Kiên Giang: Tìm giải pháp quản lý nguồn nước trên đảo Phú Quốc
Hệ thống cấp nước sạch cho TP.Phú Quốc đã hoạt động gần hết công suất, bình quân 21.000 - 23.000 m3/ngày. Do nhu cầu sử dụng phát triển nhanh, dự kiến những năm tiếp theo công suất nhà máy nước sẽ không đủ để đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt.
Đô thị hóa quá nhanh gây sức ép lên hạ tầng
Vừa qua, UBND TP.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang phối hợp cùng với Ngân hàng thế thới (WB) và Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (Aus AID) tổ chức hội thảo trực tuyến về thúc đẩy quản lý nước bền vững tại Phú Quốc.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Các đại biểu đã tập trung thảo luận phát hiện của 2 sáng kiến hỗ trợ kỹ thuật có liên quan tới Phú Quốc.
Một là, đánh giá lợi ích của các giải pháp “Dựa vào thiên nhiên trong quản lý tổng hợp ngập đô thị ở Thái Lan và Việt Nam (do đối tác về nước của Úc tài trợ).
Hai là, đánh giá quản lý tổng hợp tài nguyên Nước (IWRMA) do WB tài trợ trong khuôn khổ dự án quản lý nước bền vững TP.Phú Quốc.
Theo Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang, hiện nay hệ thống cấp nước sạch cho các phường/xã của TP.Phú Quốc đã gần hết công suất. Nhà máy nước Dương Đông có công suất thiết kế 24.000m3/ngày đang cung cấp bình quân khoảng 21.000 - 23.000m3/ngày.
Nguyên nhân chính là do nhu cầu sử dụng nước tăng vượt dự báo, nên trong những năm tới sẽ khó đáp ứng nếu không tăng công suất.
Bên cạnh đó, việc thoát nước mưa và xử lý nước thải, hiện tại TP.Phú Quốc có tổng cộng 394 km đường cống thoát nước (đạt tiêu chí đô thị loại II), song những năm gần đây cứ có mưa lớn là đảo lại ngập cục bộ, có nơi ngập sâu hơn 1m nước. Nguyên nhân do tốc độ xây dựng đô thị quá nhanh, mật độ xây dựng và độ nén đô thị cao khiến cống quá tải.
Ngoài ra, hiện chỉ có một số ít khu nghỉ dưỡng cao cấp trên đảo là được trang bị hệ thống xử lý trước khi thải ra môi trường. Còn lại, hầu hết nước thải sinh hoạt của hơn 144.000 dân và hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh trên đảo đều xả trực tiếp không qua xử lý ra sông, suối, kênh rạch đổ vào một số nhánh sông lớn như sông Dương Đông, rạch Cửa Cạn, rạch Cầu Sấu, rạch Tràm rồi đổ ra biển.
Thách thức quản lý nước ngầm
Tại hội thảo các chuyên gia cũng đã đánh giá quản lý tổng hợp tài nguyên nước tại TP.Phú Quốc. Theo đó, thách thức về nhu cầu cấp nước đô thị gia tăng, việc quản lý nước ngầm còn bất cập. Đảo Phú Quốc thiếu các cơ sở thu gom hay xử lý nước thải tập trung. Hiện nay vẫn còn khoảng 40 tấn chất thải rắn/ngày trong tổng số khoảng 270 tấn tạo ra/ngày chưa được thu gom.
Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết những vấn đề này một cách có hệ thống theo hướng phù hợp với phương pháp IWRM như: Bảo tồn rừng tự nhiên, các chiến dịch trồng cây và trồng rừng, đập tràn, bãi sông trồng rau, tăng cường chức năng cho các hồ chứa, vùng đất ngập nước kiến tạo, quản lý khai thác nước ngầm, cải thiện hệ thống thoát nước, giải quyết hoạt động xử lý nước thải đô thị, giải quyết vấn đề thu gom chất thải rắn đô thị... nhằm tạo ra lợi ích các cơ hội giải trí và du lịch, nâng cao lợi ích của rừng, tăng thu nhập cho người dân địa phương trong xây dựng và bảo trì, mang lại cơ hội giải trí và du lịch, cung cấp các hoạt động nghỉ dưỡng, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và cải thiện khả năng sẵn sàng ứng phó khẩn cấp và giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên nhập khẩu…
"Phú Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức về nước, do đó, sau hội thảo này UBND tỉnh sẽ yêu cầu Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với BQL Khu Kinh tế Phú Quốc, UBND TP.Phú Quốc và các Sở, ngành có liên quan phối hợp với ngân hàng thế giới tại Việt Nam, các đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư của dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, để dự án sớm được đầu tư đưa vào khai thác sử dụng kế hoạch, tiến độ đã đề ra", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn nói.
Huỳnh Mai