Kẹo cao su sẽ phải đóng phí bảo vệ môi trường?
Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường 2020 đề xuất: Nhà sản xuất, nhập khẩu dự kiến phải đóng 1,5% giá trị lô hàng vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ thu gom, xử lý bã kẹo cao su.
Kẹo cao su, xét cho cùng là một phát minh tuyệt vời của nhân loại. Mặc dù lượng polyisobutene ở kẹo cao su không đủ để gây hại cho người sử dụng, nhưng nguyên liệu này ngăn không cho bã kẹo phân hủy sinh học. Điều đó khiến cho các nhà khoa học môi trường cho rằng, kẹo cao su là nguồn rác lớn thứ hai trên thế giới, sau tàn thuốc.
Ước tính, mỗi năm người dân trên toàn cầu thải ra khoảng 600.000 tấn bã kẹo cao su. Đây là loại chất thải không dễ phân hủy, là loại rác thải phổ biến ở các đô thị, gây nguy hại môi trường.
Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường 2020 đề xuất: Nhà sản xuất, nhập khẩu dự kiến phải đóng 1,5% giá trị lô hàng vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ thu gom, xử lý bã kẹo cao su.
Theo đó, quy định đưa ra nhằm yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm chia sẻ gánh nặng tài chính với nhà nước và người dân.
Lý giải đề xuất này, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ TN&MT) Phan Tuấn Hùng cho biết, kẹo cao su chủ yếu được làm từ nhựa, vì vậy nếu tồn tại trong môi trường tự nhiên sẽ gây tác động xấu cho môi trường, sinh vật; đặc biệt vấn đề lớn nhất của loại kẹo này là thu gom bã.
"Bã kẹo cao su sau khi sử dụng gần như không thể thu gom, trường hợp thu gom thì chi phí bỏ ra để làm sạch trên bề mặt đường phố, khu vực công cộng, trường học là rất lớn, gây ô nhiễm, mất mỹ quan".
Thêm vào đó, khoản đóng góp 1,5% (giá trị mỗi lô hàng nhập khẩu) là nguồn chia sẻ gánh nặng cho các địa phương trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt vốn luôn thiếu kinh phí, quá tải.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Hoàng Phượng, chuyên gia Chính sách và pháp luật cho hay, tổ chức Zero Waste Scotland ước tính phải tốn 3 USD (hơn 60.000 đồng) để làm sạch một mẩu bã kẹo cao su; mỗi năm nước Anh phải chi hơn 400 triệu bảng Anh cho việc dọn dẹp đường phố vì loại rác thải này.
"Ở Việt Nam bã kẹo cao su ở khắp mọi nơi, từ di tích, vỉa hè, ghế đá, nhà hát. Việc làm sạch được thực hiện hoàn toàn thủ công, người lao công khi quét đường phải dùng vật sắc, nhọn để cạo bã kẹo điều này không chỉ dẫn đến việc tốn công lao động mà còn giảm hiệu quả của việc quét dọn".
Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã có những quy định nghiêm khắc về trách nhiệm của nhà sản xuất đối với kẹo cao su, như Hàn Quốc áp chi phí 1,8 % giá bán hoặc nhập khẩu từ năm 1993; Pháp sẽ áp dụng trách nhiệm mở rộng với nhà sản xuất từ năm 2024.
Tại một số quốc gia như Singapore, kẹo cao su bị cấm bán và sử dụng từ năm 1990, với mức phạt 1.000 đô la Singapore và lao động công ích trong 10 giờ. Lệnh cấm đó không chỉ giúp nơi công cộng của đất nước xanh này diện một chiếc áo sạch đẹp, mà còn góp phần hạn chế tối đa tác hại của bã kẹo cao su gây ra trên hệ thống giao thông thông minh tại đây. Đến nay, luật này vẫn còn hiệu lực và du khách rất hiếm thấy hình ảnh nhai kẹo cao su nơi đông người tại quốc gia này.
Trong khi đó tại London, để phục vụ cho Olympic 2012, Thành phố phải chi tiền để cạo sạch hơn 300.000 bã kẹo, trải dài trên 3 km vỉa hè. London phải tốn đến 3 USD (khoảng 60.000 VND) cho một vết bã kẹo, tức là tổng cộng khoảng 900.000 USD (khoảng 20 tỉ VND) đã tiêu tốn chỉ vì ý thức của con người. Và đây cũng là vấn đề tại nhiều thành phố lớn trên thế giới.
PGS.TS Lê Thu Hoa, Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định: “Đây là thời điểm hợp lý để áp dụng thu phí với nhà sản xuất bã kẹo cao su vì chi phí thu gom, xử lý mặt hàng này cao”.
Kẹo cao su sử dụng nguyên liệu sản xuất chủ yếu là nhựa plastic tẩm hương liệu, chi phí sản xuất rẻ thay vì sản xuất bằng nguyên liệu sinh học, dễ phân hủy. Vì vậy, nên đánh thuế riêng đối với loại kẹo cao su làm bằng nhựa để các nhà sản xuất chuyển đổi nguyên liệu.
Thùy Linh (T/h)