Thứ sáu, 22/11/2024 19:20 (GMT+7)
Thứ tư, 23/02/2022 10:00 (GMT+7)

Không thực hiện khai báo y tế F0 sẽ mất những khoản tiền nào?

Theo dõi KTMT trên

Hiện nay tại nhiều địa phương số ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng cao, nhiều F0 đã tự cách ly và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu không khai báo với Trạm y tế địa phương, F0 sẽ bị mất một số khoản hỗ trợ.

Tiền trợ cấp ốm đau

Tại Điều 25 Luật BHXH quy định khi gặp vấn đề về sức khỏe, người lao động được hưởng chế độ ốm đau nếu đáp ứng đủ các điều kiện như người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc và bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động, phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Như vậy, trường hợp người lao động nhiễm Covid-19 đang đóng BHXH và điều trị tại nhà thì được hưởng chế độ ốm đau nếu có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền.

Về quy định cấp xác nhận, theo công văn của Cục Quản lý khám chữa bệnh thì người lao động là F0 muốn hưởng chế độ ốm đau phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo mẫu quy định tại Thông tư 56/2017.

Không thực hiện khai báo y tế F0 sẽ mất những khoản tiền nào? - Ảnh 1
Nếu không khai báo với Trạm y tế địa phương, F0 sẽ bị mất một số khoản hỗ trợ.

Cụ thể, để được hưởng chế độ ốm đau, người lao động là F0 cần thực hiện thủ tục như sau:

Bước 1: Xin cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội.

Sau khi hoàn thành cách ly, điều trị tại nhà, người lao động là F0 cần liên hệ trung tâm y tế, trạm y tế chăm sóc, quản lý để xin cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội. Nếu được cấp không đúng mẫu quy định, người lao động được đề nghị cơ sở y tế cấp lại.

Bước 2: Nộp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau cho doanh nghiệp.

Căn cứ Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021, người lao động phải nộp cho doanh nghiệp bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Thời hạn nộp: Trong 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc. Nếu nộp muộn khiến doanh nghiệp chậm nộp cho cơ quan BHXH, phải giải trình lý do bằng văn bản.

Sau khi nhận hồ sơ từ người lao động, doanh nghiệp sẽ lập thêm Mẫu số 01B-HSB và gửi toàn bộ hồ sơ cho cơ quan Bảo hiểm xã hội trong 10 ngày làm việc.

Bước 3: Nhận tiền trợ cấp ốm đau từ cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Thời hạn giải quyết trả trợ cấp cho người lao động là tối đa 06 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận đủ hồ sơ.

Số tiền trợ cấp được tính theo công thức như sau: Mức hưởng = 75% x Tiền lương đóng Bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ/24 ngày x số ngày nghỉ.

Bên cạnh đó, người lao động còn được nhận tiền dưỡng sức sau khi điều trị Covid-19 trong trường hợp sau:

Sau khi điều trị Covid-19, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc mà sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5 ngày (theo Điều 29 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức là 447.000 đồng/ngày, tổng là 2,235 triệu đồng.

Xử phạt vì không khai báo

Bên cạnh đó, F0 điều trị tại nhà cũng có nguy cơ đối mặt với một số khoản phạt nếu không khai báo với cơ sở y tế.

Cụ thể, theo điểm a khoản 3 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: Người có hành vi "che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mặc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A" sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Trong khi đó, theo Quyết định 219/QĐ-BYT của Bộ Y tế, Covid-19 đã được liệt kê là một trong những bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Như vậy, người nhiễm Covid-19 che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời tình trạng bệnh với Trạm y tế nơi đang sinh sống sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Không thực hiện khai báo y tế F0 sẽ mất những khoản tiền nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới