Thứ bảy, 23/11/2024 06:04 (GMT+7)
Thứ tư, 08/12/2021 09:00 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí là nguy cơ lớn nhất đe dọa các thành phố châu Âu

Theo dõi KTMT trên

Ô nhiễm không khí là nguy cơ sức khỏe môi trường lớn nhất đối với các thành phố ở châu Âu, mặc dù tình trạng ô nhiễm đã được cải thiện trong 2 thập kỷ qua do lệnh phong tỏa bởi dịch Covid-19.

Báo động ô nhiễm nghiêm trọng

Mới đây, Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) cho biết, mặc dù tình trạng ô nhiễm không khí đã được cải thiện trong 2 thập kỷ qua và mức độ ô nhiễm đã giảm do lệnh phong tỏa trong bối cảnh dịch Covid-19 vào năm ngoái, nhưng phần lớn người dân ở các thành phố châu Âu phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí ở mức có hại cho sức khỏe.

Ô nhiễm không khí là nguy cơ sức khỏe môi trường lớn nhất ở châu Âu, với các hạt vật chất mịn gây ra 307.000 ca tử vong sớm ở Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2019, tuy nhiên, theo EEA, con số này ít hơn khoảng 33% so với năm 2005.

EEA cho biết, khoảng 97% dân số thành thị của EU tiếp xúc với các hạt vật chất mịn có nồng độ vượt quá hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2019, trong khi 94% đối mặt với nồng độ Nitơ điôxít vi phạm tiêu chuẩn của WHO.

Tiếp xúc với ô nhiễm không khí cung liên quan đến ung thư phổi, bệnh tim mạch và hen suyễn. Tuy vậy, dữ liệu tạm thời trong năm 2020, chưa được xác thực đầy đủ, đã chỉ ra một số cải thiện trong vấn đề ô nhiễm không khí. EEA cho rằng, điều đó, có thể là do điều kiện thời tiết và lệnh phong tỏa trong đại dịch, tạm thời hạn chế hoạt động công nghiệp gây ô nhiễm và giao thông.

Ô nhiễm không khí là nguy cơ lớn nhất đe dọa các thành phố châu Âu - Ảnh 1
Các thành phố châu Âu vẫn phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí ở mức có hại cho sức khỏe. (Ảnh: Shutterstock)

Tại 27 quốc gia thành viên của EU và các quốc gia châu Âu khác, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và Kosovo, 95% trạm giám sát chất lượng không khí đã ghi nhận nồng độ các hạt mịn vượt quá hướng dẫn của WHO vào năm 2019 và giảm xuống còn 92% trạm vào năm 2020. Tương tự, 79% trạm giám sát chất lượng không khí đã ghi nhận nồng độ Nitơ đioxit cao hơn hướng dẫn của WHO vào năm 2019 và giảm xuống còn 71% trạm trong năm 2020.

Nồng độ hạt bụi mịn được tạo ra từ các nguồn bao gồm giao thông, công nghiệp, và ở Trung và Đông Âu có liên quan đến việc đốt nhiên liệu rắn để sưởi ấm trong nhà. Bosnia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Bulgaria thuộc những quốc gia có mức độ nồng độ hạt mịn cao nhất. Các điểm nóng về ô nhiễm NO2, chủ yếu do giao thông đường bộ, bao gồm Đức và Luxembourg.

Báo cáo nêu rõ, khoảng cách giữa các giới hạn của WHO mà tổ chức này đã thắt chặt vào năm nay sau khi xem xét các bằng chứng khoa học về mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe và giới hạn chất lượng không khí của riêng EU, vốn đã lỏng lẻo hơn nhiều.

Đặc biệt, chỉ 1% các trạm giám sát chất lượng không khí ghi nhận nồng độ hạt mịn hoặc NO2 cao hơn mức giới hạn của EU vào năm ngoái. EU cho biết, họ sẽ sửa đổi các tiêu chuẩn chất lượng không khí của Liên minh vào năm tới, để phù hợp hơn với tiêu chuẩn của WHO.

EU sẽ thắt chặt các quy định về ô nhiễm không khí

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết EU sẽ thắt chặt các quy định về ô nhiễm không khí, chất thải và sử dụng hóa chất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giải quyết các nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học. Đồng thời, EC sẽ sửa đổi các giới hạn ô nhiễm không khí của EU vào năm 2022 để phù hợp hơn với các khuyến nghị sắp tới của WHO.

