Khánh Hoà: Ước vọng xây dựng Cam Lâm thành đại đô thị
UBND tỉnh Khánh Hoà đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương cho phép quy hoạch chung đô thị mới theo hướng trở thành “vùng đô thị sân bay hiện đại, sinh thái và kết nối quốc tế” và hướng đến đô thị loại 1.
Tập trung nhiều tiềm năng phát triển
Huyện Cam Lâm có vị trí nằm giữa 2 thành phố Cam Ranh và Nha Trang với bờ biển dài 13 km. Với vị trí là đô thị nằm giữa, Cam Lâm có vai trò quan trọng trong việc kết nối chuỗi các đô thị gồm: Nha Trang, Diên Khánh và Cam Ranh, tạo thành cấu trúc đô thị đa dạng, với mỗi đô thị mang tính đặc thù riêng, bổ trợ lẫn nhau, tạo thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, với cấu trúc thềm lục địa rộng lớn, bãi cát dài và mịn ven biển, quang cảnh thiên nhiên đẹp, thuận lợi cho việc phát triển du lịch biển đảo và nghỉ dưỡng. Sau Nha Trang, du lịch Cam Lâm đang là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Điển hình, những năm gần đây, Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh đã mọc lên hàng loạt khách sạn, resort đẳng cấp 5 sao. Khu vực này đã có 40 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 29.341 tỉ đồng. Trong đó, 11 dự án chính thức đi vào hoạt động; 21 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng, 6 dự án đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và 2 dự án đang thực hiện các thủ tục.
Nhiều tập đoàn lớn đã và đang đầu tư vào Cam Lâm. Điều này tạo nên động lực rất lớn để đưa vùng đất ven đầm Thủy Triều vươn tầm phát triển..
Đồng thời, Cam Lâm đủ điều kiện tạo thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội làm cơ sở hình thành hệ thống đô thị khung cho đô thị Khánh Hòa trong tương lai, đảm bảo sự liên kết, đồng bộ, khai thác hiệu quả hạ tầng vùng, liên thành phố. Ngoài ra, Cam Lâm cũng có nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua (đường sắt, đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1), đặc biệt gần sân bay quốc tế Cam Ranh và cảng Cam Ranh.
Thực hiện ước vọng trở thành đại đô thị
Trước những tiềm năng to lớn đó, vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương cho phép quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm theo hướng trở thành “vùng đô thị sân bay hiện đại, sinh thái và kết nối quốc tế” và hướng đến đô thị loại 1.
Trong cuộc họp thẩm định đồ án Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của huyện Cam Lâm, đơn vị tư vấn (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ địa chính, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) cũng đã đưa ra đề xuất, các khu vực thị trấn Cam Đức, Bãi Dài và phía đông đầm Thủy Triều sẽ trở thành đô thị du lịch.
Trong đó, đô thị Cam Đức đảm nhận chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện; trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp phía nam tỉnh. Huyện sẽ tập trung đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm hoàn thành phát triển không gian và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật để thị trấn Cam Đức đạt tiêu chí đô thị loại IV thuộc tỉnh vào năm 2030.
Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, ông Ngô Văn Bảo cho biết: “Hiện nay, các tập đoàn lớn và công ty thành viên đề xuất quy hoạch và đầu tư các dự án về: Đô thị sân bay, khu đô thị sinh thái, tổ hợp dịch vụ, du lịch thương mại vui chơi giải trí tại huyện Cam Lâm.
Đồng thời, huyện cũng định hướng sẽ phát triển thương mại dịch vụ hiện đại tại khu vực bắc bán đảo Cam Ranh để phục vụ giao dịch, mua sắm và phát triển du lịch; hình thành trung tâm giao dịch các mặt hàng nông sản tại xã Cam Hải Tây để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán, trao đổi và phát triển luồng hàng; triển khai xây dựng 3 trung tâm thương mại cụm xã là Cam Tân - Cam Hòa, Cam An Nam, Cam Hải Tây.”
Dự kiến, cho đến năm 2030, trên địa bàn huyện sẽ hình thành nhiều khu du lịch sinh thái như: KDL sinh thái Hòn Bà (tại xã Suối Cát); KDL sinh thái trên hồ Suối Dầu (tại xã Suối Tân), KDL sinh thái trên hồ Cam Ranh (tại xã Cam Tân)…
Theo ông, trong năm mới 2022, các cấp lãnh đạo sẽ cố gắng đưa ra đường lối phù hợp, tạo nền móng và đánh dấu sự chuẩn bị cho một đại đô thị Cam Lâm trong tương lai.
Huỳnh Mai