Lạc quan cơ hội có điện xanh ở đảo xa bờ và khu sạt lở
Các nhà khoa học Việt Nam lạc quan về tương lai phát triển năng lượng thủy triều và sóng tại các đảo xa bờ và vùng sạt lở ven biển.
Nước ta là một trong những điểm nóng có thể phát triển năng lượng thủy triều trên thế giới, đặc biệt ở quần đảo Trường Sa. Tiến sĩ Trần Thanh Toàn, nghiên cứu viên tại Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo quốc gia tại Mỹ đã có những chia sẻ quan trọng trong buổi chia sẻ trực tuyến với chủ đề Những cơ hội và thách thức của hai nguồn năng lượng sóng và thủy triều.
Ở Việt Nam, mật độ phân bố năng lượng sóng trung bình, có sự thay đổi theo mùa, cao nhất là mùa đông và mùa xuân, thấp nhất vào mùa hè. Dựa vào các phần mềm tính toán của NASA, Việt Nam có tốc độ dòng chảy ở mức trung bình khá, khoảng 0,85m/s. Chính vì vậy, có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng sóng và thủy triều ở Việt Nam.
Năng lượng xanh sóng và thủy triều có ưu điểm so với năng lượng gió và mặt trời như mật độ năng lượng điện sóng cao hơn và dễ dự đoán hơn do tính ổn định. Phát triển nguồn năng lượng này phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh của Ngân hàng Thế giới. Kinh tế xanh là sử dụng các tài nguyên đại dương cho phát triển kinh tế, cải thiệu cuộc sống và công việc trong khi bảo tồn.
Dọc theo đường bờ biển dài 3.260km, có nhiều địa điểm có tiềm năng áp dụng công nghệ điện xanh như Quảng Ninh, Quảng Ngãi và Bình Thuận. Hiện đã có nghiên cứu nhỏ lẻ về tiềm năng năng lượng sóng và thủy triều dọc theo bờ biển ở Quảng Ngãi và Bình Thuận, kết quả cho thấy tiềm năng rất lớn.
Tiến sĩ Phùng Ngọc, tác giả bản đồ năng lượng sóng Việt Nam, cho biết: “Khu vực sạt lở do sóng ven bờ ở Hội An, Cửa Đại và Bình Thuận có thể dùng năng lượng sóng để giảm xói lở. Nhưng cần có nhiều nghiên cứu khi áp dụng trong thực tế”.
Hai dự án năng lượng sóng và thủy triều đang triển khai tại khu vực chưa có điện lưới quốc gia ở miền Bắc và miền Trung có kết quả khả quan. Đó là dự án sử dụng năng lượng sóng tạo thêm điện cho nhà máy khử mặn ở đảo đá An Bình (Quảng Ngãi) và dự án năng lượng thủy triều ở Quảng Ninh.
Bà Nguyễn Minh Đức, nhà nghiên cứu đại diện công ty Ingine (đơn vị triển khai dự án năng lượng sóng tại đảo đá An Bình) cho biết: “Dự án chúng tôi kết hợp năng lượng sóng và năng lượng mặt trời, giúp tăng thời lượng hoạt động cho nhà máy khử mặn trên đảo. Khi mặt trời mạnh, sóng êm. Khi trời nhiều mây, sóng mạnh. Công ty Ingine lắp đặt hệ thống điện sóng biển cỡ 50 -100KW nhằm giải quyết các khó khăn về chi phí cũng như các vấn đề về môi trường do sử dụng điện diesel tại đây”.
Nhà phát triển năng lượng sóng cho biết thêm Việt Nam có tiềm năng năng lượng sóng nhưng có nhiều loại năng lượng sóng với các công nghệ khác nhau. Mỗi công nghệ có bộ tiêu chí và khu vực tiềm năng riêng.
Tuy năng lượng sóng và thủy triều mang cơ hội có điện cho các đảo xa bờ cũng như nuôi trồng thủy sản trên biển, nhưng cũng nhiều thách thức. Trước hết, chi phí xây đắt 6-8 triệu euro, Tiến sĩ Trần Thanh Toàn phân tích: “Năng lượng sóng thay đổi tùy vào vùng miền, thời tiết, theo mùa nên thiết kế một thiết bị đáp ứng các điều kiện này cực khó. Nhưng có thể thiết kế một thiết bị chuyển đổi năng lượng trong những điều kiện nhất định. Đây không chỉ cơ hội cho các nhà nghiên cứu mà cả các nhà phát triển”.
Các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Canada và Tây Ban Nha đều tập trung phát triển năng lượng sóng và thủy triều. Bộ Năng lượng Mỹ đã phát triển dòng năng lượng để chạy tàu ngầm, khảo sát, khai thác tài nguyên biển, làm sạch nước, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Nước này cũng có tham vọng triển khai nhiều dạng năng lượng sóng và kết nối với lưới điện quốc gia.
Phương Nhung