hóc thì tôi phải vận dụng kiến thức của hàng chục năm học trên ghế nhà trường và tích lũy được từ nhiều năm lăn lộn làm việc trên thị trường, đấy mới là giá còn lại trong mức giá tôi yêu cầu. Vậy, trong khi chúng ta mới có vài trang trại gió hoạt động thương mại thì theo tôi, chưa thể có được đội ngũ cán bộ kỹ thuật theo ý muốn.

Để giải quyết vấn đề này, một mặt, các cơ sở đào tạo phải thâm nhập thực tế, biết yêu cầu của các cơ sở sản xuất để có giáo án phù hợp; Mặt khác, các cơ sở sản xuất phải gửi cán bộ đi đào tạo thêm, cả trong và ngoài nước để nâng cao trình độ, tay nghề. Ví dụ cử cán bộ đến học trực tiếp ở các hãng cung cấp tuabin, cung cấp thiết bị để họ truyền đạt, cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm họ đã có trong thời gian dài hoạt động.

Hình thành các cơ sở dịch vụ phát triển điện gió

Một nhà đầu tư muốn xây dựng một cơ sở sản xuất phải trả lời rõ 3 câu hỏi cơ bản sau (theo lý thuyết kinh tế vi mô): Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào?Sản xuất cho ai?

Để trả lời câu hỏi đầu, chủ đầu tư phải nắm được nhu cầu của thị trường về loại sản phẩm họ dự định sản xuất. Khi dự định sản xuất điện gió, họ phải tìm hiểu điện gió trong thời gian tới có đất để phát triển không? Làm thế nào để tính được giá thành sản xuất 1kWh điện và ước tính được khả năng thu được lợi nhuận. Thật tiện lợi nếu có được cơ quan tư vấn cho họ, trả lời cho họ những vấn đề đặt ra như nên chọn đầu tư ở đâu; Số liệu đo gió đã có chưa hay phải đo; Dùng mô hình/phần mềm nào để tính ra sản lượng điện khi lắp một loại tuabin ở vị trí đầu tư; Chính sách hỗ trợ của nhà nước hiện tại như thế nào; Tính cụ thể chi phí lợi ích với giá trị hiện tại ròng có thể thu được, hệ số hoàn vốn nội tại, tỷ số lợi ích trên chi phí,... thì nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn. Nếu không có cơ sở dịch vụ tốt, chủ đầu tư phải tự tìm cách trả lời, nhiều khi phải thuê tư vấn nước ngoài nên bị động và tốn kém.

Để trả lời câu hỏi thứ hai, chủ đầu tư phải biết về thị trường công nghệ điện gió, có thông tin về các loại tuabin điện gió: Hãng sản xuất, kích thước, tính năng, công suất tuabin, đường cong năng lượng tuabin, những cơ sở đã lắp đặt tuabin và những gì đã xảy ra khi sử dụng chúng. Lúc đầu tôi nghĩ thông tin này dễ dàng thu thập trên mạng nhưng hóa ra để có thông tin chính xác, đặc biệt là thông tin đánh giá, phân hạng các tuabin nhiều khi phải đặt mua với giá không rẻ, nghĩa là phải trả tiền thì cơ sở dịch vụ mới cung cấp thông tin hoặc đặt mua tuabin thì hãng mới cung cấp thông tin.

Chủ đầu tư còn phải nắm chắc khả năng tiếp cận dịch vụ vận tải chuyên dụng để vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng như tuabin, cánh quạt điện gió. Ngoài ra cần có thông tin về khả năng lắp được tuabin rất nặng lên độ cao tới cỡ 100m của các cơ quan lắp máy xung quanh khu vực đặt dự án,... Nếu có được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ thì sẽ giúp trả lời câu hỏi thứ hai này dễ dàng hơn. Thời gian tới, khi có ngày càng nhiều trang trại điện gió sẽ được đầu tư thì vai trò của các dịch vụ này sẽ rất lớn.

Để trả lời câu hỏi thứ ba, chủ đầu tư phải biết rõ ai sẽ là người sẽ sử dụng sản phẩm của mình, họ có những yêu cầu như thế nào đối với sản phẩm của mình và xu thế sử dụng trong tương lai của họ ra sao. Để minh họa cho lợi ích của việc nắm bắt ai là người sử dụng điện từ năng lượng tái tạo và họ có ưu tiên sử dụng loại điện gió, điện mặt trời không, xin trích dẫn ý kiến của một chuyên gia nước ngoài:

“Tăng trưởng GDP có thể bị ảnh hưởng nếu đánh giá sai nhu cầu tiêu thụ điện sạch. Trong hai năm vừa qua, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã thay đổi đáng kể so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Trong khi Indonesia vẫn đang chật vật để chuyển dịch khỏi các nguồn năng lượng hóa thạch, các tập đoàn lớn trên thế giới ngày càng cam kết mạnh mẽ vào việc giảm phát thải cacbon trong chuỗi cung ứng của họ.