Kế hoạch giải quyết ô nhiễm của EC đặt ra các mục tiêu cho năm 2030 và định hướng đến năm 2050 về việc giảm ô nhiễm không khí, nước và đất đến mức không còn gây hại cho sức khỏe và thiên nhiên. Không khí ô nhiễm là thủ phạm chính và có liên quan đến các mục tiêu biến đổi khí hậu của EU, đồng thời các nhà máy và ô tô cũng thải ra chất ô nhiễm như CO2 khiến Trái Đất nóng lên.

Bên cạnh đó, EC đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm ít nhất 55% số ca tử vong sớm liên quan đến ô nhiễm không khí. Cơ quan này cũng cho biết chất lượng không khí của châu Âu đã được cải thiện trong những năm gần đây nhưng vẫn còn gây ra số ca tử vong lớn, với 379.000 ca tử vong sớm ở EU vào năm 2018 liên quan đến việc tiếp xúc với các chất dạng hạt. Đồng thời, EC sẽ sửa đổi các giới hạn ô nhiễm không khí của EU vào năm 2022 để phù hợp hơn với các khuyến nghị sắp tới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các quy định "Euro 7" chặt chẽ hơn, dự kiến sẽ được đề xuất trong năm nay, cũng sẽ hạn chế ô nhiễm từ phương tiện giao thông.

Các mục tiêu khác cho năm 2030 bao gồm giảm phát thải 25% trong các hệ sinh thái, nơi ô nhiễm không khí đe dọa đa dạng sinh học và giảm 50% rác thải nhựa trên biển. Để đạt được những mục tiêu đó, EC sẽ đề xuất các biện pháp loại bỏ dần các chất gây rối loạn nội tiết - hóa chất can thiệp vào hormone, xem xét giới hạn lượng khí thải amoniac từ chăn nuôi và nhà máy, đồng thời sửa đổi các quy định về thuốc trừ sâu để giảm việc sử dụng hóa chất.

Ngoài ra, theo dữ liệu sơ bộ từ các trạm quan trắc của EEA, gần như tất cả 27 quốc gia EU đã vi phạm ít nhất 1 giới hạn về các chất gây ô nhiễm không khí trong năm 2020. Trong đó, các điểm nóng ở 8 nước thành viên trong khối đã phá vỡ giới hạn hằng năm về ô nhiễm khí nitơ dioxide (NO2), tuy nhiên đây cũng đã là sự cải thiện đáng kể so với con số 18 quốc gia được ghi nhận năm 2019, EEA cho hay.

Nguyên nhân một phần là do áp dụng các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn đại dịch Covid-19, giúp giảm mạnh lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường. Đã từ lâu giao thông là nguồn gốc ô nhiễm NO2 chính gây ra bệnh hen suyễn và các vấn đề về hô hấp.

300.000 ca tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí

Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) cho hay, ô nhiễm không khí đang là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe người dân Châu Âu. Hầu hết số ca tử vong được ghi nhận do ô nhiễm không khí, dẫn đến các căn bệnh như tim, phổi, ung thư và đột quỵ. Mặc dù số ca tử vong đã giảm 10%, song ô nhiễm không khí vẫn gây ra 307.000 cái chết mỗi năm ở châu Âu.

Theo đó, số ca tử vong tại Châu Âu trong năm 2019 có thể giảm xuống 1/2 nếu các thành viên EU tuân thủ các hướng dẫn từ WHO về duy trì môi trường, chất lượng không khí sạch. Trong năm 2018, Châu Âu đã xác nhận 346.000 trường hợp tử vong do ô nhiễm bụi mịn đường kính dưới 2,5 micromet (PM2.5).

EEA cũng ghi nhận những ca tử vong do các hợp chất ô nhiễm gây nguy hiểm khác. Các trường hợp tử vong do nitro dioxide chủ yếu từ xe cộ, nhà máy nhiệt điệt đã giảm 4 lần xuống còn 40.000 ca từ năm 2018-2019. Các trường hợp tử vong liên quan đến tầng ozone cũng đã ghi nhận giảm 13% xuống 16.800 ca được xác nhận. 

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí là nguy cơ lớn nhất đe dọa các thành phố châu Âu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới