Thứ bảy, 27/04/2024 08:57 (GMT+7)
Thứ ba, 16/07/2019 09:47 (GMT+7)

Đại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và nguy cơ trở thành "đống sắt vụn"!

Theo dõi KTMT trên

Mặc dù được đầu tư 32.000 tỉ đồng trên tổng mức hơn 41.000 tỉ đồng, nhưng dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vẫn bị chậm tiến độ do thiếu vốn, làm tăng nguy cơ "biến" đại dự án này thành "đống sắt vụn"!

Theo tìm hiểu, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỉ đồng, đến nay tiến độ tổng thể đạt hơn 84% nhưng đang đối mặt với nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ. Dự án do Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu.

Tính đến ngày 30/6/2019, theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý điện lực dầu khí Thái Bình 2 (PVN) cho thấy, giá trị giải ngân từ khi khởi công của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là hơn 32.600 tỉ đồng, đạt 78,22% giá trị vốn trong tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2.

Thời gian dự kiến hoàn thành dự án mốc đốt dầu tổ máy số 1 là ngày 22/8/2019 và tổ máy số 2 là 11/12/2019. Còn mốc đốt than tổ máy 1 là ngày 26/9/2019 và tổ máy 2 là 20/2/2020. Cuối năm 2020, dự kiến dự án sẽ hoàn thành. Nhưng đây là tính theo cách khả quan khi dòng vốn “rót” cho dự án được khơi thông, còn hiện tại dự án này vẫn đang bị thiếu hụt vốn nghiêm trong.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó trưởng Ban Quản lý dự án cho biết, đối với phần vốn vay nước ngoài, tổng giá trị hợp đồng vay đã ký là hơn 937 triệu USD và đã giải ngân được trên 610 triệu USD. Đến nay, việc gia hạn thời gian giải ngân đối với các hợp đồng vay nước ngoài chưa được Bộ Tài chính đồng ý. Hiện PVN cùng các bên cho vay đang trong quá trình xem xét, phê duyệt nội bộ để tiếp tục gia hạn giải ngân.

"Đối với phần vốn vay trong nước, hiện nay các ngân hàng vẫn chưa thu xếp vốn vay cho dự án" - ông Dũng chia sẻ thêm.

Đại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và nguy cơ trở thành "đống sắt vụn"! - Ảnh 1
Đại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và nguy cơ trở thành "đống sắt vụn"!

Trước tình hình trên, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cho phép Tập đoàn này được dùng nguồn vốn chủ sở hữu để giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh.

Về việc này, ông Bùi Sơn Trường - Giám đốc Ban điều hành dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 - đại diện tổng thầu PVC cho hay, nếu giải quyết được vấn đề tiền và cơ chế thì chúng ta không bị lãng phí 32.000 tỉ đồng đã bỏ ra. Còn nếu tiền về chậm, chứ chưa nói đến chuyện không bỏ tiền nữa, thì chậm ngày nào phát sinh thêm chi phí ngày đó.

"Tiến độ dự án kéo dài thì chi phí cho bộ máy ban điều hành cũng tăng lên. Mỗi tháng chi phí cho ban điều hành, từ lương đến bảo vệ, điện nước, xe cứu hỏa, cứu thương,... tốn khoảng 3,5 tỉ đồng/tháng. Đó là những chi phí bất biến để duy trì bộ máy. Như vậy, chậm tiến độ 1 năm phải bỏ ra thêm hơn 40 tỉ đồng. Nếu chậm tiến độ 2 năm thì riêng số tiền này đã lên đến 80 tỉ đồng” - ông Bùi Sơn Trường tính toán.

Theo một nguồn tin của Vietnamnet cho biết về việc dự án “đói” vốn, nên đã có một nhà thầu gửi công văn lên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Công an tỉnh Thái Bình, Công an Hà Nội. Họ thông báo sẽ có đoàn đi đòi nợ từ 15-20 người tại 3 địa điểm: trụ sở PVC, PVN và nhà riêng của lãnh đạo PVC.

"Vướng mắc lớn nhất hiện nay là các điều kiện thanh toán giải ngân trong nội bộ hợp đồng giữa bên A và bên B, hai là cơ chế giải pháp từ các bộ ban ngành và Chính phủ. Về phía tổng thầu, nếu không có những khoản như vậy chúng tôi không hoàn thành được dự án. Còn những hệ lụy tiếp sau đó, ở vai trò tổng thầu chúng tôi cũng chưa đánh giá hết được" - ông Bùi Sơn Trường đánh giá.

Còn trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, ông Đinh Văn Sơn - Thành viên Hội đồng thành viên PVN cho rằng: Nếu dừng dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 thì tất cả chi phí chúng ta bỏ ra không thu hồi được. Hơn 30 nghìn tỉ đã giải ngân là giá trị sổ sách. Còn tính giá trị thực tế khi đang dở dang, là đống sắt vụn thì giá trị giảm... Đó là chưa nói lấy nguồn thu nào để trả nợ vay dự án.

Đức Trọng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và nguy cơ trở thành "đống sắt vụn"!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới