Thứ sáu, 19/04/2024 00:58 (GMT+7)
Chủ nhật, 22/01/2023 12:00 (GMT+7)

Chuyện Tết của Nhà báo, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường

Theo dõi KTMT trên

Đối với những người làm báo, dịp cuối năm ngoài việc viết các bài tuyên truyền sự kiện thời sự, chính trị, phản ánh các hoạt động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn tập trung thực hiện nhiệm vụ quan trọng là xuất bản số báo đặc biệt –Báo Tết.

Thực tế đây là việc “xuân thu nhị kỳ”, nhưng với người làm nghề nó là kỷ niệm đáng nhớ và rất háo hức mong chờ. Ở Tạp chí Kinh tế Môi trường thì còn có một phương châm khác “làm hết việc chứ không hết giờ, làm hết mình chứ không sợ hết báo Tết”.

Nhà báo Hồ Ngọc Trưởng Văn phòng Đại diện TC KTMT tại miền Trung: Vinh dự lớn, trọng trách cao

Chuyện Tết của Nhà báo, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 1

Là một Trưởng văn phòng đại diện, cánh tay nối dài của Tạp chí tại miền Trung, trước Tết dương lịch khoảng 2 tháng, Ban Biên tập đã chỉ đạo cho các văn phòng trong đó có chúng tôi đăng ký, xây dựng kế hoạch xuất bản số báo Tết Âm lịch, bám sát vào yêu cầu nhiệm vụ đã được phân công theo các lĩnh vực tuyên truyền. Tôi đã cho họp văn phòng và phân công cho các phóng viên thực hiện theo nhiệm vụ, đồng thời chọn lựa phóng viên có kinh nghiệm, có khả năng tốt thực hiện các bài viết quan trọng. Ý thức ngay từ đầu năm, các phòng phóng viên đã chủ động thu thập, lưu giữ tư liệu cá nhân, nhất là các hình ảnh liên quan đến các lĩnh vực mình phụ trách để dành cho các bài báo Tết.

Phụ trách khu vực vừa là địa bàn miền núi vừa là nơi có nhiều bãi biển đẹp, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nên đề tài và chất liệu để cho phóng viên khai thác rất phong phú, nhất là về bản sắc văn hóa, phong tục tập quán… Ngoài những bài viết được thể hiện bằng thể loại chính luận, phản ánh thì thể loại được nhiều phóng viên sử dụng là phóng sự, ghi chép, ký…Đây là những thể loại mang chất văn học, nhẹ nhàng, hợp với “khẩu vị” người đọc trong ngày Tết.

Năm đầu tiên, sau khi bén duyên với Tòa soạn Tạp chí Kinh tế Môi trường và đặc biệt hơn là được làm số báo Tết cổ truyền, cá nhân tôi rất háo hức và chăm chút vào từng đề tài, từng con chữ trước khi chuyển ra tòa soạn để sắp trang và in báo. Một năm, không chỉ khu vực miền Trung và tập thể tòa soạn gặp nhiều khó khan, chúng tôi sẽ nỗ lực hơn để cùng với Ban Biên tập phát triển ngày một vững mạnh, trở thành tờ Tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực Kinh tế Môi trường.

Phóng viên Nguyễn Tùng: Sẽ được “ăn Tết” sớm hơn và lâu hơn

Chuyện Tết của Nhà báo, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 2

Có thể nói rằng, để sáng tạo các tác phẩm dành cho ấn phẩm xuân, không riêng gì phóng viên cơ quan tôi, mà hầu như nhà báo, phóng viên nào cũng dành sự ưu tiên đặc biệt. Và nói về cái tết của những người làm báo, đây luôn là thời điểm bận, rất bận. Với trải nghiệm của bản thân tôi, là một phóng viên thường trú tại tỉnh Đắklăc, việc tác nghiệp chuẩn bị cho các chương trình đón thường bắt đầu từ đầu tháng 12. Trong đó, các nội dung chủ yếu, xoay quanh việc đánh giá, nhìn lại kết quả 1 năm phát triển kinh tế, xã hội, những dấu ấn nổi bật của địa phương.  Dù vất vả, nhọc nhằn nhưng những người làm báo luôn thấy được niềm vui, sự lạc quan trong công việc. Cả năm tất bật cuốn theo các sự kiện, tháng này gối tháng sau… rồi “chớp mắt”, một mùa xuân mới, một năm mới lại tới. Tính ra đây cũng là cái thú của nghề báo, bởi khi đã chọn gắn bó với nghề này, sẽ được “ăn tết” sớm hơn và lâu hơn so với những người khác.

