Kinh tế Việt Nam 2023 được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Tháng 9/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2022 và 2023 của hơn 90% nền kinh tế phát triển, 80% nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi.
Tháng 10/2022, WB đánh giá, thế giới đang đối mặt với 'làn sóng thứ 5 của cuộc khủng hoảng nợ', nhiều quốc gia có nguy cơ mắc nợ trong bối cảnh lạm phát toàn cầu và lãi suất gia tăng. Tương tự, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 3,2% và năm 2023 chỉ còn 2,7%; hơn 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vượt qua thách thức, trở thành điểm sáng với đà tăng trưởng ấn tượng.
Theo báo cáo của Chính phủ trong phiên khai mạc kỳ họp thứ tư của Quốc hội, ngày 20-10-2022, kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ và sẽ là năm đầu tiên trong giai đoạn 3 năm dịch Covid-19, Việt Nam đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kinh tế đặt ra, một chỉ tiêu xấp xỉ đạt với tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 8,02%.
Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam nổi lên như điểm sáng cả về kim ngạch, mức xuất siêu, cơ cấu hàng hóa và sự phục hồi thị trường. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, vượt kết quả năm 2021 (668,5 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6%; xuất siêu ước đạt 11,2 tỷ USD. 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong số này có 8 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD. Lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt kim ngạch 11 tỷ USD), tức về đích trước hẹn so với mục tiêu Chính phủ đặt ra là đạt 10 tỷ USD vào năm 2025.
Tất cả các thị trường xuất khẩu đều phục hồi so với năm 2021. Trong đó, các thị trường là đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam có tăng trưởng ở mức cao, như: Liên minh châu Âu (EU) tăng 23,5%; khu vực Đông Nam Á tăng 23,3%. Do hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng khả quan, thu ngân sách nhà nước năm 2022 đã vượt hơn 26,4% so với dự toán.
Thành quả trên là sự hội tụ từ nỗ lực của các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, sự đoàn kết và ủng hộ của người dân, đặc biệt là từ việc chuyển hướng chiến lược chống dịch Covid-19, mở cửa, phục hồi kinh tế hiệu quả và bám sát các nguyên tắc nền tảng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong đó, nổi bật là xây dựng nền dân chủ, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy, trách nhiệm vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển; hướng đến con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực và mục tiêu của phát triển.
Năm 2023, Việt Nam đạt ngưỡng 100 triệu dân và quy mô GDP cán mốc 10 triệu tỷ đồng. Dù nền kinh tế Việt Nam đang có đà phục hồi mạnh mẽ, nhưng những bất định cũng gia tăng khiến tăng trưởng kinh tế và xuất nhập khẩu có thể chậm lại và thu hút vốn đầu tư nước ngoài chưa có đột phá rõ rệt.
Phát huy các thành công, không chủ quan, tự mãn và khai thác tốt hơn các động lực từ nền tảng đã có, chủ động nhận diện và linh hoạt vượt qua các thách thức, vừa chia sẻ niềm vui, tự tin và tự hào, vừa tỉnh táo hành động đúng cả trong kinh doanh và trong quản lý, cả vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài, nhằm tiếp tục hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đó là tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; Chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,5%.
Linh Chi (T/h)