Khánh Hòa: Đến 2025, 100% các xã, phường, thị trấn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Khánh Hòa đặt ra mục tiêu đến năm 2025 và các năm tiếp theo, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu đạt được các mục tiêu: 100% các xã, phường, thị trấn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định. Hệ thống, mạng lưới và đội ngũ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ cấp huyện đến cấp xã được kiện toàn lại.
Các cơ sở thu gom, vận chuyển cải tạo nâng cấp phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu theo quy định và đảm bảo thu gom, vận chuyển các loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại. Các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định được đưa vào hoạt động.
UBND tỉnh giao thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức quán triệt kế hoạch này, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai hiệu quả phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề nghị các đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hoàn thiện quy trình kỹ thuật trong việc thu gom, vận chuyển, tiếp nhận, xử lý/tái chế từng nhóm chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại để thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát và thanh toán kinh phí xử lý/tái chế đúng quy định; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt hiệu quả.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được thu gom khoảng 398.472 tấn/năm; tương đương hơn 1.135tấn/ngày. Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cơ bản được thực hiện khá tốt, đặc biệt ở khu vực đô thị với tỷ lệ thu gom đạt 95%; ở khu vực nông thôn đạt khoảng 80%. Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu vẫn là chôn lấp.
Hiện nay, chỉ có các bãi chôn lấp Lương Hòa (TP. Nha Trang), Hòn Rọ (thị xã Ninh Hòa) và Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh) áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh; các bãi chôn lấp còn lại ở các địa phương đều cơ bản chưa hợp vệ sinh, một số bãi chôn lấp tự phát, một số đang trong tình trạng quá tải...
Hiện tại, trong năm 2024, tất cả các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn đều ban hành chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, tập kết, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (sổ tay, clip, hướng dẫn kỹ thuật hoặc các hình thức khác phù hợp) và đội ngũ tuyên truyền viên cấp huyện, cấp xã để tuyên truyền việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư. Quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định, trong đó ưu tiên bố trí kết hợp điểm tiểp nhận chất thải nguy hại và chất thải rắn cồng kềnh để hộ gia đình, cá nhân đổ thải đúng quy định.
Hà My