Nhà báo Phạm Giang Thư ký Tòa soạn: Phần thưởng 2 giải báo chí cao nhất trong năm là món quà Tết “To nhất, Lớn nhất” tôi từng nhận được

Đối với tôi, là một Thư ký tòa soạn được giao trọng trách phối hợp cùng với bộ phận làm báo Tết, khi các phòng phóng viên, văn phòng đại diện hoàn thành các bài viết theo kế hoạch, cũng là lúc Ban Thư ký tòa soạn bắt đầu bận rộn với việc sắp trang. Cường độ làm việc trong những ngày này gấp đôi, thậm chí gấp ba so với những ngày thường, do vừa phải làm tin tức hàng ngày trên trang điện tử, vừa phải khẩn trương hoàn thành báo Tết trong một thời gian ngắn. Có không ít bài báo đã vào trang, đến Ban Biên tập duyệt nhưng vẫn phải sửa, biên tập nhiều lần và cắt xén để đảm bảo chính xác, hay, gọn gàng. Biên tập viên, họa sỹ và bộ phận kỹ thuật thường phải làm thêm buổi tối để kịp in và đảm bảo thời gian phát hành.

Do áp lực về tiến độ, nên ở bộ phận này thường “náo nhiệt” nhất toà soạn trong những ngày gần Tết. Nhưng ai cũng hiểu, để có được tờ báo Tết, đôi khi phải chấp nhận thiệt thòi, hy sinh lợi ích cá nhân và phải nêu cao trách nhiệm với sản phẩm chung.Chuyện Tết của Nhà báo, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 3

Về phần cá nhân tôi, năm 2022 khép lại, đón chào Tết 2023 tôi thật hạnh phúc và tự hào khi nhận phần thưởng Tết “TO NHẤT, LỚN NHẤT” trong cuộc đời làm báo của mình. Phần thưởng đó là sự khẳng định vai trò, sứ mệnh của những người cầm bút như chúng tôi có thể góp sức mình phục vụ, đóng góp cho đất nước, cho người dân. Giây phút được bước lên bục nhận giải thưởng có lẽ là giây phút hạnh phúc và tự hào nhất đối với người làm báo. Bằng những bài viết, những hoạt động thiện nguyện, chúng tôi mong muốn mang nhiều hơn cái Tết ấm no tới những người dân có hoàn cảnh khó khan.

Phóng viên Hoàng Đức VPĐD tại miền Trung: Một bài báo Tết mà tôi rất tâm đắc

Thường vào dịp cuối năm hay cả những ngày Tết, thay vì được nghỉ ngơi tuyệt đối thì nhà báo như chúng tôi vẫn rong ruổi khi có một thông tin nóng báo về văn phòng, tòa soạn. Cuộc “chạy đua” tin tức giữa “báo nhà” với báo bạn, giữa đồng nghiệp với nhau không cho phép nhà báo ngưng nghỉ, dù là Tết đến Xuân về... Chúng tôi thường chọn cách ăn Tết lùi một vài ngày nếu có lịch trực, đó là những chuyến du Xuân ngắn cùng gia đình; là những ngày đi thăm người thân trong tiết trời đầu xuân.

Chuyện Tết của Nhà báo, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 4

Năm nay, lại là một năm đặc biệt với tôi khi được lãnh đạo Văn phòng giao cho đề tài thực hiện số báo Tết Xuân âm lịch. Với tôi, số báo Tết khi được giao phỏng vấn lãnh đạo tỉnh là một trọng trách tự hòa nhưng cũng là thử thách. Thật hồi hộp khi giờ đây bài viết đã tới tay bạn đọc trên khắp mọi miền Tổ quốc. Năm 2022, sự phát triển toàn diện của tỉnh Thanh Hóa đã được phản ánh trong một bài phỏng vấn mà tôi tâm đắc nhất.

Phóng viên Nguyễn Thị Linh Chi: Tết này tôi sẽ đi và viết nhiều hơn

Chuyện Tết của Nhà báo, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 5

Tôi đã từng đọc ở đâu đó rằng “Làm báo Tết là một thú vui gian khó” và các bài viết cho báo Tết phải tạo sự khác biệt về chủ đề, nội dung, đòi hỏi người viết phải tìm kiếm, ấp ủ, nung nấu cả năm mới có đề tài tâm đắc.

