Kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá so với khu vực và quốc tế
Bức tranh toàn cảnh về tình hình kinh tế - xã hội quý I - 2020 do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, dịch Covid-19 đã tác động đến hầu hết các ngành kinh tế của Việt Nam, làm giảm tốc độ tăng trưởng chung của Tổng sản phẩm trong nước (GDP). Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục được duy trì, nền kinh tế không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê để làm rõ hơn vấn đề này.
Nhiều cửa hàng kinh doanh tại Hà Nội đóng cửa do tác động của dịch Covid-19. |
Phóng viên: Thưa ông, dịch Covid-19 đã tác động thế nào đến kinh tế của Việt Nam trong quý I, những ngành nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Trong quý I - 2020, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019 và kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là dịch Covid-19 diễn biễn phức tạp, khó lường làm hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao.
GDP quý I ước tính tăng 3,82% so cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất trong cả giai đoạn từ năm 2011 đến nay với sự sụt giảm ở cả ba lĩnh vực: Công nghiệp, xây dựng; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ. Các ngành chịu tác động lớn nhất là hàng không, du lịch, dệt may, xuất khẩu gỗ... Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu kinh tế khác cũng cho thấy dấu hiệu suy giảm của nền kinh tế.
Đó là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam lần đầu tiên giảm xuống dưới 50 điểm (chỉ số PMI tháng 2 còn 49 điểm), báo hiệu sự suy giảm trong các điều kiện kinh doanh và giảm nhu cầu hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp (doanh nghiệp) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện trong quý I cũng cho thấy, 42% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn so với quý trước, tỷ lệ này cùng kỳ năm 2019 chỉ là 17%.
Về tình hình đăng ký kinh doanh, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng tới 26% so cùng kỳ, phản ánh dấu hiệu tác động rất lớn của dịch Covid-19 đến cộng đồng doanh nghiệp. Kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước giảm 0,7% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư toàn xã hội cũng đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020, trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I lại tăng 5,56%, là mức cao nhất trong cùng thời kỳ.
Nhưng cần khẳng định rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ và diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm nhanh và ngày càng nghiêm trọng thì tăng trưởng GDP của Việt Nam đang ở mức tăng trưởng khá trong khu vực và trên thế giới, thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu là phòng, chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân thì nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để đẩy lùi dịch bệnh, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phóng viên:Trong bối cảnh đó, những ngành kinh tế nào là động lực tăng trưởng và là điểm sáng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thưa ông?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%, tuy không cao nhưng vẫn đóng vai trò là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Trong khó khăn chung, vẫn có một số ngành mũi nhọn là điểm sáng, giữ được tốc độ tăng trưởng tốt.
Cụ thể là ngành sản xuất thuốc và dược liệu tăng 28,3%; ngành chế biến xăng dầu tăng 22,4% đóng góp tích cực vào ngân sách Trung ương và địa phương; ngành điện tử, máy tính và sản phẩm quang học dự báo giảm do đứt nguồn cung nhưng kết quả vẫn tăng hơn 4%. Đó là nhờ Samsung vừa cho ra đời sản phẩm điện thoại thế hệ mới Galaxy S20 khối lượng lớn; Hải Phòng thu hút được dự án mới chuyển từ Hàn Quốc sang và gia tăng khối lượng xuất khẩu linh kiện điện tử sản xuất ở Việt Nam.
Phóng viên: Đầu tư công đã được nhìn nhận là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhưng nhiều năm qua, tỷ lệ giải ngân đầu tư công rất thấp khiến đóng góp của lĩnh vực này vào tăng trưởng GDP còn nhiều hạn chế. Trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp gì để đầu tư công thật sự trở thành dư địa bù đắp cho tăng trưởng?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Giải ngân vốn đầu tư công trong quý I đã có chuyển biến tích cực khi đạt mức tăng khá 13,2% (cùng kỳ năm trước đạt 12,7%) so với kế hoạch cả năm, mặc dù kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 cao hơn 18% so với năm 2019. Qua nghiên cứu cho thấy, thực hiện vốn đầu tư công là giải pháp hiệu quả giúp tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán của chúng tôi, giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% sẽ góp phần tăng 0,06 điểm phần trăm GDP.
Hằng năm, chúng ta chỉ giải ngân cao nhất 92% đến 93% kế hoạch, nếu năm 2020 giải ngân hết 100% vốn tức là giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 7% thì đã làm nền kinh tế tăng thêm 0,42 điểm phần trăm. Do đó cần tập trung quyết liệt xử lý nút thắt về đầu tư công để có tăng trưởng trong những quý tiếp theo.
Vừa qua, Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt, đổi mới về điều hành như giao vốn sớm và giao hết một lần để các bộ, ngành địa phương chủ động đưa vốn vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực đã góp phần khiến thủ tục đầu tư đơn giản hơn, tháo gỡ vướng mắc cho nên giải ngân đã khả quan hơn. Đây là những giải pháp cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Phóng viên: Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp, rất có thể sẽ xảy ra những đợt tăng giá cục bộ đối với một số mặt hàng như đã xảy ra đối với khẩu trang y tế, thịt lợn. Lạm phát quý I đã ở mức khá cao, Chính phủ cần có giải pháp gì để bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% cho cả năm?
Ông Nguyễn Bích Lâm: CPI bình quân quý I tăng cao cơ bản do giá thịt lợn tăng từ tháng 12 đến nay. Ngoài nguyên nhân này, áp lực lên lạm phát năm nay khá lớn còn do giá xăng dầu diễn biến tăng, giảm thất thường, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình.
Để kéo lạm phát xuống 4% như mục tiêu Quốc hội giao là khá khó khăn. Quan trọng nhất là phải tập trung phòng, chống tốt dịch tả lợn châu Phi và tái đàn, kéo giá lợn hơi xuống. Tổng cục Thống kê tham vấn Chính phủ cần yêu cầu các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương vào cuộc để rà soát tất cả các khâu trong chăn nuôi để thực hiện được mục tiêu này.
Phóng viên: Theo ông, đâu là giải pháp cho tăng trưởng năm 2020 và có nên điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội để phù hợp với diễn biến thực tế?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Kinh tế Việt Nam năm 2020 đối mặt với rất nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức lớn, cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cũng như sự hỗ trợ và chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các thực thể trong giai đoạn này.
Tôi cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu, chúng ta đạt mức tăng trưởng dương đã là thành tích đáng tự hào, điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng để năm nào chúng ta cũng đạt mục tiêu đề ra là không cần thiết.
Cùng với nỗ lực dập dịch sớm nhất, cần tập trung hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh tìm thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các ngành ảnh hưởng nghiêm trọng như giao thông, du lịch; vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước.
Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân. Tăng năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.
Tô Hà