Việt Nam là quốc gia hiếm hoi trong khu vực đã tích cực thay đổi để đáp ứng nhu cầu của các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cần phải đánh giá đúng tác động kinh tế của việc tiếp cận dễ dàng nguồn điện xanh đối với các xu hướng thương mại và FDI trong thập kỷ tới. Liên minh châu Âu ngày càng tập trung vào các chính sách có thể dẫn đến việc đánh thuế hàng hóa nhập khẩu dựa trên mức độ phát thải carbon trong quá trình sản xuất.

Các nhà đầu tư hiện đang ráo riết chuẩn bị để thích nghi với các chính sách này. Tháng 12 năm ngoái, một liên minh gồm 29 nhãn hàng thời trang quốc tế có mạng lưới cung ứng tại Việt Nam đã viết thư kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đẩy nhanh việc ban hành khung pháp lý cho phép hình thành các hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa các nhà sản xuất và nhà máy điện tái tạo. Việt Nam cần phải có bước đi táo bạo hơn nữa để chiếm được niềm tin của những nhà đầu tư nước ngoài chất lượng đang cố gắng đáp ứng yêu cầu của các khách hàng của họ trên khắp thế giới.

Đây là lúc mà Việt Nam nên gửi đi thông điệp rõ ràng tới các nhà đấu tư nước ngoài rằng nhu cầu sử dụng năng lượng xanh của họ có thể được đáp ứng tại Việt Nam, và rằng các nguồn điện sạch mới sẽ ngày càng chiếm ưu thế trong một thị trường tiến dần lên mô hình đấu giá cạnh tranh với chi phí ngày càng thấp. Thị trường đã sẵn sàng đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo Việt Nam. Giờ là lúc cần triển khai các chính sách giúp cải thiện chi phí mua bán điện cho ngày càng cạnh tranh hơn”.

Lập hội ngành nghề

Tôi được sống trong giai đoạn mà Hợp tác xã (HTX) đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Kế hoạch hóa tập trung của Việt Nam và nhận thức được đóng góp to lớn của HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp, trong việc cung cấp sức người, sức của cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đi đến thành công năm 1975. Tuy nhiên, khi bước sang thời kỳ đổi mới, cơ chế kinh tế Thị trường được áp dụng thì hiệu quả HTX, nhất là HTX quy mô lớn trong nền kinh tế bị suy giảm, thậm chí gây bức xúc trong nhiều tầng lớp nhân dân nên đến nay chỉ còn rất ít HTX đang hoạt động.

Tôi luôn nghĩ là liệu ở các nước phát triển có loại hình thức tương tự như HTX của Việt Nam trước đây không, thì thấy ở đó có nhiều hiệp hội ngành nghề hoạt động rất có hiệu quả. Hội ngành nghề cũng là tổ chức do những người cùng trong một ngành nghề lập nên và tự giác tham gia. Lãnh đạo Hội do họ bầu ra, cơ chế hoạt động, tôn chỉ, mục đích do Hội soạn thảo và được các thành viên tự giác thực hiên. Một trong những mục tiêu được đặt lên hàng đầu là Hội phải bảo vệ quyền lợi các thành viên, lãnh đạo Hội có tiếng nói trong việc ban hành chính sách liên quan đến ngành nghề của Hội và khi cần có thể đệ đơn kiện những tổ chức gây khó khăn cho Hội.

Tôi rất bất ngờ và sau cảm thấy mình rất ngây thơ khi nghĩ rằng Chính quyền Mỹ kiện cá tra Việt Nam bán phá giá trong khi đơn kiện này là từ Hiệp hội Cá da trơn ở Mỹ. Tôi nghĩ rằng, nếu những doanh nhân hoạt động trong ngành điện gió thành lập Hiệp hội cho riêng mình để có thể giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, sửa chữa thiết bị, hỗ trợ nhân lực, thiết bị, phụ tùng... thì chắc chắn điện gió sẽ phát triển tốt. Lãnh đạo Hội còn có thể thay mặt các thành viên có tiếng nói, có đề xuất để Chính phủ ban hành những văn bản sâu sát và giúp ngành nghề hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn.

Đây chỉ là một số ý kiến có tính gợi có thể tham khảo để xem xét những gì xảy ra trong quá trình hoạt động phát triển điện gió ở Việt Nam và chắc chắn là nó chưa đủ và có thể còn phải thảo luận thêm nữa. Tác giả mong có được những nhận xét, đánh giá, phản biện từ những người đọc bài viết này. 

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 2: Phát triển điện gió ở Việt Nam: Góc nhìn người trong cuộc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới