Thứ ba, 30/04/2024 22:03 (GMT+7)
Thứ hai, 13/12/2021 16:00 (GMT+7)

Jakarta: Không thể giải bài toán ô nhiễm không khí

Theo dõi KTMT trên

Jakarta được xem là một trong những thành phố kẹt xe nhất thế giới. Mỗi ngày, có khoảng 20 triệu phương tiện chen chúc nhau trên 6.500 km phố xá. Dường như không có cách nào giúp dứt điểm tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ của Jakarta.

Thực trạng ô nhiễm không khí ở Jakarta

Theo các công cụ giám sát chất lượng không khí, thành phố 11 triệu dân này luôn giữ vị trí top đầu trong số những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Dữ liệu từ Cơ quan Y tế Jakarta cho thấy vào năm 2019, trước khi đại dịch bắt đầu, thành phố chỉ có 2 ngày chất lượng không khí được coi là “trong lành”.

Trong suốt quãng thời gian còn lại của năm, thành phố chìm trong khói độc và các hạt bụi mịn từ phương tiện giao thông, xí nghiệp và nhà máy nhiệt điện than xung quanh thủ đô.

Vào năm 2020, bất chấp các quy định hạn chế di chuyển, số ngày trong lành chỉ tăng lên 29 ngày. Và rồi khi các quy định phong tỏa được nới lỏng, chất lượng không khí đã dần trở lại như trước thời kỳ đại dịch.

Jakarta: Không thể giải bài toán ô nhiễm không khí - Ảnh 1
Không khí ở Jakarta thường ở mức không tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Không khí ở Jakarta thường chứa các loại khí độc hại ở mức không tốt cho sức khỏe như carbon monoxide, sulfur dioxide, nitrogen dioxide và ozone ở tầng mặt đất cũng như các chất dạng hạt (PM). Với kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, bụi PM2.5 có thể đi vào máu và tích tụ ở các bộ phận khác nhau của cơ thể con người. Điều này có thể dẫn đến các bệnh tim mạch và hô hấp.

Trong nghiên cứu Chỉ số Chất lượng Cuộc sống Hằng năm, Viện Chính sách Năng lượng thuộc Đại học Chicago cho biết nồng độ PM2.5 trung bình mà người dân Jakarta tiếp xúc mỗi ngày cao hơn sáu lần mức nồng độ PM2.5 mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Viện ước tính rằng trung bình tuổi thọ của người dân Jakarta sẽ tăng lên 5,5 năm nếu thành phố cải thiện được chất lượng không khí đến mức mà WHO đề ra.

Xe cộ là nguồn phát thải lớn nhất

Jakarta được xem là một trong những thành phố kẹt xe nhất thế giới. Mỗi ngày, có khoảng 20 triệu phương tiện chen chúc nhau trên 6.500 km phố xá. Các phương tiện giao thông – bao gồm của cả những người sống ở ngoại ô nhưng phải đi lại, làm việc trong thành phố – không chỉ góp phần khiến tình trạng tắc nghẽn thêm phần nghiêm trọng, mà chúng còn thải ra khói độc và các hạt bụi gây ô nhiễm không khí.

Theo một nghiên cứu do tổ chức y tế toàn cầu Vital Strategies thực hiện, được công bố vào tháng chín năm ngoái, xe cộ đóng góp 32% đến 57% lượng khí thải gây ô nhiễm không khí. Irvan Pulungan, đặc phái viên của Thống đốc Jakarta về biến đổi khí hậu, cho biết thành phố đang nỗ lực đưa ra một số chính sách nhằm kiểm soát ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông gây ra. “Chúng tôi thực sự quan tâm đến vấn đề này. Chúng tôi không thể ngăn cản mọi người sử dụng xe hơi, nhưng chúng tôi có thể giảm thiểu phần nào tình trạng ô nhiễm thông qua các chính sách này”, Pulungan nhấn mạnh.

Jakarta: Không thể giải bài toán ô nhiễm không khí - Ảnh 2
Tắc đường tại quốc gia này gấp nhiều lần tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Ông cho biết, vào năm 2019, chính quyền thành phố đã yêu cầu tất cả các phương tiện cá nhân phải vượt qua các bài kiểm tra khí thải. Trong một dự án thử nghiệm, những ai không vượt qua bài kiểm tra sẽ phải trả phí đậu xe cao hơn. Bên cạnh đó, các nhà chức trách cũng đang thiết lập các khu vực phát thải thấp, nơi các phương tiện có lượng phát thải cao sẽ không thể chạy qua.  Tuy vậy, số người tham gia kiểm tra khí thải còn thấp.

Năm 2020, Jakarta có 3 triệu xe hơi và 16 triệu xe máy lưu hành. Tuy nhiên, theo số liệu của Cơ quan Môi trường Jakarta, cũng trong năm đó, chỉ có 13.019 xe tham gia các cuộc kiểm tra khí thải do chính quyền thành phố tổ chức. Chính quyền thành phố đang nỗ lực vận động để có thêm nhiều xe hơi và xe máy được kiểm tra khí thải. Bắt đầu từ năm sau, cảnh sát Jakarta dự kiến ​​tiến hành các cuộc kiểm tra và phạt 500.000 rupiah (tương đương 35,18 USD) đối với xe hơi và 250.000 rupiah đối với xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn phát thải.

Ô nhiễm không khí ở Jakarta không thể cứu vãn

Dường như không có cách nào giúp dứt điểm tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ của Jakarta. Dữ liệu chất lượng không khí do công ty giám sát Nafas cung cấp cho thấy vào giữa đêm và sáng sớm, mức độ ô nhiễm không khá hơn là bao so với ban ngày khi đường phố tắc nghẽn và các xí nghiệp hoạt động.

Thời điểm không khí trong lành nhất là khi có trận gió lớn giúp thổi bay các chất ô nhiễm, hoặc khi cơn mưa rào cuốn trôi các chất ô nhiễm. “Jakarta phụ thuộc rất nhiều vào cơn mưa để làm sạch không khí. Chúng tôi có không khí sạch là nhờ mưa chứ không phải vì Chính phủ đang làm tốt công việc kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông và các nhà máy nhiệt điện than”, Andriyanu của Greenpeace nhấn mạnh.

Jakarta: Không thể giải bài toán ô nhiễm không khí - Ảnh 3
Người dân Jakarta đã kiện Chính phủ vì ô nhiễm. (Ảnh minh họa)

Irvan Pulungan, đặc phái viên của Thống đốc Jakarta, nhấn mạnh rằng “chúng tôi không hề án binh bất động”. Chính quyền thành phố đang rất nỗ lực để người dân bỏ phương tiện cá nhân ở nhà và chuyển sang sử dụng xe buýt, tàu điện. “Chúng tôi đang phát triển hệ thống giao thông công cộng, mở rộng vỉa hè để khuyết khích mọi người đi bộ, xây dựng làn đường cho xe đạp, xây dựng cơ sở hạ tầng cho giao thông phi cơ giới”.

Người đứng đầu Bộ Môi trường Chaniago cho biết, Indonesia đã cam kết ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới vào năm 2030 và chuyển sang phụ thuộc hoàn toàn vào các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2060. “Những việc này cần có thời gian. Đây không phải là thứ mà chúng ta có thể hoàn thành trong ngày một ngày hai bằng cách niệm thần chú ‘úm ba la xì bùa’. Rồi thì sẽ đến lúc chúng ta thành công”, ông kết luận.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Jakarta: Không thể giải bài toán ô nhiễm không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).