Indonesia đặt mục tiêu 10.000 xe buýt điện vào năm 2030
Transjakarta - nhà điều hành xe bus thuộc sở hữu của chính quyền thủ đô Jakarta (Indonesia) vừa công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm nâng số đầu ô tô buýt điện (e-bus) lên 10.000 chiếc vào năm 2030.
Transjakarta - nhà điều hành xe bus thuộc sở hữu của chính quyền thủ đô Jakarta (Indonesia) vừa công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm nâng số đầu ô tô buýt điện (e-bus) lên 10.000 chiếc vào năm 2030 trong bối cảnh thành phố này đang nỗ lực cải thiện chất lượng không khí.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ông Candra Rakhmat, Trưởng Phòng kế hoạch của Transjakarta, cho biết công ty đã lên kế hoạch phát triển với việc bổ sung 100 xe buýt điện mới vào năm 2021, đưa tỉ lệ xe này lên mức 3% tổng số đầu xe.
Ông Candra cho hay Thống đốc Jakarta muốn xe buýt điện chiếm ít nhất 50% tổng số đầu xe của Transjakarta vào năm 2025 và 100% vào năm 2030. Trong khi đó, báo cáo của công ty đặt mục tiêu xe buýt điện sẽ chiếm 83% đội xe của Transjakarta vào năm 2030, tương đương với khoảng 10.000 chiếc. Phần còn lại bao gồm xe buýt chạy bằng nhiên liệu diesel sơn màu vàng cam truyền thống và xe buýt chạy bằng khí hóa lỏng (CNG) sơn màu xanh lam.
Việc mở rộng đội xe buýt điện của Transjakarta nhằm thực hiện Tuyên bố quốc tế về đường phố xanh và sạch C40 mà Jakarta cùng 33 thành phố khác đã ký hồi tháng 9/2019. Các chương trình hứa hẹn khác nhằm cải thiện chất lượng không khí bao gồm loại bỏ các phương tiện cơ giới cũ và mở rộng vỉa hè. Theo Thống đốc Jakarta Anies Baswedan, mục tiêu của thành phố thủ đô là giảm tình trạng ô nhiễm không khí vốn gây ra 5,5 triệu ca bệnh và làm cho chi phí điều trị y tế mỗi năm tốn kém tới 6.800 tỉ rupiah (482,2 triệu USD).
Chính quyền Jakarta có kế hoạch mua sắm xe buýt điện thông qua Cơ chế mua dịch vụ (BTS), trong đó các nhà khai thác bỏ tiền mua xe buýt với mức giá thường cao hơn từ 50 đến 100% so với xe buýt chạy bằng nhiên liệu diesel và sau đó thành phố sẽ hoàn tiền cho họ theo mức giá cố định tính trên mỗi km.
Theo nghiên cứu, mức độ ô nhiễm không khí do xe buýt gây ra lên tới 13% với tỉ lệ khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính từ phương tiện giao thông này ở Jakarta là 32%. Trong khi đó, báo cáo của Chương trình không khí sạch hơn ở Jakarta cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí tại thành phố này hầu hết (46%) là do các phương tiện cơ giới gây ra.
Phần còn lại là do các nhà máy (43%), trong đó riêng mức đô ô nhiễm không khí do nhà máy điện gây ra là 9% và do các hộ gia đình (2%). Do vậy, nếu thay thế đội xe buýt hiện tại bằng xe buýt điện, ô nhiễm của thành phố trên sẽ giảm đáng kể.
Lê văn Khoa