Kiến nghị dừng triển khai xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới ở Việt Nam
Các liên minh đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng triển khai các nhà máy nhiệt điện than mới để rà soát, đánh giá toàn diện tính khả thi về tài chính, các tác động về sức khỏe, môi trường, an ninh, trật tự xã hội của các dự án này.
Ngày 30/12/2019, tại Hà Nội, Các liên minh của tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo vệ quyền - sức khỏe - môi trường - năng lượng – pháp lý (sau đây gọi tắt là các liên minh) đã họp để thảo luận về lộ trình và mục tiêu thực hiện phát triển bền vững (SDGs, 2030) mà Việt Nam đã cam kết tham gia và là một thành viên tích cực.
Các liên minh đã thảo luận, phân tích ý kiến đề xuất của Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) tại Hội nghị tổng kết ngành công thương tổ chức tại Hà Nội ngày 27/12/2019.
Nhiệt điện than là một vấn đề thực sự với môi trường. (Ảnh minh họa) |
Tại Hội nghị này, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi đề xuất Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình. Tuy nhiên, trả lời vấn đề nêu trên, Thủ tướng cho biết, đồng ý đẩy mạnh các dự án điện đang làm nhưng nếu tiếp tục phát triển nhiều dự án điện than mới ở Việt Nam, lo ngại dư luận không đồng tình. Nếu phát triển mới phải theo hướng năng lượng sạch.
Các liên minh cũng ghi nhận các tỉnh Bạc Liêu, Long An, Huế, Tiền Giang đã mạnh dạn bác bỏ các dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh để thay thế bằng nguồn năng lượng sạch hơn.
Các liên minh đồng thuận về nguy cơ hủy hoại môi trường, sức khỏe con người và đe dọa sự ổn định về an ninh chính trị, kinh tế, xã hội, pháp lý của việc duy trì và xây dựng mới các nhà máy nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đối với Việt Nam và khu vực. Trên thế giới hiện đang xuất hiện trào lưu rút vốn khỏi các nguyên liệu hóa thạch với số lượng ngân hàng thoái vốn khỏi các dự án nhiệt điện than ngày một nhiều để chuyển sang tài trợ cho các dự án năng lượng sạch và năng lượng bền vững.
Bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội. |
Bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội, đại diện Nhóm Công lý, môi trường và sức khỏe nhấn mạnh tại buổi tại tọa đàm: “Chính phủ nên tính toán giá minh bạch và đầy đủ của nhiệt điện than. Từ đó chúng ta mới có thể so sánh với các dạng năng lượng khác để chúng ta lựa chọn đúng với mục tiêu phát triển bền vững 3 trụ cột: kinh tế, môi trường và xã hội. Dứt khoát không đánh đổi kinh tế với môi trường, đảm bảo môi trường trong sạch cho mọi người dân chúng ta, sống không bệnh tật, sống khỏe để xây dựng đất nước Việt Nam”.
Các liên minh đưa ra 3 đề xuất: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng triển khai các nhà máy nhiệt điện than trong danh sách kèm theo để rà soát, đánh giá toàn diện tính khả thi về tài chính, các tác động về sức khỏe, môi trường, an ninh, trật tự xã hội của các dự án này; Chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp về kỹ thuật và kinh tế để tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; Bảo đảm thực thi các quy định nêu trong Hiến pháp 2013 và các văn bản có liên quan về dân chủ cơ sở trong việc tham vấn ý kiến người dân trong triển khai các dự án năng lượng, ngay từ khâu lập kế hoạch.
Trước đó, trao đổi với PV báo TN&MT tại Hội thảo khoa học “Chuyển đổi năng lượng vì mục tiêu phát triển bền vững”, PGS.TS. Lưu Đức Hải, nguyên Chủ nhiệm khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cũng đặt những câu hỏi về tính hiệu quả của các dự án nhiệt điện than. Chuyên gia này phân tích: “Hiện nay, điện từ các dự án thủy điện và nhiệt điện có giá thành rẻ nhất nhưng rõ ràng, nhiều yếu tố quan trọng khác chưa được tính vào giá thành như: tác động môi trường, nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên… Trong khi xăng dầu phải chịu thuế môi trường từ 3.000 - 4.000 đồng/lít thì thuế môi trường áp dụng đối với mỗi kg than để sản xuất nhiệt điện chỉ là từ 20 – 50 đồng. Con số này là không ổn”.
PGS. TS Lưu Đức Hải đề nghị cần đánh thuế môi trường đối với nhiệt điện. |
Chính vì thế, PGS.TS. Lưu Đức Hải đề xuất: “Tôi cho rằng trước mắt chúng ta cần tăng thuế môi trường đối với nhiệt điện vì với cách tính như hiện nay, Nhà nước đang trợ thuế và trợ giá cho ngành năng lượng truyền thống. Nếu chúng ta đánh thuế môi trường một cách chính xác và đầy đủ đối với nhiệt điện than, tôi tin rằng các nhà đầu tư sẽ tự rút lui chứ không cần phải can thiệp chính sách. Điều này cũng góp phần tạo điều kiện cho ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo phát triển”.
Nói về lợi ích đối với việc đánh thuế môi trường vào các ngành năng lượng truyền thống như nhiệt điện, thủy điện, vị chuyên gia này cho hay: “Lợi ích thứ nhất là Nhà nước có thêm nguồn thu ngân sách trong khi vừa hạn chế được những dự án đầu tư mới (do không còn hiệu quả kinh tế nữa). Thứ hai là ngành năng lượng sạch sẽ có cơ hội để bứt phá. Hai điều này đều có lợi cho môi trường, sức khỏe của người dân. Tuy nhiên vấn đề nhiều người lo ngại giá điện sẽ tăng nhưng tôi cho rằng, Việt Nam hiện nay là nước có giá điện thuộc hàng rẻ nhất khu vực và Nhà nước có nhiều cách để xử lý việc này. Chẳng hạn như chúng ta có thể trợ giá điện sinh hoạt trong khi điện kinh doanh thì sòng phẳng với nhau. Doanh nghiệp nước ngoài hiện đang được hưởng lợi nhờ giá điện rẻ ở Việt Nam”.