Tết đến xuân về còn là thời điểm lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh, các ngành đi thăm, chúc tết, tặng quà các cơ quan, đơn vị, bà con nhân dân. Và là một phóng viên trẻ, chưa vướng bận gia đình như tôi luôn trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu” tác nghiệp bất cứ lúc nào khi được Tòa soạn giao việc. Tết này, tôi sẽ đi và viết nhiều hơn nữa cho những hoàn cảnh kém may mắn khi không được đón tết cùng người thân gia đình, đặc biệt là những người làm công tác bảo vệ môi trường, gìn giữ môi trường xanh, sạch, đẹp.

Phóng viên Huỳnh Mai: Báo Tết là một nét đẹp văn hóa chỉ có ở Việt Nam

Cũng giống như bao anh chị, đồng nghiệp khác và trong rất nhiều trang Face của bạn bè, ấn tượng đặc biệt với tôi là bức ảnh hoa đào và dòng trạng thái của một chị đồng nghiệp: Chào tháng 12, tháng cuối cùng của năm, lại rộn rã một mùa báo Tết. Khi nhắc đến làm báo Tết, tôi lại thấy lòng bâng khuâng. Chúng tôi gọi là “Mùa báo Tết”. Và làm báo Tết - có lẽ là một nét đẹp văn hóa chỉ có ở Việt Nam.

Chuyện Tết của Nhà báo, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 6

Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, báo Tết ở Việt Nam bắt đầu có từ Tết Âm lịch năm 1918, tờ Báo Nam Phong cho ra một tuyển tập thơ văn như một giai phẩm xuân, có thể xem đây là "thủy tổ các số báo Xuân, báo Tân niên, báo đặc biệt” ở Việt Nam.

Nhưng, theo nhà văn Sơn Nam và nhiều ý kiến khác nữa thì tờ báo Lục Tỉnh Tân Văn số ra ngày 27 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (tức ngày 30/1/1908”  mới được coi là số báo Xuân đầu tiên của báo chí Việt Nam (Sơn Nam - báo Xuân năm Mậu Thân 1908 - Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh số ra ngày 17/1/1986).

Là một phóng viên trực thuộc Văn phòng đại diện miền Nam của tòa soạn, với nhiệt huyết và sức trẻ của mình, tôi sẽ cố gắng hết mình để có thể hoàn thành công việc được giao, phấn đấu năm 2023 cùng Tòa soạn phát triển và tiến xa hơn nữa.

Phóng viên Thanh Tùng: Viết bài cho báo Tết không hề dễ

Năm 2022, Tòa soạn Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có nhiều thay đổi về chất lượng các sản phẩm bài viết (bao gồm cả hình thức và nội dung). Là một phóng viên thuộc Văn phòng Đại diện miền Nam, tôi cảm nhận được rõ nét những sự thay đổi trên.

Chuyện Tết của Nhà báo, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 7

Trong không khí làm báo tết của tòa soạn, tôi được giao phân công viết một bài phỏng vấn lãnh đạo địa phương, là một phóng viên chuyên làm tin bài cho báo điện tử, với tôi viết bài cho báo Tết không hề dễ. Thử hình dung, toàn bộ quá trình lấy thông tin, xử lý thông tin, tôi phải thực hiện trước Tết khá xa. Thời điểm này cuộc sống, sinh hoạt đang diễn ra bình thường, nhưng mọi thứ đều gấp gáp bởi vì giai đoạn đang dần hồi phục sau đại dịch và khó khăn về kinh tế nên tôi phải "biến" một ngày bình thường thành một ngày rộn rã Xuân.

Cuối năm làm báo Tết vất vả nhưng vui, những người làm báo bao giờ cũng thấy mùa Xuân đến sớm.

Một mùa xuân mới lại đến. Chúng tôi những người làm báo tại Tạp chí Kinh tế Môi trường lại bước vào vòng quay hối hả, miệt mài để mang đến cho độc giả những trang báo xuân, báo Tết đặc sắc. Với những người làm báo nói chung và chúng tôi nói riêng, Tết đến từ khi hoa đào còn chưa nở, và trong khi “đang Tết”, “chính Tết”, họ vẫn không ngừng nghe ngóng, quan sát, tác nghiệp để cho “ra lò” những tác phẩm nóng hổi, mang hơi thở cuộc sống.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Chuyện Tết của Nhà báo, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới